Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi thơ Ibra: Gia đình đổ vỡ, sống trong đói nghèo

Tháng 11/1990, phía phúc lợi xã hội điều tra và bố tôi giành được quyền nuôi cả tôi lẫn Sanela bởi môi trường ở nhà mẹ bị xem là không phù hợp.

Rosengård, ngoại ô Malmö, miền Nam Thụy Điển là nơi tôi sống. Nơi đây là một khu nhập cư. Người Somali, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Ba Lan... đủ cả. Tất nhiên là phải có những người Thụy Điển nữa. Và bạn phải tự thân vươn lên trong một môi trường như thế.

Ngay cả cuộc sống trong gia đình cũng chẳng nhẹ nhàng như bạn vẫn tưởng. Nhà tôi ở trên tầng bốn của đường Cronmans. Không có quan tâm chào hỏi gì đâu. Người lớn chẳng giúp bọn trẻ làm bài tập về nhà, hay hỏi xem chúng có cần giúp đỡ gì không.

Đám trẻ phải tự mà trưởng thành và chúng tôi thì đánh nhau như cơm bữa. Sống mãi thành quen, nhưng đôi khi bạn vẫn muốn nhận được sự quan tâm, đứa con nít nào chả thế.

Có lần tôi rớt từ mái nhà của một trường mẫu giáo xuống và bầm đen một bên mắt. Tôi ôm mặt, khóc lóc chạy về nhà với hy vọng sẽ được ôm vào lòng, xoa đầu an ủi. Nhưng làm gì có, chỉ có một cái tát vào mặt:

“Mày làm cái giống gì trên mái nhà vậy hả?”

Vậy đó! Không bao giờ là “Tội Zlatan chưa?”. Thay vào đó, sẽ luôn là: “Mày ăn gì ngu thế, để tao cho mày một trận”. Tôi đã sốc trước sự “vỗ về” của mẹ và vùng chạy. Mẹ tôi không bao giờ có thời gian để vỗ về con cái.

Bà phải làm việc, dọn dẹp, chùi rửa để kiếm tiền nuôi chúng tôi. Bà là một chiến binh thật sự. Nhà nghèo nên áp lực cũng lớn, bọn trẻ lúc nào cũng phập phồng đón nhận cơn thịnh nộ đến từ mẹ chúng.

Giao tiếp trong nhà chúng tôi khác xa những ngôi nhà Thụy Điển khác. Nếu mẹ người ta nói: “Cục cưng chuyền cho mẹ lọ bơ nào” thì mẹ tôi sẽ nói: “Đưa tao hộp sữa coi thằng kia.”

Thỉnh thoảng mẹ tôi đóng cửa và ngồi khóc một mình. Mẹ khóc nhiều lắm. Tôi thương mẹ vô cùng, đời mẹ khổ quá mà. Một ngày mẹ đi làm mướn cho người ta 14 tiếng đồng hồ, đôi khi bà dẫn chúng tôi theo để phụ đổ rác, hay đại loại thế, chỉ để có được những đồng tiền lẻ. Làm nhiều sẽ trở nên cáu giận.

Những lúc ấy, bà lấy muỗng gỗ đánh chúng tôi. Có lúc đánh mạnh quá nên gãy cả muỗng, thế là tôi phải đi mua cái mới, cứ như thể tại tôi mà cái muỗng mới gãy vậy.

Có một ngày tôi lấy gạch ném vỡ cửa kính của một trường mẫu giáo. Người ta bắt đền và mẹ tôi thì nổi điên. Cái gì tốn tiền đều khiến mẹ tôi điên lên như vậy.

Thế là bà lại lấy muỗng đập tôi. Bang, bang, và muỗng lại gãy. Bà tìm một cái khác để tiếp tục đánh nhưng trong nhà hết sạch muỗng rồi. Thế là bà chuyển sang nện tôi bằng cái lăn bột. Tôi vùng chạy khỏi nhà và đến mách chị Sanela.

Toi la Zlatan Ibrahimovic anh 1

Bố mẹ tôi chỉ có hai người con là tôi và chị Sanela, chị lớn hơn tôi 2 tuổi, là một người rắn rỏi. Một lần nọ, chúng tôi quyết định đùa với mẹ chút đỉnh.

Hai đứa vào siêu thị và... mua muỗng, tầm 3 cái với giá 10 kronor, gói lại rồi tặng mẹ như quà Giáng sinh. Tôi không nghĩ là mẹ cảm thấy buồn cười vì việc ấy. Bà không có cả thời gian cho việc vui vẻ. Làm sao để có đồ ăn trên bàn mới là điều khiến bà quan tâm nhất.

