Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Tương lai Việt - Mỹ sau chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tiến sĩ Terry F. Buss nhận định Tổng thống Donald Trump đã tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với sự kính trọng to lớn và cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo phải được xem là thành công.

thu tuong nguyen xuan phuc tham my anh 1

Tương lai Việt - Mỹ sau chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tiến sĩ Terry F. Buss, Học viện Hành chính Quốc gia Mỹ, có bài viết riêng cho Zing.vn, đánh giá chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Các chuyên gia về tình hình quốc tế đã đợi chờ đầy nôn nóng để chứng kiến cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump trong tuần này. Từ khi nhậm chức hồi tháng 1 đến nay, Tổng thống Donald Trump luôn rất khó đoán.

Trong vài ngày vừa qua, ông lật lại chính sách Trung Đông của cựu Tổng thống Barack Obama, vốn đề cao Iran hơn Saudi Arabia; bất hòa với các đồng minh truyền thống tại châu Âu (đặc biệt là Đức) và xa lánh liên minh quân sự chung NATO. Việt Nam sẽ ứng xử như thế nào với nhà lãnh đạo khác thường của nước Mỹ?

Xét từ Tuyên bố chung của Việt Nam và Mỹ sau cuộc gặp, Tổng thống Donald Trump không chỉ xác nhận thành quả hai nước đã đạt được dưới thời các Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama mà còn cam kết sẽ hợp tác với chính phủ Việt Nam, không chỉ nhằm củng cố mối quan hệ đã bắt đầu từ thời các lãnh đạo trước của Việt Nam mà còn đưa nó lên tầm cao hơn.

Thắng lợi của cả hai quốc gia

Tổng thống Donald Trump đã tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với sự kính trọng to lớn. Thủ tướng là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Nhà Trắng. Trước cuộc gặp, Tổng thống Donald Trump thậm chí đã nói rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "đã làm một điều tuyệt vời tại Việt Nam".

Dựa trên những vấn đề toàn diện được đề cập trong Tuyên bố chung và sự đưa tin đầy ưu ái của truyền thông, cuộc gặp này phải được xem là một thắng lợi cho cả hai quốc gia. Việt Nam và Mỹ đã cam kết thúc đẩy "quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại, hợp tác trong khoa học kỹ thuật, quốc phòng và an ninh, giao lưu nhân dân, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm".

Hai nước cũng nhìn nhận rằng một số vấn đề chia rẽ họ, cụ thể trong lĩnh vực thương mại, có thể giải quyết bằng thiện chí từ cả 2 phía.

thu tuong nguyen xuan phuc tham my anh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp ở Phòng Bầu dục ngày 31/5 theo giờ Washington D.C. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Donald Trump cũng xác nhận ý định đến Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng vào tháng 11, một động thái cho thấy ông tin tưởng ra sao về tầm quan trọng của quan hệ đối tác Việt - Mỹ, cũng như tầm quan trọng của khu vực này.

Như tạp chí The Diplomat đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng sự có mặt của Tổng thống Donald Trump trong hội nghị sẽ "khẳng định vai trò tích cực của Mỹ trong khu vực". Tổng thống Donald Trump cũng đang có kế hoạch đến dự Hội nghị Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị Đông Á (EAS) tại Philippines vào tháng 11 này.

Thương mại và an ninh là những chủ đề bao trùm cuộc gặp của Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Việc làm, đầu tư và thương mại

Ở mọi nơi Tổng thống Donald Trump đến, ông nói về việc tạo ra công ăn việc làm, đầu tư và giảm bớt thâm hụt thương mại vốn đang làm lợi cho các nước đối tác. Cuộc gặp trên cũng không ngoại lệ. Dù vẫn chưa có nhiều chi tiết về các thỏa thuận, cả hai nước đang chờ đợi những hợp đồng thương mại trị giá khoảng 17 tỷ USD được xúc tiến.

Chênh lệch cán cân thương mại là một vấn đề lớn với Tổng thống Donald Trump. Trong ngày đầu tiên sau khi nhậm chức tổng thống, ông rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với niềm tin đây là một hiệp định không có lợi cho nước Mỹ.

12 quốc gia đã bắt đầu đàm phán TPP từ thời Tổng thống George W. Bush và gần như hoàn tất dưới thời Tổng thống Barack Obama. Nhiều chuyên gia than phiền việc rút khỏi TPP là một bước đi sai lầm, không chỉ vì đó là thật sự là một hiệp định tốt, mà còn vì rút khỏi TPP tức là từ bỏ vị thế của nước Mỹ trong khu vực và cho phép Trung Quốc lấp vào chỗ trống.

Theo hãng tin Bloomberg, mục tiêu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp là thống nhất với Tổng thống Donald Trump một số vấn đề thương mại đặc biệt sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Dù các thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố, hai nước đã đồng ý rằng vấn đề có thể được giải quyết.

thu tuong nguyen xuan phuc tham my anh 3

Việt Nam và Mỹ cần lẫn nhau, dẫu cho Việt Nam có thể là bên hưởng lợi nhiều hơn trong thương mại. Mức thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Việt Nam là 32 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số các quốc gia xuất siêu vào Mỹ. Kể từ năm 2014 đến nay, mức chênh lệch đã tăng lên 77%. Theo CNBC, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ các vật liệu bán dẫn, hàng điện tử, giày dép, quần áo và đồ nội thất.

