Hai tuần trước khi qua đời, nhà vật lý Stephen Hawking đã kịp gửi nghiên cứu cuối cùng của mình về vũ trụ song song. Ông đồng thời cũng dự đoán kết thúc của vũ trụ hiện tại.
Nghiên cứu của Hawking và đồng tác giả Thomas Hertog được công bố trên tạp chí Journal of High Energy Physics với tiêu đề “Sự kết thúc của lý thuyết vũ trụ giãn nở vĩnh cửu”.
Nhận vô số giải thưởng nghiên cứu khoa học, nhưng Hawking chưa từng đoạt giải Nobel vì không ai có thể chứng minh những giả thuyết của ông. Ảnh: Space. |
Theo Hertog, Hawking đã hoàn thành bài nghiên cứu trên giường bệnh, tạo ra di sản xứng đáng đoạt giải Nobel. Tuy nhiên, mong muốn của Hertog không bao giờ thành hiện thực vì Nobel không trao giải cho người đã khuất.
“Ông ấy thường được đề cử giải Nobel và lẽ ra nên được trao giải. Giờ thì ông ấy không bao giờ có thể nhận giải nữa”, Hertog nói.
Trước Big Bang chưa có khái niệm thời gian
Bài nghiên cứu của hai người dựa trên cơ sở lý thuyết dây và thuyết “Không ranh giới”, được Stephen Hawking cùng nhà vật lý người Mỹ James Hartle đưa ra vào năm 1993.
Thuyết này cho rằng trước vụ nổ Big Bang, thời gian không tồn tại. Sau vụ nổ lớn, vũ trụ sơ khai sẽ giãn nở theo cấp số nhân, giai đoạn này được gọi là “lạm phát”.
Lý thuyết này dẫn đến hệ quả có nhiều khu vực khác vẫn đang giãn nở và không bao giờ đạt đến trạng thái kết thúc lạm phát. Điều này dẫn đến trạng thái “lạm phát vĩnh cửu”, những vũ trụ mới liên tục xuất hiện trong những vũ trụ khác, tạo ra vô số vũ trụ.
Theo đó, vũ trụ chúng ta đang sống chỉ là một phần của đa vũ trụ có quá trình lạm phát kết thúc, vẫn còn các vũ trụ mới được phát triển liên tục tại những khu vực khác.
Tuy nhiên, mô hình này không thể được kiểm chứng vì không đo lường được số lượng vũ trụ vô hạn. Hertog cho biết Hawking không hài lòng với việc này và nói với ông rằng: “hãy thử chế ngự đa vũ trụ”.
Thuyết "Không ranh giới” cho rằng vũ trụ chúng ta đang sống chỉ là một trong nhiều vụ khác nhau. Ảnh: Shutter Stock. |
Do đó, bộ đôi đã tìm cách biến khái niệm đa vũ trụ thành mô hình có thể kiểm chứng được. Trong nghiên cứu mới, Hawking và Hertog dùng kỹ thuật “ảnh ba chiều”, giảm không gian ba chiều xuống còn hai chiều khiến cho việc tính toán dễ dàng hơn.
Từ đó, họ nhận thấy có khả năng tồn tại đa vũ trụ song với số lượng nhất định chứ không vô hạn. Dùng lập luận của Hawking, đa vũ trụ để lại dấu ấn trên bức xạ nền xuyên qua vũ trụ chúng ta đang sống.
Bằng tàu không gian với cảm biến phù hợp, các nhà khoa học hoàn toàn có thể đo lường bức xạ nền và kiểm chứng sự tồn tại của vũ trụ song song.
Nhiều nhà khoa học cho rằng công trình của Hawking là bước đột phá mà ngành vũ trụ cần. Dù vậy, có thể biến ý tưởng kiểm chứng đa vũ trụ bằng cách đo lường bức xạ nền thành hiện thực hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Chính Thomas Hertog cũng thừa nhận công nghệ hiện tại chưa đủ nhạy để thực hiện việc này.
"Nhân loại hãy tự cứu mình"
Không ít ý kiến phản đối, cho rằng lập luận của Hawking và Hertog dựa trên những thuyết chưa được kiểm chứng và không hoàn chỉnh.
“Những gì họ làm là dùng một mô hình “đồ chơi” vẫn chưa hoàn toàn phát triển và đủ chặt chẽ. Chính họ cũng thừa nhận rằng còn nhiều việc phải làm”, Katie Mack, nhà vũ trụ học tại Đại học North Carolina đánh giá.
Có lẽ khía cạnh gây tranh cãi nhất trong công trình của Hawking là dự đoán về cách vũ trụ này sẽ kết thúc. Ông cho rằng vũ trụ của chúng ta cuối cùng sẽ chìm vào bóng tối, khi các ngôi sao cạn kiệt năng lượng và tận thế sẽ đến với nhân loại.
Giả thuyết này không được một số nhà vũ trụ học đồng tình, cũng như nhận nhiều đánh giá trái chiều từ giới chuyên môn.
Hawking khuyên con người hãy tìm cách để di chuyển khỏi hành tinh trước khi quá muộn. Ảnh: BBC. |
Nhà vật lý nổi tiếng cũng thường xuyên dự đoán Trái Đất sẽ kết thúc. Tháng 6/2017, tại Lễ hội Starmus - cuộc họp quốc tế tôn vinh thiên văn học, thám hiểm không gian, âm nhạc, nghệ thuật và các ngành khoa học đồng minh như sinh học và hóa học - Hawking phát biểu rằng con người hãy tìm cách để di chuyển khỏi hành tinh này trước khi quá muộn.
Ông cho rằng Trái Đất sớm muộn cũng sẽ trở thành nơi không phù hợp cho sự sống do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, quá tải dân số. Thế hệ mới cần tìm kiếm nơi ở khác trong không gian.
“Chúng ta sắp hết không gian để sống. Cách duy nhất chúng ta có thể làm là tìm đến những thế giới khác. Đã đến lúc khám phá các Hệ Mặt Trời khác. Vươn ra ngoài không gian là thứ duy nhất cứu chúng ta khỏi chính mình ”, Hawking phát biểu.