Sự nhầm lẫn về lịch sử của Tổng thống Trump trong bài phỏng vấn với Wall Street Journal đã chạm ngay vào điểm nhạy cảm cả về lịch sử lẫn chính trị đối với Hàn Quốc, nơi nhiều người dân đang lo sợ sự ảnh hưởng của Bắc Kinh lên Bán đảo Triều Tiên. Theo AP, nó đến cùng nguy cơ Hàn Quốc đang bị đẩy ra ngoài các cuộc đàm phán nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
"Sau đó ông ấy nói về lịch sử của Trung Quốc và Triều Tiên. Không phải CHDCND Triều Tiên, ý tôi là (cả bán đảo) Triều Tiên. Anh biết đấy, chúng tôi đang nói về rất nhiều năm, và rất nhiều cuộc chiến. Triều Tiên từng là một phần của Trung Quốc. Sau 10 phút nói chuyện, tôi nhận ra chuyện đấy không hề dễ dàng", tổng thống Mỹ kể lại với Wall Street Journal về cuộc gặp của ông và Chủ tịch Tập hồi đầu tháng 4.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập trong cuộc gặp đầu tiên của 2 người ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago của gia đình Trump hồi đầu tháng 4. Ảnh: AFP. |
Ahn Hong Seok, một sinh viên đại học 22 tuổi, nói với AP: "Nếu Trump đủ năng lực trở thành tổng thống, ông ấy không nên xuyên tạc lịch sử một quốc gia khác".
Lời ông Trump hay lời ông Tập?
Nhiều người Hàn Quốc cho rằng chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã "vẽ" cho Tổng thống Trump ý tưởng "(cả bán đảo) Triều Tiên từng là một phần của Trung Quốc", sau khi tổng thống Mỹ thừa nhận rằng 10 phút nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc khiến ông nhận ra rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh lên Bình Nhưỡng không nhiều như ông tưởng trước đó.
Dù vậy, căn cứ vào nội dung bài phỏng vấn của Wall Street Journal, người ta không thể xác định "Triều Tiên từng thuộc về Trung Quốc" là lời Tổng thống Trump hay ông Trump đang dẫn lại lời Chủ tịch Tập.
Nhà Trắng hiện chưa đáp lại yêu cầu bình luận từ các báo.
Chính phủ Hàn Quốc kịch liệt phản đối thông tin này. "Trong hàng nghìn năm quan hệ, Triều Tiên chưa hề thuộc về Trung Quốc. Đây là một sự thật lịch sử được thừa nhận rộng rãi và không ai có thể phủ nhận", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June Hyuck tuyên bố hôm 20/4.
Trong khi đó, khi được hỏi có phải Tổng thống Trump đã trích dẫn Chủ tịch Tập khi nói câu đó không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng không trả lời trực tiếp, chỉ nói ngắn gọn: "Người Triều Tiên (dân tộc Triều Tiên) không nên lo lắng về việc này".
Các sử gia bên ngoài Trung Quốc đều cho rằng Triều Tiên chưa từng thuộc về Trung Quốc, dẫu trong các triều đại phong kiến trên bán đảo Triều Tiên vẫn cống nạp cho các vương triều Trung Hoa để đổi lại sự bảo vệ. Đặc biệt, vào thế kỷ thứ 13, cả Triều Tiên lẫn Trung Hoa đều thuộc đế chế Mông Cổ.
Tranh cãi lịch sử dai dẳng
Câu nói của ông Trump chạm phải một trong những vấn đề dai dẳng nhất trong quan hệ giữa các quốc gia Đông Á: vương triều cổ nào là chủ nhân của những phần lãnh thổ trải dài từ Bán đảo Triều Tiên lên đến vùng Mãn Châu (Đông Bắc Trung Quốc và Viễn Đông của Nga).
Những người Hàn Quốc cho rằng những nhà cầm quyền phong kiến trước đây của họ là vương triều của người Triều Tiên. Tuy nhiên, đến đầu thập niên 1980, Trung Quốc bắt đầu xem Triều Tiên là một phần trong quốc gia cổ đại của họ.
Lãnh thổ vương triều Goguryeo trong quá khứ kéo dài từ Bán đảo Triều Tiên đến vùng Mãn Châu. Ảnh: Wikipedia. |
Đầu những năm 2000, một công trình nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc bảo trợ đã cho công bố ý tưởng rằng vương triều Goguryeo (năm 37 trước Công nguyên - năm 668 sau Công nguyên) là một nhà nước của người Trung Hoa. Dĩ nhiên, công trình này khiến người Hàn nổi giận, đặc biệt là những người dân tộc chủ nghĩa luôn tôn sùng vương triều Goguryeo vì sức mạnh quân sự và công lao mở mang bờ cõi.
Chính phủ Hàn Quốc cũng vào cuộc và bảo trợ các sử gia tiến hành một nghiên cứu đáp trả.
Các nhà quan sát cho rằng cuộc tranh cãi này mang yếu tố chính trị nhiều hơn lịch sử, vì vương triều Goguryeo đã tồn tại hơn nghìn năm trước sự ra đời của nhà nước Hàn Quốc và Trung Quốc hiện đại.
Nỗi bất an của người Hàn
Một số người dân lẫn truyền thông Hàn Quốc ngay lập tức đổ lỗi cho Chủ tịch Tập đã đứng sau phát biểu của Tổng thống Trump.
Chosun Ilbo, tờ báo lớn nhất Hàn Quốc, nói rằng Trung Quốc đang tìm cách "thuần hóa" Hàn Quốc, làm suy yếu quan hệ đồng minh truyền thống Mỹ - Hàn nhằm gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Trong một thời gian dài, người Hàn luôn bị ám ảnh bởi chuyện mất đi tiếng nói trong cuộc thảo luận quốc tế nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, điều mà truyền thông Hàn gọi là "sự qua mặt Hàn Quốc". Trong khi đó, quan hệ Trung - Hàn gần đây đang căng thẳng sau khi Seoul đồng ý cho Washington triển khai hệ thống Phòng thủ tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) ở nước này.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đến thăm khu phi quân sự ở biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc hôm 17/4. Tiếp đón ông tại Hàn Quốc là Tổng thống lâm thời Hwang Kyo Ahn. Ảnh: Reuters.
|
Chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Trump đối với Triều Tiên là "Can dự và gây áp lực tối đa". Trọng tâm của chiến lược là tăng cường gây sức ép lên Bình Nhưỡng với sự giúp đỡ của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
"Có nguy cơ cao về việc Trung Quốc muốn giải quyết các vấn đề quanh Bán đảo Triều Tiên trên tâm thế của kẻ thống trị và biến hai miền Triều Tiên trở thành các nhà nước 'chư hầu'", AP dẫn lại bài bình luận của tờ Munhwa Ilbo hôm 20/4.
"Nếu Trump đồng tình với quan điểm này, không ai đoán nổi 2 siêu cường sẽ thỏa thuận ra sao về số phận Bán đảo Triều Tiên".
Nỗi bất an về tương lai Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Trump sẽ phủ bóng lên cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 5.