À, tôi chưa nói bạn nghe nhỉ. Bố mẹ tôi ly dị khi tôi còn nhỏ. Mẹ tôi có hai người con riêng. Một người chị sau này bỏ nhà đi và hoàn toàn mất liên lạc. Một đứa em tên Aleksandar mà chúng tôi gọi là Keki. Nhà tôi không bao giờ đủ tiền, đứa lớn phải cố mà chăm cho đứa bé. Đó là cách duy nhất để cả bọn lớn lên.

Nếu không, chúng tôi sẽ không thể nào sống sót qua nổi tuổi thơ ấy. Trong nhà luôn có mì gói và tương ớt, chúng tôi không ăn ở nhà thì ăn ở nhà bạn hoặc nhà của dì Hanife. Dì sống ở cùng căn hộ với chúng tôi, cũng thuộc thế hệ nhập cư đầu tiên đến Thụy Điển.

Bố mẹ ly dị khi tôi còn chưa tròn hai tuổi nên tôi không có bất kỳ ký ức nào về việc ấy. Có lẽ như vậy cũng tốt bởi bố mẹ tôi sống không hạnh phúc. Họ luôn xung đột và cãi nhau. Sau này tôi còn được nghe là bố lấy mẹ chỉ vì muốn có giấy phép nhập cư. Vì thế khi ly dị, mẹ tôi giành được quyền nuôi con.

[…]

Mọi thứ trở nên rối loạn, những cuộc điều tra phúc lợi, những tranh chấp, những cuộc chiến trước tòa. Lúc ấy tôi chỉ mới 9 tuổi nên không hiểu gì nhiều. Đó là mùa thu năm 1990. Mọi người cố giấu không cho tôi biết chuyện gì đang diễn ra.

Nhưng tôi thì hiểu là đang có chuyện. Thì ra, bà chị cùng mẹ khác cha của tôi chơi ma túy, và giấu ngay trong nhà. Người ta biết và gọi điện báo cảnh sát.

Một lần khác, mẹ tôi bị tóm vì cố tiêu thụ đồ gian. Một số người quen dúi cho bà mấy sợi dây chuyền và nhờ giữ giùm. Mẹ tôi có hiểu gì đâu, sau này mới biết đó là hàng ăn cắp và bà bị cảnh sát tóm. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác ngơ ngác và mơ hồ ấy: Mẹ đi đâu rồi? Tại sao mẹ lại đi khỏi nhà vậy?

Nhưng lần này, sau chuyện mới nhất xảy ra với Sanela, nhìn thấy chị khóc, tôi đã quyết định phải chạy trốn khỏi thực tại ấy. Tôi ra ngoài đường và bắt đầu đá bóng. Tôi chả phải thiên tài gì, chỉ là một đứa ngổ ngáo bị chinh phục bởi môn thể thao này.

Tôi lúc nào cũng đá bóng, trong vườn, trên sân, vào những giờ ra chơi ở trường. Tôi đá không hay, nhưng đánh nhau thì chả ngán ai. Tôi sẵn sàng húc đầu vào bất kỳ kẻ nào gây hấn, tôi la hét với chính những đồng đội của mình.

[…]

Tháng 11/1990, phía phúc lợi xã hội điều tra và bố tôi giành được quyền nuôi cả tôi lẫn Sanela bởi môi trường ở nhà mẹ bị xem là không phù hợp.

Mẹ không có lỗi, nhưng mẹ không thể kiểm soát mọi thứ quanh mình và thế là đủ để bố có được quyền ưu tiên nuôi con. Mẹ tôi đau khổ vô cùng, bà đâu còn gì ngoài chúng tôi.

Và thế là bà khóc, khóc thật nhiều. Đúng là bà hay lấy muỗng nện chúng tôi, nhéo hai chị em đến sứt cả tai và chả bao giờ nghe chúng tôi tỉ tê tâm sự nhưng bà rất đáng thương. Bà toàn bị người đàn ông của mình ruồng bỏ, bà không có tiền nhưng bà yêu con mình, dù theo cách riêng của bà. Bố tôi đã đến nhà chiều hôm ấy và nói:

“Anh không muốn em mất bọn trẻ, Jurka. Nhưng nếu mọi thứ không khá hơn thì em sẽ chẳng bao giờ thấy chúng nữa đâu.”

Zlatan Ibrahimovic / David Lagercrantz / TH Books

SÁCH HAY