Chiều 31/5 giờ địa phương (sáng 1/6 giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.
Hai nhà lãnh đạo trao đổi về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương, thương mại và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Nhiều tờ báo, hãng tin quốc tế đồng loạt đưa tin về sự kiện này.
ABC News phát trực tiếp hình ảnh Tổng thống Donald Trump tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, nêu rõ Thủ tướng Việt Nam là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Nhà Trắng trong nhiệm kỳ của tân tổng thống Mỹ.
AP dẫn lời Tổng thống Donald Trump đánh giá rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "thể hiện rất tuyệt vời" và hai bên có "nhiều điều để cùng nhau thảo luận".
Bước tiến của Việt Nam
Bình luận về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bangkok Post có bài viết với nhan đề “Bước tiến đầu của Việt Nam với chính quyền ông Trump”.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có một bước tiến trong quan hệ với chính quyền mới của Mỹ”, Bangkok Post nhận định.
Trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tới Nhà Trắng dưới chính quyền mới không phải điều dễ dàng. Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo “dường như chắc chắn mang lại nhiều lợi ích”.
Theo Bangkok Post, các nước láng giềng ASEAN, cụ thể là các Bộ trưởng Ngoại giao, nên nhìn vào cách Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng. Lợi thế này sẽ giúp Việt Nam có được tiếng nói ở những vấn đề mà Việt Nam quan tâm.
Tổng thống Mỹ chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng. Sau đó hai ông có cuộc gặp riêng 15 phút tại phòng Bầu Dục trước khi có cuộc hội đàm giữa hai đoàn ở phòng họp Nội Các. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, Washington Times nhận định việc Tổng thống Donald Trump chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Washington và Hà Nội chia sẻ ngày càng nhiều lợi ích chiến lược và tầm nhìn chung về khu vực và thế giới.
“Đây là một phép thử để thấy hai nước đã tiến xa đến đâu và Việt Nam nổi lên đến mức nào trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Donald Trump ở châu Á”, Washington Times viết.
Trả lời phỏng vấn trên Đài NPR, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Mỹ là cơ hội để tiếp tục xây dựng quan hệ giữa 2 nước cho dù những điều Việt Nam và Mỹ mong muốn trao đổi có đạt được hay không.
“Tôi nghĩ Việt Nam là thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất đối với Mỹ trong 2 năm qua. Việt Nam có tiềm năng trở thành một cường quốc trong khối ASEAN và khu vực Đông Nam Á và có thể đóng vai trò lãnh đạo ở đó”, ông Michalak nhận định.
Thỏa thuận tỷ USD với Mỹ
Trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ, hãng CNBC dẫn lời chuyên gia đánh giá vai trò của Việt Nam ở Biển Đông và Đông Nam Á trong chiến lược của chính quyền Mỹ.
Nhà Trắng rõ ràng đã làm ấm quan hệ với một số quốc gia Đông Nam Á “trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng và cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến vai trò của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là sau khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, Jonathan Stromseth, chuyên gia của Viện Brookings, giải thích.
Trong khi đó, US News lại nhấn mạnh tới kỳ vọng về các thỏa thuận thương mại trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump.
Các thỏa thuận thương mại hàng tỷ USD được tiết lộ một ngày trước cuộc gặp "có thể làm giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và nền kinh tế đang phát triển này ở châu Á".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump bắt tay trong Phòng Bầu dục. Ảnh: AP. |
Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về thương mại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tổng thống hoan nghênh việc ký kết các hợp đồng kinh doanh trị giá hàng tỷ USD và lượng công ăn việc làm mà những thỏa thuận này mang lại.
Hãng tin Sputnik của Nga hôm nay cũng đưa tin Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD, đồng thời trích lời Tổng thống Donald Trump cho biết ông hy vọng sớm cân bằng được thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump hoan nghênh những hợp đồng làm ăn mới với Việt Nam, đồng thời trông đợi những bước đi kế tiếp về thương mại.