Bỏ qua những tập tục mê tín, dị đoan mà dân tộc chúng ta còn khá nhiều không ngoài nguyên nhân chúng ta đã có một đời sống cố cựu, ít văn minh, chúng ta có nhiều cuộc vui vào ngày xuân và những tập tục thực tế tỏ ra ông cha chúng ta cũng có óc tổ chức và suy xét rất cao xa và hợp lý. Chúng tôi xin kể ra đây một số để chứng minh cho ý niệm đó, đồng thời xin nhắc rằng những tập tục các trò chơi này có rất nhiều dân tộc tính có thể làm cho chúng ta hãnh diện là đằng khác nữa.
Mùa xuân là mùa của tình yêu!
Chữ “Xuân” của Trung Quốc còn có nghĩa là trai gái vừa lòng nhau, yêu thương nhau. Vậy trong khi cỏ cây nảy mầm xanh ngọn, sinh hoa, sinh trái, Mặt trời đem lại cho thế gian ánh sáng đầm ấm, con người dầu muốn dầu không cũng phát triển mạnh nguồn sinh lực. Tình yêu, nhất là đối với cái tuổi còn non trẻ cũng phải đưa ra một trạng thái, một hiện tượng sinh động.
Ở thôn quê Việt Nam quanh năm tối ngày con người bị cột chặt với đồng ruộng cũng chờ có ngày xuân là ngày có nhiều hội hè đình đám cho trai gái gặp gỡ nhau, tìm hiểu nhau và đi đến hôn nhân. Lễ giáo phong kiến nghiêm chỉnh là như vậy mà trong dịp này cũng làm ngơ trước nguyên tắc “Nam nữ thụ thụ bất thân” rồi trai gái rủ nhau đi chơi xa, hết làng này qua làng khác tạo nên cái quang cảnh tưng bừng:
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm...
Trong dịp này, trai gái không cứ là quen biết nhau sẵn, chỉ cần vừa mắt là đủ trở nên thân mật, chuyện trò đùa giỡn tự do và công khai.
Tranh dân gian Đông Hồ Đánh đu. |
Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép phong tục nước ta vào ngày đầu xuân có nhắc đến trò đánh đu (Đu ngô hay đu tiên) là lối đánh đu không phải chỉ có một người hoặc nam đánh đu cặp với nam, nữ cặp nữ. Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã chẳng có bài vịnh trò đánh đu nam cặp với nữ đó sao?
... Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng!
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song...
Để mở cuộc giao tình, trai gái mượn các lối hát: hát Dậm (lối hát ở Hà Tĩnh), hát Quan họ (Bắc Ninh, Bắc Giang) để dạm ý nhau và cũng để thử tài nhau nữa, trước khi “đi sâu vào đại sự”. Ngoài ra còn lối hát Đúm, hát Ví có tính cách dông dài hơn để thỏa mãn hơn về mặt phong tình, lãng mạn.
Hát Quan họ có đặc biệt hơn là có tục khi đôi bên trai gái phục tài, mến nhau thì tính luôn chuyện kết bạn, giao ước với nhau rằng sẽ hát với nhau mãi mãi. (Theo Toán Ánh, tác giả Phước lưu đồng ruộng, kết bạn với nhau phải nhân một ngày hội ở làng bạn gái, chàng trai mang đồ lễ đến đình lễ thần và ra mắt quan viên trong làng. Buổi lễ thần đó có đốt pháo, ăn uống linh đình như một ngày lễ cưới. Như thế họ bên gái công nhận bên trai kết bạn với con mình, sau đó quan viên bên gái cũng sang yết thần ở làng bên trai và cũng lại chè chén vui vẻ).
Đặc biệt hơn nữa, trai gái hát Quan họ với nhau có thể chỉ do nghệ sĩ tính mà thôi, nghĩa là không bó buộc đi tới hôn nhân. Ngoài ra, để trở nên những đôi bạn tinh thần, có khi người trai người gái đã có vợ chồng rồi mà vẫn giao kết với nhau như thường.
Những cuộc vui chung của trai gái còn nhiều thứ khác nữa ngoài việc tiếng anh cất trước tiếng nàng cất sau. Đó là trò kéo co (kéo dây tập thể), một bên là con trai, một bên là con gái. Bên nào thua thì phải uống nước, bên nào được thì uống rượu.
Trò bắt chạch cũng là một trò rất cổ xưa, ngày nay thường không còn tồn tại; một trai một gái choàng cổ ôm nhau còn tay kia thò vào chum sâu khoắng tìm chạch ở trong đáy chum (Sách Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký có ghi chép).
Trò thi thổi cơm, thi luộc gà sao cho cơm thật ngon thật dẻo, và gà phải thật béo, chín tới mà không nức nở, đầu cánh phải sắp đặt có mỹ thuật, để tế thần được thịnh hành ở làng Thổ Khối, tỉnh Phú Thọ, Bắc Việt. Lại còn trò thi dệt vải, đánh cờ người lấy giải (giải là một vuông lụa đỏ và vài chục đồng bạc theo giá tiền mấy chục năm trước đây).
Đáng chú ý, cuộc cờ đòi hỏi người chơi cờ phải nhiều mưu trí và khôn lanh mới thắng được địch thủ. Theo thông lệ của bàn cờ giải phải đánh thử trước rồi mới đặt vào chung kết. Có nhiều khi được giải lại là một vài con gái mười bảy mười tám, mà thua cờ là các ông già sáu bảy mươi từ những làng xa tới.
Trò chơi tung còn của đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: UBND tỉnh Lai Châu. |
Tại các miền Thượng (Mường, Thái, Thổ, v.v.) trai gái được tự do giao thiệp với nhau nhiều hơn nếu so với tình trạng miền Kinh. Trong những ngày đầu xuân có tục “tung còn”. Trò chơi này bắt buộc phải có một bên nam, một bên nữ. Còn là một quả cầu ngoài bọc vải màu, trong nhồi trấu hay rơm cho nhẹ, một đầu có kết tua.
Trên bãi cỏ, bên trai cũng như bên gái sắp hàng chữ nhất cách nhau mươi bước. Hai bên tung cầu qua lại, bên này tung thì bên kia phải bắt cho bằng được rồi tung trả lại. Nếu ai bắt trượt phải gán cho người tung một vật mình đang đeo trên người. Có người thua quá chỉ còn có một cái quần dính vào thân thể mà thôi. Tàn cuộc, người thắng trả lại đồ vật cho kẻ bại và bắt kẻ bại trận phải uống rượu phạt.
Tại Phủ Quỳ (Nghệ An), Lang Chánh (Thanh Hóa), Bảo Lạc (Cao Bằng), đồng bào Mường còn tổ chức đi chơi hang Ré (ở Lang Chánh) và mang theo thực phẩm để lễ thần. Gái trai xúng xính áo quần lịch sự thổi “Khèn” hát Đúm, tung “Còn” uống rượu rồi từng cặp tìm nơi thanh vắng tình tự và đính ước trăm năm.
Qua các cuộc vui này ai cũng nhận thấy cuộc sống phóng khoáng phù hợp với thiên nhiên và đem lại hạnh phúc cho con người nhiều hơn và cũng hợp cả với chủ trương nhân đạo nữa...