11 năm sau ngày đội trưởng tuyển Việt Nam Phan Văn Tài Em nâng cao chiếc cúp vô địch AFF Cup, bóng đá miền Tây oai hùng, lừng lẫy giờ chỉ còn là miền ký ức.
Năm 2008, 8 tuyển thủ Việt Nam vô địch AFF Cup là những người con của sông nước miền Tây. Đại diện miền Tây Long An về nhì ở V.League với 2 điểm kém đội vô địch.
Hơn một thập niên sau, không còn người miền Tây nào trong đội hình tuyển Việt Nam. V.League 2019 là mùa giải đầu tiên sạch bóng các đại diện miền Đồng bằng sông Cửu Long.
Đâu rồi oai hùng bóng đá miền Tây?
Đoàn Việt Cường, Phan Thanh Giang, Nguyễn Minh Phương, Phan Thanh Bình, Nguyễn Việt Thắng, Phan Văn Tài Em, Nguyễn Vũ Phong và Trần Trường Giang, 8 người họ có 2 điểm chung. Thứ nhất là thành viên “thế hệ vàng Việt Nam” vô địch AFF Cup 2008. Thứ hai là những người con của sông nước Cửu Long, trưởng thành từ phù sa đỏ nặng của mảnh đất Tây Nam Bộ.
8 cầu thủ trong 23 người, họ là bằng chứng sống gợi nhắc thời oai hùng của bóng đá miền Tây.
Dưới chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam, bất chấp vật đổi sao dời, miền Tây luôn sản sinh ra những tên tuổi lừng lẫy. Trần Công Minh là đội trưởng tuyển Việt Nam ở chung kết Tiger Cup 1998, Tài Em là thủ quân đội hình vô địch AFF Cup 2008. Đến thời Toshiya Miura, tuyển Việt Nam vẫn còn Bửu Ngọc trong khung gỗ, Thanh Hiền ở tuyến phòng ngự.
Xa hơn, một trong những cầu thủ Việt Nam vĩ đại nhất lịch sử là Phạm Huỳnh Tam Lang sinh ra ở Gò Công (Tiền Giang). Cố danh thủ Tam Lang từng là đội trưởng tuyển Việt Nam vô địch Merdeka Cup 1966. Ông được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trao kỷ niệm chương cống hiến, là tên tuổi được cả 2 miền Nam - Bắc kính nể.
Ở cấp độ CLB, Đồng Tháp và Long An từng là những biểu tượng. Đồng Tháp 2 lần vô địch quốc gia thời tiền chuyên nghiệp, Long An 2 lần đứng trên đỉnh cao V.League. Xứ bưng biền luôn tự hào vì truyền thống và năng lực đào tạo trẻ, còn Long An là lá cờ đầu bóng đá miền Nam thời mới lên chuyên.
Xa hơn nữa, Cửu Long là một trong hệ thống 3 giải Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long nức tiếng. Những giải đấu này được xem là khởi nguồn của hệ thống bóng đá Việt Nam ngày nay.
Hơn 40 năm bóng đá Việt Nam hiện đại, luôn tồn tại một miền Tây oai hùng, ngạo nghễ.
Tại V.League 2014, HLV Nhan Thiện Nhân dẫn dắt đội An Giang chơi trận play-off cuối mùa với Cần Thơ. Trong trận ấy, An Giang thua 0-3.
Cuối mùa giải 1997, An Giang cũng chơi trận quyết định số phận gặp Cảng Sài Gòn. Nhan Thiện Nhân khi ấy còn là đội trưởng. Chàng trai năm ấy sút hỏng quả phạt đền quyết định, khiến An Giang thua Cảng Sài Gòn rồi xuống hạng. Ở quê nhà, bố Thiện Nhân nghe tin, đột quỵ rồi qua đời.
Đại hội VFF khóa VII tháng 3/2014, ông Nhân trúng cử vào Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với số phiếu tín nhiệm cao. Tên ông được ghi vào sử sách trong những năm tháng đẹp nhất của bóng đá Việt.
Tuy nhiên, đội bóng quê hương mình, ông Nhân cứu không được.
Thất bại trước Cần Thơ ở trận play-off chỉ là đoạn kết cho hành trình buồn của bóng đá An Giang, là bi kịch điển hình của bóng đá miền Tây Nam Bộ.
