Trả lời South China Morning Post, ông Kim cho biết trong chuyến thăm của ông đến Bình Nhưỡng hồi tuần trước, các quan chức tại đây đã thể hiện thái độ không hài lòng với việc trì hoãn tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Về mặt kỹ thuật, Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chưa kết thúc vì các bên chỉ ký thỏa thuận ngừng bắn, không phải hiệp định hòa bình.
"Họ hỏi tôi rằng liệu có bất kỳ lý do chính đáng nào để tiến trình hòa bình diễn ra chậm chạp như vậy không", ông Kim nói, nhận xét rằng Bình Nhưỡng dường như tin rằng họ đã nhượng bộ nhiều và mong đợi nhận lại điều tương tự.
Ông Kim Hong Gul, hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Hàn Quốc vì Hòa giải và Hợp tác, là con trai của cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, người kiến tạo "Chính sách Ánh dương" nhằm nối lại quan hệ hữu nghị Hàn Quốc - Triều Tiên giai đoạn 1998-2008.
Nhà lãnh đạo Triều tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4. Ảnh: AP. |
Triều Tiên mong muốn tháo dỡ cấm vận
"Ban đầu, Bình Nhưỡng muốn ký hiệp định hòa bình. Tuy nhiên, bây giờ họ yêu cầu các bên tuyên bố kết thúc chiến tranh", Kim nói. Ông cho biết thêm rằng Bình Nhưỡng muốn tuyên bố được đưa ra trước hiệp định hòa bình để Triều Tiên có thể tăng tốc độ phi hạt nhân hóa.
Ông Khổng Huyễn Hựu, đặc phái viên Trung Quốc về Triều Tiên, đã đến Bình Nhưỡng hôm 25/7. Ông sẽ thảo luận với các quan chức tại đây về đàm phán giữa Mỹ - Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Hồi tháng 4, Hàn Quốc và Triều Tiên đã cam kết cùng hợp tác trong năm 2018 để chính thức chấm dứt cuộc chiến. Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm cho rằng Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ đạt được điều này, hoặc là thông qua đàm phán 3 bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, hoặc 4 bên, gồm cả Trung Quốc.
"Phía Triều Tiên cũng than phiền về việc Hàn Quốc biết quá rõ về các trừng phạt của Liên Hợp Quốc và có phần thụ động trong việc khôi phục các dự án kinh tế liên Triều", ông Kim nói.
Nền kinh tế Triều Tiên suy yếu trong thời gian qua. Ảnh: Reuters. |
Quy mô kinh tế Triều Tiên đã sụt giảm 3,5% trong năm 2017, theo ước tính của ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Đây là sự thụt lùi lớn nhất kể từ năm 1997, nguyên nhân chính được cho là vì lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế.
Hồi đầu tuần, trang tin chuyên theo dõi Triều Tiên 38 North (trụ sở tại Mỹ) công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng có thể đã bắt đầu phá hủy bãi thử động cơ tên lửa tại Trung tâm Phóng Vệ tinh Soha.
"Triều Tiên sẽ nhượng bộ nhiều hơn nếu các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, dù chỉ là một phần", ông Kim nói. "Việc tháo dỡ trừng phạt sẽ giúp chính quyền của ông Kim Jong Un có lý do để thuyết phục người dân từ bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân, tập trung vào việc tăng cường phát triển kinh tế".
Trong một cuộc họp kín hồi tuần trước, Seoul đã yêu cầu các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho Bình Nhưỡng một ngoại lệ để tăng tốc các dự án kinh tế liên Triều.
Vai trò của Trung Quốc
Ông Kim Hong Gul thừa nhận vai trò của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
"Dù Triều Tiên không nhắc gì đến Trung Quốc trong chuyến đi của tôi, tôi tin rằng sẽ không hợp lý lắm nếu chúng ta loại trừ Bắc Kinh trong vấn đề này", ông Kim nói.
"Sẽ rất khó để tiến hành tuyên bố kết thúc chiến tranh nếu không có sự tham gia của Trung Quốc. Seoul cần nỗ lực để kêu gọi Bắc Kinh, và thậm chí cả Tokyo, để tìm kiếm sự trợ giúp và hợp tác trong việc xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", ông nhận định.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Theo chủ tịch Hội đồng Hàn Quốc vì Hòa giải và Hợp tác, hội nghị thượng đỉnh liên Triều và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là những thắng lợi về mặt ngoại giao, nhưng những diễn biến xảy ra sau đó mới có tính chất quan trọng.
Hồi tháng 5, Ủy viên Quốc vụ viện, kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho sau khi đặt chân đến Bình Nhưỡng, theo South China Morning Post.
Tại cuộc gặp, phía Trung Quốc cho biết nước này muốn tham gia vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. "Trung Quốc sẽ góp phần vào việc thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh phát biểu trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 2/5.