Nhìn từ trên cao, cầu Long Biên với thiết kế khung thép độc đáo là biểu tượng đẹp của Hà Nội. Nhiều kiến trúc sư của thủ đô mong muốn cây cầu sẽ được tu sửa để tồn tại lâu dài.
Nhưng khi trực tiếp đứng trên mặt cầu, chứng kiến đoàn tàu hỏa đi qua cầu phải nhích chậm rãi với tốc độ 15 km/h, hàng loạt âm thanh chát chúa khi lốp xe máy nghiến qua bản thép đã cập kênh, han gỉ... nhiều ý kiến lo ngại hiện trạng cây cầu đã không còn phù hợp với nhịp phát triển hiện đại của thủ đô.
Công trình quá niên hạn
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cầu Long Biên đã nhiều lần được khôi phục, gia cố sửa chữa nhưng không đáp ứng được tình trạng xuống cấp. Việc duy tu, sửa chữa của đơn vị quản lý, bảo trì chỉ dừng ở bảo dưỡng định kỳ, chủ yếu với phần đường sắt như cạo gỉ sắt, sơn lại, thay thế gia cố tà vẹt, ốc vít, vệ sinh cầu...
Năm 2016, Bộ GTVT đã thực hiện dự án “Khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1: Gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025” với kinh phí gần 300 tỷ đồng; mục tiêu là sửa chữa các hư hỏng lớn của kết cấu để duy trì trạng thái kỹ thuật công trình, đảm bảo an toàn khai thác.
Cầu Long Biên hư hỏng thường xuyên do đã quá niên hạn sử dụng. Ảnh: Mỹ Hà. |
Tuy nhiên sau vài năm, cầu Long Biên tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng. Hiện, phần đường sắt đã xuất hiện nhiều thanh tà vẹt gỗ bị mục nát, các nút đầu dầm và dàn bị gỉ, hao mòn. Tàu hỏa qua cầu phải giới hạn tốc độ xuống còn 15 km/h.
Do đơn vị quản lý khai thác là doanh nghiệp đường sắt, kết cấu đường bộ song hành của cây cầu chỉ được bảo trì với kinh phí hạn hẹp. Hệ thép đỡ phần đường bộ 2 bên cánh gà đã bị han gỉ, hao mòn tiết diện. Nhiều tấm bê tông trên mặt đường xe thô sơ bị cập kênh và vỡ. Mặt đường bộ bị bong bật tạo thành ổ gà. Khe co giãn bị hỏng neo và cập kênh dẫn đến các phương tiện giao thông qua lại gặp khó khăn.
Năm 2022, kinh phí bảo dưỡng cầu là 9,7 tỷ đồng, trong đó phần cầu đường sắt được bố trí 7 tỷ đồng trong khi cầu đường bộ chỉ được bố trí 423 triệu đồng (còn lại 2,3 tỷ đồng là chi phí tuần đường, bảo vệ cầu).
VNR khẳng định công trình cầu Long Biên đã quá niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Bàn giao cho Hà Nội
Là mắt xích giao thông quan trọng trên tuyến đường sắt xuyên nội đô Yên Viên - Ngọc Hồi, cầu Long Biên suốt nhiều năm qua vẫn thuộc trách nhiệm quản lý của Cục Đường sắt (Bộ GTVT) với đơn vị khai thác trực tiếp là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Tuy nhiên, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, hệ thống đường sắt quốc gia thay vì đi xuyên qua nội thành Hà Nội sẽ dừng ở 2 đầu thành phố. Phía bắc dừng ở ga Yên Viên, phía nam dừng tại ga Ngọc Hồi.
TP Hà Nội tiếp nhận, quản lý cầu Long Biên trong tương lai. Ảnh: Ngọc Tân. |
Đoạn đường sắt quốc gia Yên Viên - Ngọc Hồi (bao gồm cả cầu Long Biên) sẽ được chuyển thành đường sắt đô thị (metro). Cầu vượt sông của metro Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ được xây dựng cách cầu Long Biên 75 m về phía thượng lưu.
Tuyến metro Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ do TP Hà Nội nghiên cứu đầu tư. Hiện, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) đã tiến hành các thủ tục bàn giao dự án cho Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB).
Đầu năm 2022, một tập đoàn tư nhân đã gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp nghiên cứu, lập báo cáo khả thi dự án khôi phục, bảo tồn cầu Long Biên theo hình thức đối tác công tư PPP. Mục tiêu của dự án là khôi phục nguyên dạng ban đầu của cầu Long Biên, đảm bảo giao thông đường sắt và kinh doanh dịch vụ du lịch. Doanh nghiệp xin chịu mọi phí tổn trong trường hợp dự án không được thông qua.
Sau khi nhận kiến nghị, Bộ GTVT đã hướng dẫn doanh nghiệp chuyển văn bản cho UBND Hà Nội, bởi lẽ UBND Hà Nội được Thủ tướng giao là cơ quan chủ quản thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên do chính phủ Pháp tài trợ, đồng thời địa phương cũng là bên tiếp nhận, quản lý cây cầu trong tương lai.