Dù vậy, tờ Asian Times cũng chỉ ra rằng tổng giá trị thương mại song phương của Việt Nam và Mỹ là 46 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2015. Mỹ chiếm 14% tổng giá trị thương mại của Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ 8. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu điều này. Tại buổi tiệc tối ở Quỹ Di sản, ông lập luận rằng hai quốc gia "bổ sung nhau thay vì đối đầu".

Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ vừa được bổ nhiệm, đã khuyến khích Việt Nam tìm ra giải pháp hạn chế mức thặng dư thương mại của họ với Mỹ. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra một danh sách. Thời gian sẽ trả lời những sáng kiến trên liệu có giảm thiểu chênh lệch thương mại của Mỹ hay không.  

Về phía Việt Nam, điểm nhất quán trong vấn đề thương mại là yêu cầu được dỡ bỏ các chương trình kiểm duyệt đối với cá da trơn, tăng tốc cấp phép nhập khẩu trái cây và được đối xử công bằng hơn trong các vấn đề chống phá giá và chống trợ cấp.

Chính sách của Mỹ ở Biển Đông

Là một quốc gia ở Đông Nam Á, Việt Nam luôn quan tâm tới chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Dựa vào những sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian gần đây, có thể khẳng định rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump không rời xa khu vực này như đã từng tuyên bố. Mỹ vẫn “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương, tương tự những gì cựu Tổng thống Barack Obama từng theo đuổi.

Trước khi diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Washington, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải bằng cách cung cấp cho lực lượng Cảnh sát Biển 6 xuồng tuần tra Metal Shark 14 mmột tàu tuần tra lớp Hamilton.

Tuần trước, Hải quân Mỹ triển khai diễn tập gần khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam với tàu chiến USS Dewey. Đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ có hoạt động này dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng chuyển số lượng lớn lính hải quân tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên và lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc. Các tàu Hải quân Nhật Bản và Mỹ cũng tiến hành tập trận chung trong khu vực. Điều này cho thấy Tổng thống Donald Trump không “bỏ rơi” châu Á - Thái Bình Dương.

Ông cũng cho thấy sự khác biệt so với nhiều người tiền nhiệm trong chính sách tái cơ cấu quân đội, đặc biệt đối với lực lượng hải quân. Tổng thống từng yêu cầu tăng thêm 54 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng năm 2017 và 20 tỷ USD hàng năm trong thập kỷ tới nhằm tăng số lượng tàu của hải quân Mỹ từ 300 lên 305. Tái cơ cấu quân đội được xem là cách để đối phó với động thái gia tăng chi tiêu quốc phòng của Nga và Trung Quốc.

thu tuong nguyen xuan phuc tham my anh 4

Dưới thời chính quyền của ông Obama, Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào năm 2016. Tuy nhiên, hai nước chưa có bất cứ động thái mua bán vũ khí nào.

Tổng thống Donald Trump từng mời các nhà lãnh đạo Philippines, Thái Lan và Singapore tới Washington D.C. để xây dựng mối quan hệ song phương. Có thể nói rằng chính quyền mới ở Mỹ đang tái xây dựng quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc ở Đông Á; Australia, Philippines, Thái Lan, Singapore ở phía nam. Cùng lúc đó, Mỹ mong muốn một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề thương mại và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Rất khó để khẳng định điều gì trong khi mọi động thái của quyền mới chưa thành hình. Chính sách an ninh của Tổng thống Donald Trump rất tốn kém, vì vậy việc thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua vẫn chưa thể nói trước. Trong vài tuần tới, khi kế hoạch ngân sách quốc phòng hoàn thành, chúng ta sẽ hiểu hơn về mức độ thực tế của nó.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ, "năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai quốc gia với mục đích thúc đẩy quan hệ song phương. Điều này đem lại những sáng kiến quan trọng nhằm tăng cường quan hệ Việt - Mỹ và cho thấy cam kết lâu dài của Mỹ trong việc tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương”. Kể từ đó, hai nước luôn theo đuổi mục tiêu này và tạo dựng nhiều cơ hội hợp tác mới.

Cuộc gặp gỡ vào tại Nhà Trắng giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 31/5 sẽ rất hiệu quả bởi nó đem lại nhiều thành tựu và cơ hội trong tương lai. Đây chính là dấu hiệu tốt đẹp của mối quan hệ Việt - Mỹ sau cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Donald Trump tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Phóng viên Zing.vn tham gia đoàn báo chí, đưa tin cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.

'Mỹ khẳng định vai trò Việt Nam trong chiến lược ở châu Á'

"Tổng thống Donald Trump đã khẳng định tiếp tục duy trì phần lớn chính sách với Việt Nam, thậm chí có những tín hiệu mạnh mẽ hơn", Giáo sư Alexander Vuving trao đổi với Zing.vn.

Toàn cảnh chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Những gì diễn ra trong 3 ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Mỹ khiến báo chí quốc tế đánh giá: Việt Nam đã tiến một bước về quan hệ với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Terry F. Buss

Bạn có thể quan tâm