Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Việt Nam vs Thái Lan ở King’s Cup: Vương quyền bị thách thức

Lần thứ ba trong lịch sử, vương quyền của bóng đá Thái Lan ở Đông Nam Á bị thách thức. Sau Singapore và Malaysia, kẻ thách thức lần này có lẽ là kẻ mạnh nhất từng xuất hiện.

Viet Nam vs Thai Lan vuong quyen thach thuc anh 1Viet Nam vs Thai Lan vuong quyen thach thuc anh 2

Lần thứ ba trong lịch sử, vương quyền của bóng đá Thái Lan ở Đông Nam Á bị thách thức. Sau Singapore và Malaysia, kẻ thách thức lần này có lẽ là kẻ mạnh nhất từng xuất hiện.

Thất bại 0-4 của U23 Thái Lan trước U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á 2020 đã làm tổn thương niềm kiêu hãnh của gã khổng lồ khu vực. Lần đầu tiên sau nhiều năm, vương quyền của bóng đá Thái Lan ở Đông Nam Á bị thách thức.

Tôn nghiêm của bóng đá Thái, thứ đã sụp đổ dưới đôi chân Quang Hải tại Mỹ Đình, sẽ được khôi phục hay sẽ tiếp tục bị tổn thương?

Vương quyền chưa từng lung lay

Nếu lịch sử bóng đá Đông Nam Á hiện đại được gói gọn trong một cuốn sách, chúng ta có thể chia những trang sách đó thành 2 chương. Chương một nói về Thái Lan, chương hai là phần còn lại.

Lịch sử bóng đá Đông Nam Á là chuỗi ngày thống trị của Thái Lan trước 10 nước còn lại. Thái Lan là đội vô địch AFF Cup nhiều nhất (5 lần), vô địch SEA Games bằng 10 nước khác cộng lại (16/30 lần tổ chức). Họ là đội Đông Nam Á duy nhất 3 lần có mặt tại vòng loại cuối World Cup. Từ năm 1990 tới nay, U23 Thái Lan 4 lần vào bán kết Asian Games.

Không chỉ sở hữu thành tích ấn tượng, Thái Lan làm đàn anh của Đông Nam Á còn bởi cách làm bóng đá bài bản, tư duy vượt trội so với khu vực. Thai League là giải vô địch quốc gia hàng đầu, sánh ngang các giải Nhật, Hàn, cầu thủ Thái Lan xuất ngoại và chứng minh năng lực ở Nhật Bản. Thai Farmers Bank 2 lần vô địch Champions League châu Á từ thế kỷ trước.

Với khu vực, bóng đá Thái Lan là cái bóng bao trùm, là vương quyền tôn nghiêm trên đỉnh.

Lịch sử mấy chục năm của bóng đá Đông Nam Á mới 2 lần chứng kiến quyền lực ấy chao đảo.

Quyền lực của bóng đá Thái Lan bị thách thức nhưng chưa từng lung lay.

Lần thứ nhất là khi Singapore vô địch hai kỳ AFF Cup liên tiếp vào các năm 2004/2005 và 2007. Nhưng Singapore khi ấy thành công chủ yếu nhờ nguồn cầu thủ nhập tịch. Bóng đá Singapore không có căn cơ, không tạo được thế hệ kế cận. Họ như bông hoa sớm nở tối tàn, sụp đổ trước những thế hệ mới của người Thái.

Sau Singapore, Malaysia trở thành kẻ thách thức thứ hai. “Thế hệ vàng” của bóng đá Malaysia càn quét Đông Nam Á trong giai đoạn 2009-2011 với 2 chức vô địch SEA Games, 1 lần đăng quang AFF Cup. Nhưng tại sân chơi châu lục, nơi người Thái cho thấy sự khác biệt của họ với Đông Nam Á, Malaysia thất bại toàn tập.

Quyền lực của bóng đá Thái Lan bị thách thức nhưng chưa từng lung lay. Nhà vua có lúc phải lùi bước nhưng vương miện vẫn trên đỉnh đầu. Bóng đá Thái Lan đứng vững qua bão tố, khiến khu vực sợ hãi, buộc châu Á kính trọng bởi họ có sự căn cơ, có nền tảng đào tạo lâu dài.

Những điều đó chưa từng bị thử thách, cho tới khi HLV Park Hang-seo và thế hệ Quang Hải xuất hiện.

Viet Nam vs Thai Lan vuong quyen thach thuc anh 3
Thời kỳ bóng đá Thái Lan vững vàng trên đỉnh Đông Nam Á đã đi qua. Ảnh: Getty.

