90 phút với Quảng Ninh trên sân Cẩm Phả là minh chứng hùng hồn nhất cho khoảng cách về trình độ giữa những Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn, Lương Xuân Trường... và lứa kế cận ở HAGL. Với những cầu thủ dự bị và đàn em khóa sau, HAGL thua tan nát trước Quảng Ninh.
Bàn thắng duy nhất trong thất bại 1-3 được ghi bởi một cầu thủ đã 25 tuổi: A Hoàng. Sau khóa I và khóa II, chưa có thêm một tài năng nào của khóa III và IV đủ sức chen chân vào đội hình chính HAGL.
Chứng kiến HAGL thi đấu, CĐV lo lắng cho mùa này một thì lo cho tương lai 10. HAGL thi đấu rất tệ, và màn thể hiện của lứa kế cận từ học viện đào tạo trẻ không cho thấy đội bóng phố núi sẽ chơi tốt hơn trong nhiều năm tới đây.
Nỗi thất vọng khóa III
Cả V.League như nổ tung cách đây 5 năm khi Nguyễn Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay Văn Toàn được đôn lên đội một, lần đầu tiên chào sân tại V.League. Quyết định táo bạo đó của ông bầu Đoàn Nguyên Đức mở ra bước ngoặt cho HAGL. Không còn vung tiền mua sao, tạo ra “Dải ngân hà” phố núi như 10 năm trước, HAGL đặt niềm tin vào lứa cầu thủ tự đào tạo, xuất thân từ Học viện HAGL JMG.
Nước cờ của bầu Đức giúp HAGL thắng lợi về hình ảnh, khi họ là CLB được yêu mến, theo dõi nhiều bậc nhất tại V.League, nhưng lại thua hoàn toàn về chuyên môn. Xuân Trường, Tuấn Anh dẫu tài năng, song không thể gánh vác HAGL làm nên chuyện lớn. 5 năm qua, HAGL chỉ quanh quẩn đua trụ hạng. Mùa 2020, HAGL chơi thất vọng, uể oải sau khi đạt mục tiêu sớm. Hai trận gần nhất, đội bóng phố núi thủng lưới tám lần.
Tuy nhiên, nỗi lo về HAGL của năm 2020 khác so với năm 2015. Nếu 5 năm trước, HAGL dẫu có thua, CĐV vẫn có thể kỳ vọng lứa Công Phượng, Tuấn Anh sẽ tiến bộ theo thời gian bởi những cầu thủ này còn rất trẻ, thì những thất bại bây giờ không cho thấy chỉ dấu tích cực về tương lai.
Trần Bảo Toàn hay Dụng Quang Nho đều chưa thể hiện được khả năng. Khóa 3 của HAGL đang đóng góp rất hạn chế cho đội chính, phần lớn bị đẩy đi theo dạng cho mượn. Ảnh: Minh Chiến. |
Ở tuổi 24, 25, khó đòi hỏi Tuấn Anh, Xuân Trường đột phá về chuyên môn. Bộ đôi này đã trải qua thời gian đẹp nhất để tạo sức bật. Vũ Văn Thanh đang nỗ lực tìm lại hình ảnh trước đây sau chấn thương dây chằng. Nguyễn Phong Hồng Duy hay Trần Minh Vương đều không tiến bộ nhiều. Đấy là những cầu thủ ưu tú nhất mà HAGL có vào lúc này. Người hiếm hoi của HAGL tiến bộ trong năm 2020 là Công Phượng nhờ được thi đấu cho một CLB khác.
Khi khóa I, II qua độ sung mãn, khóa III và IV của HAGL sẽ phải đứng lên gánh vác đội bóng, nhưng đến lúc này, những cầu thủ giỏi nhất của khóa III đều chưa thể hiện được nhiều. Quang Nho là cái tên hiếm hoi có chỗ đứng ở đội một, dù vậy, Nho vẫn còn “xanh” khi chỉ có một thời gian ngắn thi đấu thăng hoa.
Ở trận gặp CLB Hà Nội vừa qua, Quang Nho lép vế trước những cầu thủ cùng trang lứa bên kia chiến tuyến như Lê Văn Xuân, Bùi Hoàng Việt Anh. Đến giờ, Quang Nho vẫn chưa cho thấy phẩm chất nào đặc biệt. Tương tự là Trần Bảo Toàn, cầu thủ được HLV Park Hang-seo ưu ái ở U22 Việt Nam, song dấu ấn lớn nhất để lại chỉ là pha… đốn ngã cầu thủ U23 CHDCND Triều Tiên, khiến đội nhà chịu phạt đền ở giải U23 châu Á 2020. Bảo Toàn chỉ được ra sân nhỏ giọt ở đội một và cũng không thể hiện được gì.
