Sau cuộc gặp lần đầu tiên giữa 2 vị nguyên thủ vào đầu tháng 4, Tổng thống Trump ca ngợi Chủ tịch Tập là "một người đáng kính" và mối quan hệ Trung - Mỹ sắp tới sẽ "rất đặc biệt, khác những gì từng có trước đây". Ông Trump không thường ca ngợi các lãnh đạo khác nhưng thái độ của ông dành cho chủ tịch Trung Quốc đặc biệt nồng ấm.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định cách chính sách hiện tại của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc sẽ không tồn tại được lâu và sẽ sớm thay đổi khi không đạt kết quả như ý muốn của Trump.
Khi ông Tập khó chịu
Theo New York Times, tổng thống Mỹ, một người thích xử lý công việc qua điện thoại, đang "mang tiếng" làm phiền chủ tịch Trung Quốc. Hai người gặp nhau tại Florida (Mỹ) hôm 6 và 7/4.
Bốn ngày sau đó, ông Trump gọi điện cho ông Tập rồi lên Twitter thông báo 2 người đã có "một cuộc trò chuyện hiệu quả" về mối đe dọa Triều Tiên. Đến ngày 23/4, ông Trump tiếp tục gọi cho ông Tập.
Tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc đi dạo cùng nhau khi ông Trump tiếp ông Tập tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago hồi tháng trước. Ảnh: Reuters. |
Douglas H. Paal, Phó giám đốc nghiên cứu tại Carnegie Endowment for International Peace (một viện chính sách có trụ sở tại Washington D.C.), tiết lộ các quan chức Trung Quốc phản ánh với ông rằng Chủ tịch Tập không thích bị đối xử như một quan chức cấp trung. Theo các quan chức này, ông Trump nên hiểu rằng chủ tịch Trung Quốc quyết định đường hướng chính sách chứ không phải người lo toan các công việc vụn vặt.
Trump sẽ sớm 'vỡ mộng'
Ông Trump đã đặt Trung Quốc làm trọng tâm trong chiến lược đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông hy vọng Bắc Kinh, đồng minh lâu năm và là đối tác thương mại lớn của Bình Nhưỡng, có thể gây áp lực để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân hoặc chịu ngồi vào bàn đàm phán.
Tổng thống Mỹ, một người từ cáo buộc Trung Quốc là kẻ "thao túng tiền tệ" hoặc "ăn cắp công việc", nói rằng ông có thể cân nhắc về một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh nếu những người Trung Quốc giúp ông kiềm chế Triều Tiên.
"Tôi cho rằng, nói một cách thật lòng, Triều Tiên có thể quan trọng hơn thương mại", ông Trump nói trong chương trình Face The Nation trên đài CBS hồi tháng 4.
Các chuyên gia nghi ngờ toan tính này và khả năng nó sẽ mang lại cho Tổng thống Trump kết quả ông mong muốn.
Dưới sức ép từ Mỹ, chính quyền Trung Quốc sẽ hạn chế một số công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên, nhưng không phải tất cả. Bắc Kinh cũng có thể cắt nguồn cung dầu sang Triều Tiên, nhưng chỉ trong ngắn hạn.
Lính Triều Tiên đứng gác ở sông Áp Lục, con sông nằm giữa biên giới Triều Tiên và Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Về phía Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã lên tiếng cảnh báo họ sẽ vẫn theo đuổi chương trình hạt nhân, bất chấp điều đó có thể khiến họ mất đi mối quan hệ với Bắc Kinh.
"Sẽ không hiệu quả đâu", Diêm Học Thông, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nói về chính sách Triều Tiên của ông Trump.
"Trump sẽ nhanh thay đổi thái độ với Trung Quốc. Tôi không nghĩ ông ta sẽ tử tế với chủ tịch của chúng tôi được lâu. Chính sách của ông ấy với Trung Quốc sẽ không bền", ông Diêm nhận định.
Một số chuyên gia đánh giá việc Trung Quốc "bắt tay" Mỹ chống lại Triều Tiên là điều đi ngược lợi ích lâu dài của Bắc Kinh. "Cuối cùng, Trung Quốc sẽ không mang Triều Tiên đến quy phục trước cửa cho phía Mỹ", ông Paal nói.
Tiếp cận khôn ngoan
Dù vậy, việc tiếp cận cá nhân Chủ tịch Tập cũng được đánh giá là bước đi khôn ngoan của Tổng thống Trump và phù hợp với truyền thống chính sách đối ngoại của Mỹ vào những thời điểm quan hệ Mỹ - Trung tốt đẹp nhất. Nó cũng tương xứng với cách thức làm việc của người Trung Quốc là chuộng việc bàn thảo chính sách thông qua các mối quan hệ cá nhân.
"Các lãnh đạo Trung Quốc chứng tỏ hết lần này đến lần khác rằng họ thích vận hành thông qua các mối quan hệ cá nhân - như Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai với Henry Kissinger", New York Times dẫn nhận định của James Mann, nghiên cứu viên tại Trường Johns Hopkins về Quốc tế học Nâng cao (Washington D.C., Mỹ).
Kissinger từng giữ chức ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia dưới thời các cựu Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford.
Chu Ân Lai, khi đó là thủ tướng Trung Quốc, cùng Henry Kissinger, lúc ấy giữ chức ngoại trưởng Mỹ trong một tiệc chiêu đãi tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 10/11/1973. Ảnh: UPI.
|
"Đó là văn hóa Trung Quốc. Mặt khác nó cũng phục vụ lợi ích của họ. Ngoại giao thông qua cá nhân giúp tránh được ý tưởng rằng Trung Quốc nên được đối xử bằng những luật lệ khách quan và không thiên kiến như mọi nơi khác", ông Mann nói.
Trump không phải tổng thống đầu tiên tìm cách thiết lập mối quan hệ cá nhân thân thiết với một lãnh đạo khác nhằm phá vỡ các rào cản trong quá khứ.
Xét về mặt cá nhân, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập có một vài điểm giống nhau. Họ đều có xuất thân khác thường. Cha ông Tập là cựu phó thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân nhưng phải đi học tập cải tạo trong thời Cách mạng Văn hóa. Cha ông Trump là Fred Christ Trump, một nhà xây dựng thành công tại thành phố New York và đã để lại khối tài sản lớn cho con sau khi qua đời.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập trong bữa ăn tối ngày 6/4 tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida, nơi 2 nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên. Ảnh: Reuters. |
Cả tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc đều được biết đến là những người đầy tự tin. Họ cũng là những người chỉ tin cẩn một nhóm nhỏ cận sự xung quanh thay vì bộ máy chính quyền cồng kềnh.
Dù vậy, bất chấp những điểm tương đồng và mối quan hệ đang có vẻ tốt đẹp, các chuyên gia nhận định không có khả năng nào Trung Quốc sẽ từ bỏ đồng minh của mình vì Mỹ.
"Trung Quốc không muốn tạo cho họ một kẻ thù sở hữu vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên", ông Thì Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) nhận xét.