Năm 2012, tỉnh An Giang đạt được thỏa thuận với một doanh nghiệp hải sản về việc tài trợ cho CLB tham dự V.League. Doanh nghiệp sẽ chi 20 tỷ đồng, 20 tỷ còn lại do tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch chi trả. Doanh nghiệp sẽ được ưu đãi thuê 40 hecta đất để nuôi trồng thủy sản.
2 năm sau ngày đó, kế hoạch kia vẫn nằm trên giấy, lô đất 40 hecta vẫn bỏ hoang, doanh nghiệp chưa được cấp phép và tiền vẫn chưa về An Giang.
Hậu quả ấy khiến CLB An Giang phải gánh chịu toàn bộ. Đội bóng miền Tây thử việc rất nhiều trước V.League 2014, nhưng không chiêu mộ được ngoại binh nào tử tế. Họ không đủ tiền trả lương và khiến cầu thủ yên tâm thi đấu. Lực lượng yếu, mới thăng hạng, kinh nghiệm và tài chính đều hạn chế, An Giang xuống hạng chỉ sau một năm trước khi giải thể về chơi tại giải hạng ba.
Sự việc ở An Giang chỉ là biểu hiện bề mặt của bóng đá miền Tây trong giai đoạn suy thoái. Đấy là thời điểm Đạo luật Nông trại mới của Quốc hội Mỹ gây nhiều khó khăn cho mặt hàng cá da trơn (cá tra, cá ba sa) của Tây Nam Bộ. Đạo luật mới là cú đánh mạnh vào kinh tế An Giang nói riêng và miền Tây nói chung - vốn coi cá da trơn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Khi kinh tế gặp khó khăn, rất khó để những người làm bóng đá thuyết phục các doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư.
Năm 2014, An Giang xuống hạng sau thất bại trong trận play-off trước đại diện miền Tây khác là Cần Thơ. Năm 2016, Đồng Tháp tạm biệt V.League. Đến 2017, Long An cũng tụt hạng sau bê bối bỏ trận đấu. Mùa trước, Cần Thơ xuống hạng đặt dấu chấm hết cho bóng đá miền Tây ở V.League.
Kể từ năm 2014, mỗi mùa giải, bóng đá miền sông nước chia tay một cái tên. V.League 2019 là lần đầu tiên sau 17 năm, miền Tây không còn đội bóng nào góp mặt tại V.League. Đó mới là lần thứ 2 trong lịch sử các giải quốc nội Việt Nam, miền Tây vắng mặt ở hạng đấu cao nhất.
Điều gì đã dẫn tới bi kịch của họ?
Bi kịch của bóng đá miền Tây đến từ đầu những năm 2000 khi bóng đá Việt Nam chuyển lên chuyên nghiệp.
Thời trước, các đội bóng thuộc sở hữu của các Sở, các tỉnh như Thanh Hóa, SLNA, là đại diện cho các ngành như Công an Hà Nội, Thể Công, Tổng cục Đường sắt. Khi bóng đá Việt tiến vào kỷ nguyên V.League, mô hình ấy bị thay đổi. CLB Thanh Hóa có thể trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh. Tuy nhiên, đội bóng do nhà tài trợ quản lý, trực tiếp điều hành với quyền lực tối thượng thuộc về chủ doanh nghiệp - tức ông bầu.
Sự xuất hiện của những ông bầu làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt bóng đá chuyên nghiệp. Thời đại kim tiền của bóng đá Việt bắt đầu bằng những bản hợp đồng bom tấn, các ngoại binh đắt giá, những khoản thưởng hàng trăm triệu sau mỗi chiến thắng. Đứng sau mỗi đội bóng lớn đều là những tập đoàn với các ông bầu bạo chi. Đó là bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức) ở Gia Lai, bầu Thắng (Võ Quốc Thắng) tại Long An, bầu Trường (Hoàng Mạnh Trường) ở Ninh Bình hay sau này là bầu Hiển (Đỗ Quang Hiển, Hà Nội).
Người hâm mộ muốn biết tiền bạc có ý nghĩa thế nào với bóng đá chuyên nghiệp, hãy nhìn Thanh Hóa mùa này. 2 năm trước, đội bóng xứ Thanh cạnh tranh ngôi vương với CLB Hà Nội và 2 lần kết thúc mùa giải ở vị trí á quân. Mùa này, khi doanh nghiệp vừa rút tài trợ, xứ Thanh mất một nửa đội hình, sụp đổ hoàn toàn trước khi bầu Đệ tái xuất.