Kẻ thách thức vương quyền

Những gì “thế hệ vàng” của Singapore và Malaysia chưa làm được, lứa Quang Hải đang bắt đầu chinh phục.

Tại AFF Cup vừa qua, Thái Lan đại bại ở bán kết còn tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch theo cách đầy thuyết phục. Trong hai lần đối đầu U23 Thái Lan, đội bóng của HLV Park Hang-seo toàn thắng, ghi 6 bàn và chỉ lọt lưới một lần. Thành tích của các đội tuyển Việt Nam so với Thái Lan hoàn toàn khác biệt.

Tại giải U23 châu Á 2018, người Thái bị loại từ vòng bảng còn U23 Việt Nam vào chung kết. Ở môn bóng đá nam của ASIAD, Thái Lan tiếp tục không qua được vòng bảng còn Việt Nam đi tới bán kết. Tại AFF Cup 2018, nhiều người nói Việt Nam gặp may khi không đụng Thái Lan trên hành trình vô địch. Để rồi ít ngày sau, Thái Lan dừng bước tại vòng 16 còn Việt Nam có tên trong tốp 8 của Asian Cup.

Công tác đào tạo trẻ từng là điều tạo nên sức mạnh, khiến bóng đá Thái Lan khác biệt với phần còn lại của Đông Nam Á. Những giá trị ấy giờ đều lung lay dữ dội. Ba năm qua, bóng đá trẻ Việt Nam thăng hoa liên tục, quật ngã Australia, thắng Nhật, gặp Pháp ở World Cup trẻ. Trong ba năm ấy, bóng đá trẻ Thái Lan ở đâu?

Trước King’s Cup, tuyển Việt Nam xếp hạng 98 thế giới còn Thái Lan đứng hạng 114. Bất chấp những hoài nghi dành cho hệ thống tính điểm này, chênh lệch lớn đến thế hẳn phải có lý do.

Người Thái có nhận ra những thay đổi ấy? Câu trả lời là họ đã nhận ra.

Cầu thủ Thái Lan muốn chứng minh cho đối thủ thấy ai mới là đội tuyển số một Đông Nam Á.

HLV Sirisak Yodyardthai

Liên đoàn Bóng đá Thái Lan bất ngờ thay đổi thể thức bốc thăm King’s Cup, đưa hai đội tuyển gặp nhau ngay tại trận mở màn. Chủ tịch FAT cho hay trận gặp Việt Nam “cực kỳ quan trọng” với Thái Lan. HLV trưởng Sirisak Yodyardthai nói “sẽ cho Việt Nam thấy ai là số một, chứng minh ai đang là vua Đông Nam Á”. Nhiều cầu thủ Thái Lan thừa nhận họ “nôn nóng” mong tới trận gặp Việt Nam.

Cái tên Việt Nam được nhắc đi nhắc lại trên báo chí Thái Lan, trong lời nói và suy nghĩ của từng người Thái. Cẩm nang King’s Cup của FAT nói “Việt Nam là đội Thái Lan phải để mắt tới”. Thủ thành Đặng Văn Lâm kể anh và Kawin Thamsatchanan cố gắng tránh nói chuyện về King’s Cup khi đôi bên cùng tập tại Muangthong.

Người Thái có vẻ sốt ruột lắm rồi. Điều này cũng hợp lý vì suốt mấy thập kỷ qua, vương quyền của bóng đá Thái Lan chưa từng chao đảo dữ dội như vậy. Sau nhiều năm độc tôn trên đỉnh, gã khổng lồ Goliath đã phải nhìn xuống David nhỏ bé bằng đôi mắt đầy âu lo. Kẻ thách thức lần này có vẻ mạnh hơn tất cả những đối thủ trước đó.

Viet Nam vs Thai Lan vuong quyen thach thuc anh 4
Thất bại trước U23 Việt Nam của lứa Quang Hải tại Mỹ Đình là đòn đánh mạnh vào niềm kiêu hãnh của người Thái Lan. Ảnh: Minh Chiến.

Vượt xa tầm cỡ một trận giao hữu

King’s Cup 2019 vốn không phải một giải đấu chính thức. Dù có giá trị tinh thần lớn và được tính điểm FIFA, giải đấu 47 năm tuổi vẫn không phải AFF Cup dành cho tuyển quốc gia, không phải SEA Games dành cho đội U23. Thắng bại ở King’s Cup vốn không thể phân định Việt Nam hay Thái Lan sẽ trở thành vua Đông Nam Á.

Mọi thứ lẽ ra chỉ là cữ dượt nhẹ nhàng của hai đội tuyển nhất là khi vòng loại World Cup 2022 đã tới khá gần.

