Phan Văn Đức nhiều khả năng sẽ là cái tên lớn kế tiếp chia tay SLNA. Ảnh: VPF. |
“Tôi vẫn có ý chờ SLNA. Tôi mong họ sẽ kiếm được một Mạnh Thường Quân nào đó thay đổi tình hình hiện tại. Nhưng thời gian cứ thế trôi qua, trong khi mùa giải mới thì đã chuẩn bị khởi tranh. Tôi phải lo cho tương lai của mình...”.
Đó là những dòng viết cuối cùng của Lê Công Vinh dành cho SLNA trước khi anh ký vào bản hợp đồng chuyển nhượng đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Ngày 26/10/2008, Công Vinh chia tay đội bóng quê hương.
Vinh không phải là người đầu tiên, càng không phải người cuối cùng rời xứ Nghệ. Anh chỉ là một trong số hàng loạt tài năng đã trưởng thành và đã chia tay SLNA, là biểu tượng cho cuộc “chảy máu tài năng” đã kéo dài suốt cả thập kỷ ở đội bóng lừng danh này.
SLNA từng là một tên tuổi vĩ đại
Thất bại trước Thanh Hóa tại vòng 24 đặt dấu chấm hết cho mùa giải V.League 2018 của SLNA. Đội bóng xứ Nghệ gần như không còn cơ hội cạnh tranh huy chương với đối thủ hàng xóm. Đây nhiều khả năng sẽ là năm thứ 7 liên tiếp, SLNA trắng tay tại V.League - thành tích đáng thất vọng trong lịch sử CLB.
Những gì đang diễn ra tại SLNA sẽ khiến nhiều người phải đau lòng. Đội bóng xứ Nghệ giờ chỉ còn là cái bóng so với chính họ trong quá khứ.
Thời hoàng kim, SLNA từng thống trị V.League và là cái nôi sản sinh ra thiên tài Văn Quyến. Ảnh: Tiền Phong. |
Thực tế ấy trái ngược với lịch sử huy hoàng của CLB này. Đội bóng xứ Nghệ giành 3 chức vô địch quốc gia, trong đó có 2 danh hiệu liên tiếp vào các năm 2000 và 2001. 7 năm kể từ mùa 1996, SLNA luôn có tên trong top 3 của giải đấu.
Đó cũng là thời điểm xứ Nghệ trình làng lứa siêu sao Văn Quyến, Quốc Vượng, Công Vinh... Suốt hơn 15 năm sau đấy, những người con xứ Nghệ luôn là lá cờ đầu của các đội tuyển quốc gia. Văn Quyến giúp U16 Việt Nam vào bán kết châu Á hồi năm 2000, Công Vinh chia tay AFF Cup 2016 với tư cách chân sút vĩ đại nhất lịch sử đội tuyển.
Những trang sử hào hùng ấy giờ đang dần khép lại bởi hậu quả của cuộc “chảy máu tài năng” kéo dài cả thập kỷ.
Cuộc “chảy máu tài năng” ở xứ Nghệ
Như đã nói ở trên, Công Vinh không phải ngôi sao cuối cùng chia tay xứ Nghệ. Trong cuộc cạnh tranh kim tiền khốc liệt khi bóng đá Việt Nam chuyển lên chuyên nghiệp, SLNA không còn giữ được ưu thế của mình. Họ sa sút về thành tích, thua kém về tài chính và cuối cùng buộc phải chứng kiến các trụ cột lần lượt ra đi.
Năm 2013 chứng kiến cuộc tháo chạy hàng loạt khỏi xứ Nghệ khi Nguyễn Trọng Hoàng, Hoàng Văn Bình và Âu Văn Hoàn cùng gia nhập Bình Dương. Đến năm 2015, Lê Công Vinh lần thứ 2 chia tay đội bóng. Năm 2016, đội trưởng Quang Tình gia nhập Cần Thơ, Đình Bảo về Hải Phòng, còn Đình Đồng, Hoàng Thịnh ra Thanh Hóa.
Năm ngoái, Phi Sơn từ chối đề nghị gia hạn trị giá 2 tỷ/mùa để gia nhập TP.HCM. Năm nay, Quế Ngọc Hải, Phạm Mạnh Hùng nhiều khả năng sẽ là những tên tuổi kế tiếp.
Công Vinh 2 lần rời SLNA khi đội bóng không thể đáp ứng được các đòi hỏi về lương bổng và danh hiệu cho anh. Đồ họa: Minh Phúc. |
Thử tưởng tượng nếu tất cả bọn họ vẫn ở lại, SLNA sẽ mạnh mẽ và đáng sợ đến thế nào?
Quá trình “chảy máu” ở SLNA không chỉ diễn ra ở đội lớn, nghiêm trọng hơn, nó còn tới từ các đội trẻ. Hơn 10 năm qua, hệ thống đào tạo của SLNA đã trở thành mục tiêu tấn công ưa thích của các đại gia quốc nội. Niềm tự hào xứ Nghệ bị đánh bật và chịu tổn thương ngay từ gốc rễ.