Đó cũng là bi kịch của bóng đá miền Tây.
Tại V.League, kinh phí tối thiểu mà nhà tài trợ cần chi cho một CLB trụ lại giải đấu là 20 tỷ đồng mỗi mùa. Phần lớn đội bóng miền Tây không thể tìm được nhà tài trợ với mức tiền đó. Con số 20 tỷ đồng cũng chưa phải cột mốc an toàn cho các CLB. Lấy Nam Định làm ví dụ, đội bóng này nhận 20 tỷ đồng mỗi năm từ Dược Nam Hà Nam Định, nhưng mùa trước chỉ xếp hạng 13/14 và phải đá play-off để trụ hạng.
Tập đoàn Cao su Đồng Tháp, Xổ số Kiến thiết Cần Thơ hay Tập đoàn Lộc trời là những doanh nghiệp đã tham gia vào cuộc chơi thể thao ở miền Tây. Họ đều không thể chi trả hoặc không muốn chi trả số tiền lớn như vậy.
Không hề tình cờ khi các đội bóng mạnh nhất hiện nay, các địa phương có phong trào bóng đá sôi động nhất đều là các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, được chống lưng bởi những tập đoàn lớn như T&T Group, Ngân hàng SHB, Tập đoàn Becamex, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Viettel. Đương kim vô địch và đội chơi tiến bộ nhất V.League 2019 là những đại diện của Hà Nội và TP.HCM - 2 đầu tàu kinh tế cả nước.
Khi không thể cạnh tranh về tài chính, các đại diện miền Tây buộc phải “thắt lưng buộc bụng” để tồn tại. Họ phải giảm đầu tư, cắt bớt kinh phí đào tạo trẻ, chia tay các ngôi sao để duy trì đội bóng. Năm 2003, Trần Trường Giang tạm biệt quê hương Tiền Giang tới Bình Dương với giá chuyển nhượng kỷ lục thời đó - 1 tỷ đồng. Năm 2006, Bình Dương tiếp tục cướp được Nguyễn Vũ Phong từ tay Vĩnh Long. Sau AFF Cup 2008, Long An liên tục mất Nguyễn Việt Thắng về tay Ninh Bình (2009), Nguyễn Minh Phương về tay Đà Nẵng (2010).
Đến hôm nay, nạn chảy máu tài năng ở miền Tây vẫn chưa dừng lại. Thanh Hóa lấy được Bửu Ngọc từ tay Cần Thơ, Đồng Tháp không giữ được Thanh Hiền trước Quảng Ninh. Hoàng Vũ Samson khởi đầu sự nghiệp ở Việt Nam trong màu áo Đồng Tháp, nhưng thành ngôi sao V.League khi gia nhập CLB Hà Nội. Ganiyu Oseni chỉ thăng hoa 2 mùa giải tại Kiên Giang trước khi bị HAGL cướp mất. Hãy tưởng tượng nếu Đồng Tháp vẫn còn Bửu Ngọc, Thanh Hiền, Hoàng Vũ Samson, họ có phải chơi ở giải hạng nhất như hôm nay?
Trên mặt trận đào tạo trẻ, tình hình cũng diễn ra tương tự. Sau khi PVF chuyển ra Hưng Yên, miền Tây nói riêng và miền Nam nói chung không còn lò đào tạo trẻ nào xứng tầm bên cạnh HAGL, CLB Hà Nội, Viettel, Đà Nẵng, SLNA. Cả sân chơi chuyên nghiệp và sân chơi trẻ đều bị thống trị bởi những mô hình mới xuất hiện trong hơn 10 năm trở lại đây.
Khó khăn về tài chính còn dẫn tới hệ quả khác với bóng đá miền Tây. Nói như HLV Trần Bình Sự: “Khi đội bóng khó khăn, lương thấp, chế độ đãi ngộ không tốt, thì những chuyện tiêu cực dễ phát sinh hơn. Chứ đội bóng tốt, chế độ, tiền thưởng tốt, được ưu ái, thì bọn nó không dám làm cái đấy vì làm thì sẽ thiệt quyền lợi của chính mình”.
Tình cờ không khi những vụ tiêu cực lớn nhất bóng đá Việt Nam vài năm qua phần lớn tới từ miền Tây? Bê bối đội bóng Long An đứng im cho đối thủ ghi bàn, pha phản lưới nhà của Nguyễn Văn Quân ở Cần Thơ, tất cả đều xuất phát từ miền Tây.