Nhưng với những diễn biến gần đây từ cả hai liên đoàn, với quyết tâm của hai đội tuyển, tầm cỡ cuộc đối đầu ngày 5/6 đang dần thay đổi.

Thái Lan gọi đủ 4 ngôi sao đang chơi bóng tại nước ngoài lên đội tuyển. Chủ tịch FAT Somyot Pumpanmuang trấn an Muangthong, kiên quyết gọi những cái tên tốt nhất CLB này đã “xin” không cho cầu thủ lên tuyển. HLV Sirisak được FAT động viên, tạo điều kiện lách luật FIFA để dẫn dắt tuyển Thái.

Nhiều nguồn tin nói rằng thắng Việt Nam là điều kiện để ông Sirisak trở thành HLV chính thức của Thái Lan. Đội chủ nhà thậm chí đi xa hơn khi kiên quyết gọi tiền vệ Sanrawat Dechmitr, người bị treo giò dài hạn vì đấm trọng tài lên tuyển (anh này sau đó tự xin rút vì xấu hổ).

Viet Nam vs Thai Lan vuong quyen thach thuc anh 5
King's Cup 2019 đang dần vượt xa tầm cỡ của một trận giao hữu. Ảnh: FAT.

Bên kia chiến tuyến, Việt Nam cũng không kém cạnh.

Ông Park gọi đủ 3 cầu thủ đang thi đấu tại nước ngoài về Việt Nam. Không thử nghiệm gì cả, Việt Nam bê gần nguyên vẹn đội hình đã vào tứ kết Asian Cup tới Buriram. Đoàn quân đỏ cũng “ăn thua” không kém đối thủ khi cương quyết gọi Trọng Hoàng lên tuyển dù anh đã nghỉ thi đấu suốt 4 tháng, triệu tập Duy Mạnh vừa bình phục chấn thương, trao cơ hội cho Tuấn Anh vừa tái xuất.

Đến người đã năm lần bảy lượt chia tay tuyển như Anh Đức cũng được thuyết phục quay lại. Tuyển Việt Nam cũng đẩy lịch hội quân lên sớm hơn, di chuyển sang Thái ngay ngày 1/6.

Cả hai đội tuyển, hai HLV đã làm mọi thứ có thể để mang tới giải đấu lực lượng mạnh nhất.

Dàn phóng viên Việt Nam đổ bộ sang Buriram từ hôm 25/5. Các khách sạn lớn tại Buriram gần như kín phòng, hàng nghìn CĐV Việt Nam đặt vé qua Thái. Việt Nam lần đầu phải mua bản quyền King’s Cup với mức giá 7 tỷ đồng/2 trận.

Viet Nam vs Thai Lan vuong quyen thach thuc anh 6
Cả Việt Nam và Thái Lan đều đã cố gắng mang lực lượng tốt nhất có thể tới King's Cup. Ảnh: Minh Chiến.

Từ Thái Lan tới Việt Nam, từ cầu thủ tới người hâm mộ, tất cả đều mang tới một cảm giác khẩn trương, nghiêm túc. Đó có giống không khí trước một giải giao hữu?

Do AFF Cup chỉ diễn ra vào cuối năm sau, khả năng hai đội tuyển Việt Nam, Thái Lan đối đầu từ nay tới cuối 2020 là rất thấp. King’s Cup từ một giải giao hữu vì thế đang trở thành cuộc so găng đỉnh cao của hai nền bóng đá. Thứ Thái Lan và Việt Nam muốn thể hiện, tham vọng của hai đấu sĩ này đã vượt quá tầm cỡ King’s Cup.

Sân Chang Area tại Buriram còn có một cái tên khác là Thunder Castle (pháo đài sấm sét). Đó rõ ràng là một cái tên phù hợp với tính chất của trận đấu tới. Tại đây, vương quyền Thái Lan sẽ đối diện với kẻ thách thức mạnh nhất từng xuất hiện.

Highlights vòng loại U23 châu Á: Việt Nam 4-0 Thái Lan U23 Việt Nam giành chiến thắng với tỷ số 4-0 trước Thái Lan trong trận đấu cuối cùng tại bảng K vòng loại châu Á, qua đó giành vé tham dự vòng chung kết vào năm 2020.

Quang Hải tịt ngòi 7 trận: Thùng thuốc súng đang chờ King’s Cup

Như bản nhạc có nốt thăng, nốt trầm, như hình sin có đoạn lên, đoạn xuống, Quang Hải hay bất kỳ cầu thủ nào khác đều cần những khoảng lặng trước khi bùng nổ trở lại.


Minh Chiến - Đồ họa: Minh Phúc

Bạn có thể quan tâm