AP cho biết cuộc hội đàm nhiều khả năng tập trung vào thảo luận giảm lính gác tại Bàn Môn Điếm, rút vũ khí hạng nặng và kéo một số chốt quân sự ra khỏi Khu phi quân sự (DMZ). Hai bên cũng có thể thảo luận về cách đảm bảo cho ngư dân hai nước hoạt động hòa bình dọc theo ranh giới hàng hải, nơi xảy ra nhiều cuộc đụng độ đẫm máu trong những năm gần đây.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không cung cấp chi tiết về chương trình nghị sự. Cuộc hội đàm bắt đầu một cách thân thiện và cởi mở. Quan chức quân đội hai miền đều hy vọng sẽ tạo ra kết quả có ý nghĩa.
Quan chức quân đội hai miền bắt tay trước khi bắt đầu hội đàm. Ảnh: AP. |
Trung tướng An Ik San, trưởng đoàn Triều Tiên, cho biết ông cảm thấy có nhiệm vụ cao cả trong việc đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng với Hàn Quốc. Ông Kim Do Gyun, trưởng đoàn Hàn Quốc, tin tưởng cuộc hội đàm sẽ tạo ra những thành tựu mà hai miền Triều Tiên và cộng đồng quốc tế mong muốn, theo truyền thông Hàn Quốc.
Cuộc họp diễn ra vài ngày sau khi Triều Tiên bàn giao hài cốt quân nhân Mỹ chết trong Chiến tranh Triều Tiên. Điều mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cam kết trong thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Singapore trong tháng 6.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời cảm ơn nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã hoàn thành lời hứa và nói đó là bước đi đúng hướng sau hội nghị.
Tuy nhiên, giới quan sát hoài nghi Bình Nhưỡng không thực hiện các biện pháp cụ thể để giải trừ hạt nhân. Triều Tiên đã phá hủy đường hầm thử nghiệm hạt nhân và bắt đầu tháo dỡ cơ sở thử nghiệm tên lửa. Tuy vậy, các chuyên gia nói rằng điều đó không đủ để chứng minh việc phi hạt nhân hóa. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng cần đệ trình một danh sách các tài sản hạt nhân cần phá hủy.
Quan chức quân đội Triều Tiên bước qua ranh giới tại Bàn Môn Điếm để tham dự hội đàm. Ảnh: AP. |
Cho Han Bum, nhà phân tích tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, cho rằng sau khi hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ, Triều Tiên có thể yêu cầu Mỹ đồng ý tuyên bố chấm dứt chiến tranh như một đảm bảo an ninh. Vấn đề này có thể được thảo luận trong cuộc họp hôm nay.
Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Điều đó khiến bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Triều Tiên từ lâu lập luận rằng vũ khí hạt nhân của họ nhằm mục đích đối phó với các đe dọa quân sự của Mỹ. Bình Nhưỡng muốn ký hiệp định hòa bình với Washington để chính thức chấm dứt chiến tranh. Điều đó có thể cho phép Triều Tiên yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.
Một nguồn tin Hàn Quốc nói rằng tướng An muốn Seoul gây áp lực với Washington để cùng ký tuyên bố kết thúc chiến tranh.Tuy nhiên, giới quan sát hoài nghi một kết quả mang tính đột phá có thể đạt được sau hội đàm tại Bàn Môn Điếm.
Một số chuyên gia nói rằng Hàn Quốc không thể đồng ý bất kỳ biện pháp mạnh nào để giảm sự thù địch, trừ khi Triều Tiên tiến hành các bước cụ thể để phi hạt nhân hóa.
Tại thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào ngày 27/4 tại Bàn Môn Điếm, lãnh đạo hai miền đã đồng ý giải pháp tạo ra khu kiểm soát chung tại Bàn Môn Điếm, xúc tiến các biện pháp ngăn ngừa đụng độ ngẫu nhiên dọc ranh giới biển phía tây và giảm hành động thù địch.
Hàn Quốc sau đó đã tháo hệ thống loa tuyên truyền dọc biên giới, khôi phục đường dây nóng và tổ chức hội đàm quân sự cấp cao lần đầu tiên kể từ năm 2007.