Người miền Tây có ngồi yên nhìn bóng đá nơi đây lụi tàn? Không, họ đã đấu tranh.
Trong muôn vàn khó khăn, Đồng Tháp vẫn chứng minh chất lượng của trung tâm đào tạo trẻ giàu truyền thống với các danh hiệu vô địch U17 quốc gia 2016 và U19 quốc gia 2018. An Giang sau cuộc khủng hoảng, leo một mạch từ hạng ba lên hạng nhất và đã có vé chơi chung kết U21 quốc gia 2015.
Không chỉ ở mặt trận bóng đá, Đồng Tháp còn là đội đi tiên phong trong công tác truyền thông và hoạt động CĐV. Họ xây dựng được “nhóm truyền thông 0 đồng”, phát hành thẻ điện tử, đầu tư thiết kế, cho ra mắt hàng loạt sản phẩm lưu niệm có mẫu mã đẹp. Các địa phương miền Tây vẫn duy trì được hệ thống bóng đá phong trào và một vài đội trẻ thuộc sự quản lý của tỉnh. Nguyễn Văn Quân - người vừa dính bê bối phản lưới nhà - sinh năm 1987 và đã gắn bó với Cần Thơ sau bao cuộc bể dâu. Tại giải hạng nhất 2019, 4 đại diện miền Tây gồm Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Long An vẫn góp mặt như là bằng chứng cho tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của nhân dân miền sông nước.
Như rất nhiều câu chuyện buồn khác trong cuộc sống này, chỉ cố gắng nhiều khi là không đủ.
Khi cựu tuyển thủ U23 và quốc gia Huỳnh Tấn Tài dính án phạt 5 trận vì chơi bóng bạo lực tại giải hạng nhất mùa trước, lương của anh được tiết lộ ở mức 12 triệu đồng mỗi tháng. Trao đổi với Zing.vn, Tài bất lực: “12 triệu chỉ vừa đủ sống. Tôi mới lập gia đình, là trụ cột, còn phải lo cho bố mẹ già và con nhỏ mới sinh”.
Đó là Tài còn mang “mác” tuyển thủ quốc gia. Phần đông đồng đội của anh thu nhập không vượt quá 7 con số. So với mức lương 20 tới 40 triệu đồng mỗi tháng tại các CLB V.League, những đội bóng miền Tây đơn giản là không có cơ hội.
Cựu GĐĐH CLB An Giang, người hiện là Giám đốc Trung tâm Bóng đá An Giang Võ Hoàng Phong chán nản: “Nhiều người hỏi là sao mấy anh không còn máu bóng đá nữa. Tôi nói thật là tôi hết máu rồi”.
“An Giang và Đồng Tháp không có doanh nghiệp lớn. Bảo vệ Thực vật An Giang từng tuyên bố xe đạp xài bao nhiêu tiền, họ cũng tài trợ, nhưng bóng đá thì không. Bóng đá xài quá nhiều tiền, nhưng để lại quá nhiều thứ lằng nhằng như trọng tài, mua bán. Dù có vào được V.League, tiếng tăm cũng không đáng bao nhiêu mà lại dính tới tiêu cực rất nhiều. 3-4 tỷ đồng cho môn xe đạp thì được. Tuy nhiên, bóng đá hàng chục tỷ đồng, họ không làm nổi”, ông Phong nói.
Bức tranh bóng đá miền Tây hiển hiện qua hình hài đội tuyển quốc gia. Tại Asian Cup vừa rồi, không còn cầu thủ miền Tây nào góp mặt trong đội hình tuyển Việt Nam. Đó không chỉ là nỗi đau của những người yêu bóng đá miền Tây, đó còn là sự tổn thất lớn cho đội tuyển quốc gia.
Xin mượn lời HLV Trần Bình Sự thay cho đoạn kết bài viết này: “Đội tuyển Việt Nam giờ rất mạnh, nhưng chỉ tập trung vào một số đội như CLB Hà Nội, HAGL, SLNA. Đội tuyển của chúng ta chưa thể hiện được sức mạnh tổng lực của bóng đá cả nước. Bóng đá miền Tây có nhiều cái hay và chắc chắn sẽ giúp đội tuyển mạnh hơn. Tôi tin một ngày nào đó, miền sông nước này sẽ trở lại trên bản đồ bóng đá nước nhà”.