“Tôi không đưa ra phát ngôn nào như vậy. Phóng viên báo Berita Harian hỏi tôi liệu máy bay mất tích có quay lại và bay về phía eo biển Malacca hay không. Tôi không trả lời câu hỏi. Thay vào đó, tôi nói với nhà báo ấy rằng: “Hãy xem ý kiến tôi đã đưa ra ngày 9/3 trong cuộc họp báo tại khách sạn Sama-Sama, sân bay Kuala Lumpur”, Tướng Tan Sri Rodzali Daud cho hay.
Tướng Tan đề nghị sửa bài viết sai trên Berita Harian để tránh gây hiểu lầm thông tin.
Theo Malaysia Insider, bài phát biểu của tư lệnh này trong buổi họp báo ngày 9/3 có nội dung: “RMAF không loại trừ khả năng phi cơ quay trở lại trước khi biết mất khỏi radar. Các quốc gia đang mở rộng tìm kiếm và cứu nạn ở vùng lân cận vùng biển bang Pulau Pinang. RMAF đang kiểm tra và phân tích tất cả các khả năng liên quan đến đường bay của máy bay trước khi nó mất tích. Tuy nhiên, thời điểm này chưa phù hợp để RMAF đưa ra kết luận chính thức về đường bay của máy bay mất tích cho đến khi xác minh và làm rõ được sự việc”.
Tướng Tan Sri Rodzali Daud. Ảnh: Malaysia Insider. |
Trước đó, vào ngày 11/3, tờ Berita Harian dẫn lời Tư lệnh không quân hoàng gia Malaysia cho hay radar quân sự phát hiện phi cơ Boeing 777-200 lần cuối vào lúc 2h40 sáng hôm 8/3, gần đảo Pulau Perak (nằm ở phía bắc eo biển Malacca). Khi đó nó bay ở độ cao khoảng 9.000 m.
Theo Berita Harian, ông Tan nói thêm rằng phi cơ bay khoảng một giờ 10 phút sau khi nó biến mất khỏi các màn hình của trạm kiểm soát không lưu. Bài viết của Beriata Harian vẫn còn trên trang sáng nay.
Vài giờ sau đó, Reuters đăng tải bài viết dẫn lời một nguồn tin từ quân đội Malaysia rằng không quân hoàng gia nước này đã dò được tín hiệu máy bay mất tích ở eo biển Malacca. Reuters không đưa tin về phát ngôn của Tướng Tan.
Malaysia Insider tối qua (11/3) cũng đưa tin này và còn lập luận, nếu thông tin của vị quan chức quân đội chính xác thì điều đó đồng nghĩa với việc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines vẫn tiếp tục bay khoảng 500 km, song bộ phát tín hiệu tự động cùng các hệ thống định vị của nó không hoạt động trong suốt quá trình bay.
Bộ phát tín hiệu tự động giúp các phi cơ gửi thông điệp trả lời mỗi khi chúng nhận tín hiệu từ sân bay. Trạm điều khiển không lưu cấp một mã nhận dạng cho mỗi máy bay trong vùng mà họ kiểm soát. Phi công nhập mã vào bộ phát tín hiệu tự động. Mỗi khi sân bay phát tín hiệu, phi cơ sẽ tự động gửi mã nhận dạng về sân bay để trạm điều khiển không lưu biết vị trí của nó.
Tuy nhiên, không lâu sau, cơ quan thực thi luật hàng hải Malaysia (MME) cho biết, họ vẫn chưa nhận được thông báo từ phía không quân hoàng gia Malaysia về việc dò được tín hiệu của chiếc máy bay Boeing 777 mất tích.
Chiều tối ngày 11/3, Cục hàng không Việt Nam cũng gửi công văn cho phía Malaysia đề nghị xác nhận thông tin về việc phát hiện máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines gần eo biển Malacca.