CLB Hà Nội thiết lập lò đào tạo trẻ VSH do anh em nhà Văn Sỹ đứng đầu tại Cửa Lò. Hệ thống ấy tạo ra Nguyễn Văn Hoàng, Trần Văn Kiên, Sầm Ngọc Đức... HAGL cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho xứ Nghệ. Và Công Phượng là “món quà” quý giá nhất họ nhận được từ dải đất ven biển Bắc Trung Bộ.
Những tổn thất ở SLNA diễn ra trong dài hạn, mang tính hệ thống, trải dài từ cấp độ trẻ tới đội chuyên nghiệp và có xu hướng tăng lên theo từng năm.
Đội bóng xứ Nghệ là cái nôi sản sinh ra các siêu sao hàng đầu Việt Nam. Nhưng họ đã thất bại trong việc giữ chân những người hùng ấy.
Ai là người ra đi kế tiếp?
Khi Phan Văn Đức ghi bàn thắng quý như vàng, kéo U23 Việt Nam về với sự sống trước người Iraq tại tứ kết Giải U23 châu Á 2018, nhiều người đã dự đoán Văn Đức sẽ là cái tên kế tiếp rời xứ Nghệ.
Những ngôi sao chia tay xứ Nghệ vài năm gần đây đều có vài điểm chung. Họ đã hoặc sắp hết hợp đồng đào tạo trẻ (25 tuổi), họ đều khẳng định được tài năng ở các đội tuyển quốc gia. Họ đang có phong độ cao, được nhiều CLB săn đón. SLNA không phải không muốn giữ họ. Nhưng so với CLB Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa, tiềm lực tài chính của xứ Nghệ thực sự là vấn đề lớn.
Trọng Hoàng (trái) trong màu áo mới gặp lại Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh ở một trận đấu trên sân Thanh Hóa. Ảnh: Minh Chiến. |
Khi Phi Sơn rục rịch ra đi hồi năm ngoái, SLNA từng đề nghị phí lót tay 2 tỷ/mùa. Số tiền ấy được Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh miêu tả là “giới hạn, cố gắng vượt bậc” của tập thể đội bóng. Ta đều biết Phi Sơn đã lắc đầu với đề nghị này.
Khi hợp đồng của Ngọc Hải tiến tới những ngày cuối cùng, HLV Nguyễn Đức Thắng thừa nhận: “Chúng tôi trả được 1 tỷ đồng, nhưng đội khác trả đến 3 tỷ đồng thì cầu thủ cũng sẽ đi thôi”.
Như Ngô Hoàng Thịnh đã nói sau ngày cập bến Thanh Hóa: “Thực sự chúng tôi chẳng muốn rời sân Vinh. Nhưng đời cầu thủ ngắn lắm, phải tính toán”.
Và những cuộc chia ly cứ thế diễn ra.
SLNA có chết không?
Điều kỳ diệu là SLNA vẫn không chết. Bao nhiêu cuộc bể dâu không làm đội bóng này sụp đổ. Nhưng không chết chẳng đồng nghĩa với sống tốt. SLNA vẫn lì lợm, vẫn tồn tại nhưng không còn là một thế lực. Sự đi xuống của đội bóng lừng danh được thể hiện qua nhiều mặt.
Ở V.League, chức vô địch năm 2011 giống như ngọn lửa bùng lên lần cuối trước khi vụt tắt nơi xứ Nghệ. Từ đó tới nay, SLNA không còn góp mặt trong top 3. Họ tụt xuống hạng 4 chỉ một năm sau chức vô địch, rơi xuống hạng 5 ở mùa giải 2014, hạng 7 mùa 2015, hạng 9 mùa 2016... Từ chỗ là ứng viên thường trực cho ngôi vương, SLNA giờ đành bằng lòng với vị thế một đội bóng bậc trung.
SLNA đã sa sút rất nhiều trong những năm gần đây. Họ không còn là ứng cử viên vô địch như trong quá khứ. Đồ họa: Minh Phúc. |
Tại các giải trẻ, thành tích của SLNA sa sút thảm hại trong sự vươn lên mạnh mẽ từ những trung tâm đào tạo mới. Lấy giải U17 quốc gia làm ví dụ. Xứ Nghệ từng có 6 chức vô địch liên tiếp trong giai đoạn 2004 - 2009. Nhưng 6 năm gần đây, họ không đăng quang nổi 1 lần.
Ở đội tuyển quốc gia, vai trò và vị thế của những cầu thủ Sông Lam ngày càng nhạt nhòa. Vòng chung kết U23 châu Á vừa qua, không một cầu thủ SLNA nào có suất đá chính. Phan Văn Đức và Xuân Mạnh đều phải ngồi dự bị và chỉ được ra sân khi Văn Hậu hay Công Phượng chấn thương. Những đợt tập trung đội tuyển gần nhất, Quế Ngọc Hải, Khắc Ngọc và Nguyên Mạnh đều không được gọi. Các đội tuyển trẻ được tạo nên bởi sức mạnh từ Viettel, PVF hay CLB Hà Nội. Dấu ấn SLNA càng ngày càng trở nên nhạt nhòa.
Như những câu chuyện hay nhất rồi cũng đi tới hồi kết, những kỷ niệm đẹp nhất rồi cũng trở thành quá khứ. SLNA huyền thoại có sẽ sẽ sớm trở thành cái tên vang bóng một thời trong ký ức những người yêu bóng đá Việt Nam.