Triệu Việt Hưng và Trần Thanh Sơn, hai tiền vệ vô địch SEA Games 30, cũng “mất hút” ở HAGL. Sau vài trận đá chính, Việt Hưng bị đẩy lên ghế dự bị và mới trở lại thi đấu khoảng 1, 2 trận gần đây. Thanh Sơn cùng Đinh Thanh Bình đã bị đẩy sang Công an Nhân dân theo dạng cho mượn.
Cầu thủ HAGL tiến bộ trong năm qua là một người đang thi đấu cho CLB khác. Ảnh: Minh Chiến. |
Báo động về hướng đi
Còn quá sớm để nói khóa III của HAGL sẽ thất bại, nhưng kỳ vọng lứa cầu thủ này giúp đội bóng phố núi bay cao ở V.League là điều viển vông. Nếu Xuân Trường, Tuấn Anh là “ngọc quý” ở các đội trẻ từ U19 đến U22, những sản phẩm cho HAGL đào tạo hôm nay chưa chắc cạnh tranh được với các trung tâm khác như Hà Nội, Viettel, PVF, SLNA.
Chia sẻ với báo giới, HLV Guillaume Graechen khẳng định khóa III của HAGL không nhiều cầu thủ tài năng, không được tập huấn ở nước ngoài và mất căn bản do tập trung muộn. Nếu khóa 1 của HAGL chứng kiến 20.000 cầu thủ tuyển sinh, con số của khóa III giảm xuống 4.000. Sự nổi lên của nhiều trung tâm khiến HAGL bị cạnh tranh.
Dù vậy, cái thua của khóa III HAGL không chỉ nằm ở chất lượng cầu thủ, mà còn liên quan đến cách dùng người. Bầu Đức đã dũng cảm gạt bỏ gần hết cầu thủ đội một HAGL năm 2014 để nhường chỗ cho Tuấn Anh, Công Phượng đá V.League. Lứa này được thi đấu vô điều kiện dù xuống phong độ ra sao. Hiệu quả tuy ít, nhưng có thể thấy được khi Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng có những đóng góp cụ thể cho bóng đá Việt Nam.
Còn Quang Nho, Bảo Toàn hôm nay sẽ không được thi đấu thoải mái như thế. Rất nhiều cầu thủ đang phải thi đấu theo dạng cho mượn để tìm kiếm cơ hội. Được ra sân nhiều, đã có cầu thủ tỏa sáng, đó là trường hợp của Lê Minh Bình ở đội Bà Rịa - Vũng Tàu. Thanh Bình hay Thanh Sơn đá ở Công an Nhân dân, song mặt bằng giải hạng Nhì khó tạo ra sự tiến bộ cho họ. Khó chờ đợi những cái tên này sẽ thay thế đàn anh trong 2, 3 năm nữa.
Sau khóa III, bầu Đức đã đầu tư hơn cho khóa IV khi để cầu thủ sang nước ngoài tập huấn. Nguyễn Thái Quốc Cường, Trần Gia Huy, Hoàng Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thanh Khôi hay Vũ Minh Hiếu đều giàu tiềm năng. Tuy nhiên, từ tiềm năng đến tài năng là chặng đường rất dài.
Đặt cược tương lai vào cầu thủ tự đào tạo là canh bạc. Nên nhớ, không lò đào tạo nào trên thế giới, kể cả Manchester United hay Barcelona có thể sản sinh nhiều măng non tài năng liên tiếp. M.U hôm nay chưa thể tự đào tạo ra lứa nào như “Thế hệ 1992”. Barca cũng chưa tìm được những cầu thủ kế cận xứng đáng cho Lionel Messi, Andres Iniesta hay Xavi Hernandez.
Thành công của đào tạo trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, có cả may rủi. Phương án tối ưu nhất là vừa xây dựng lực lượng nhờ cầu thủ tự đào tạo, vừa đắp bồi thêm những ngôi sao để cân bằng đội hình. CLB Hà Nội hay CLB Viettel, những đội dẫn đầu V.League, là tiêu biểu cho hướng đi này.
Trong khi đó, đội bóng của bầu Đức gần như không có ngôi sao. HAGL mang về những nội binh hoặc vô danh, hoặc đã luống tuổi như Nguyễn Tăng Tiến, Nguyễn Văn Hạnh, Trương Trọng Sáng hay Nguyễn Anh Đức. Tất cả đều chơi dưới mức trung bình.
Đội chủ sân Pleiku tin tuyệt đối vào “của nhà trồng được”, nhưng cầu thủ của họ chưa giỏi đến mức tự thân gánh được đội bóng. Niềm tin có phần mù quáng sẽ khiến HAGL còn bất định trong thời gian dài nữa.