Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc đã 'chán' Triều Tiên hay đang khiêu khích?

Những tháng gần đây, Trung Quốc có hành động và tuyên bố ủng hộ các quan điểm của Mỹ trong khi không ngần ngại chỉ trích chương trình vũ khí của Triều Tiên khiến thế giới lo ngại.

Một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song Ryol đe dọa sẽ phóng thử tên lửa hàng tuần và sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân nếu bị đe dọa, Bắc Kinh lên tiếng nói "quan ngại nghiêm trọng" về các hoạt động của Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng hoan nghênh những phát biểu của Mỹ về vấn đề Triều Tiên. "Giới chức Mỹ thực sự đã có những phát biểu tích cực và mang tính xây dựng, như sử dụng tất cả biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo. Điều này phản ánh hướng đi mà Bắc Kinh cho là đúng đắn và nên tuân thủ".

Trung Quoc ngan Trieu Tien anh 1
Triều Tiên phóng tên lửa ngay trước khi nguyên thủ Mỹ - Trung Quốc gặp mặt hồi đầu tháng 4. Ảnh: Dailystar.

Thuận theo ý Mỹ, chỉ trích Triều Tiên

Hướng đi mà Bắc Kinh ủng hộ lại không nằm trong quan điểm của Triều Tiên. Trong một video tuyên truyền, Bình Nhưỡng phát sóng đoạn phim mô phỏng cảnh tên lửa nước này tấn công và biến các thành phố ở Mỹ thành biển lửa.

Theo CNN, Thứ trưởng Han tiếp tục đe dọa: "Nếu Mỹ bất cẩn sử dụng biện pháp quân sự thì nó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tổng lực thường xuyên".

Câu nói này ngay lập tức bị Bắc Kinh "dập tắt". "Trung Quốc cực lực phản đối bất kỳ tuyên bố hay hành động nào khiến căng thẳng leo thang", ông Lục Khảng nói.

Liên quan đến việc Mỹ muốn đưa tàu sân bay Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên, hãng tin KCNA lên án đây là "sự gây hấn thiếu thận trọng khiến căng thẳng trầm trọng thêm". Khi bình luận về các diễn biến này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra thận trọng khi nói về cách làm của Mỹ rằng "chúng tôi vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với Mỹ về tình hình hiện tại".

Tuy nhiên, ông Lục Khảng tỏ ra đi thẳng vào vấn đề hơn khi nói về Triều Tiên. "Quan điểm của Trung Quốc về phản đối sở hữu vũ khí hạt nhân là vững chắc, rõ ràng và nhất quán".

Trung Quoc ngan Trieu Tien anh 2
Sơ đồ khu vực hành chính ở khu thử hạt nhân Punggye-ri (tỉnh Bắc Hamgyong, miền Bắc Triều Tiên). Ảnh: Reuters.

Triều Tiên không còn bị Trung Quốc kiểm soát

Theo các nhà quan sát, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là rất không hài lòng với tính cách của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Kể từ khi ông Kim tiếp quản vị trí quyền lực của người bố quá cố năm 2011, nguyên thủ Triều Tiên và Trung Quốc chưa một lần gặp mặt.

Đến nay, ông Lưu Vân Sơn, nhân vật thứ 5 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, là quan chức cấp cao nhất của Bắc Kinh đến Triều Tiên vào tháng 10/2015 tham gia kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.

Trung Quoc ngan Trieu Tien anh 3
So với những người tiền nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình chưa từng gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Express.

Một điều khiến Trung Quốc tức giận với Triều Tiên liên quan đến việc Kim Jong Un xử tử người chú dượng Jang Song Thaek năm 2013. Ông Jang vốn là người liên lạc chủ chốt giữa Bắc Kinh và chính quyền Bình Nhưỡng trong nhiều năm liền.

Việc người được cho là Kim Jong Nam, nhân vật được Bắc Kinh bảo vệ, bị ám sát ở Malaysia cũng khiến Trung Quốc bất mãn.

Các nhà quan sát tin rằng Trung Quốc cũng muốn ngăn cản Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân hoàn thiện; không muốn chiến tranh xảy ra ở biên giới phía nam nước này vì có thể gây ra làn sóng tị nạn hàng triệu người Triều Tiên ồ ạt kéo qua Trung Quốc; đồng thời tạo cớ để Mỹ có thể hiện diện quân sự gần biên giới Trung Quốc.

Đầu năm nay, Trung Quốc đề xuất Mỹ và Triều Tiên cùng nhượng bộ một vấn đề nào đó để xoa dịu tình hình trên bán đảo. Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, Mỹ và Hàn Quốc nên ngưng các cuộc tập trận thường niên vốn là "cái gai trong mắt" Triều Tiên, đổi lại Bình Nhưỡng dừng chương trình hạt nhân.

Không ngạc nhiên khi đề xuất này đều bị các bên bác bỏ. Tuy nhiên, kể từ đó, Triều Tiên tăng cường các vụ thử tên lửa, đặc biệt vào những thời điểm nhạy cảm như phóng ngay trước cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập, hoặc khi máy bay chờ phó tổng thống Mỹ đến Hàn Quốc. Cuối tuần qua, Triều Tiên cũng rầm rộ khoe các tên lửa và bệ phóng mới trong một cuộc duyệt binh.

Theo các nhà quan sát, chính Trung Quốc cũng không hài lòng khi thấy sự ảnh hưởng của họ với Bình Nhưỡng ngày đang suy giảm. "Trung Quốc có ghế trong khán đài nhưng không có quyền kiểm soát", nhà nghiên cứu Trung Quốc Brantly Womack (Đại học Virginia) nói với AP.

Những yếu tố làm phức tạp

Chuyên gia Dean Cheng (Quỹ Heritage, Washington) cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc về tình hình Triều Tiên cũng chịu một số hạn chế như trước đây. "Nhưng lần này khác ở chỗ người Mỹ đang gia tăng áp lực một cách công khai hơn".

Trung Quoc ngan Trieu Tien anh 4
Tổng thống Trump từng tuyên bố sẵn sàng giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không cần sự giúp sức của Trung Quốc. Ảnh: Chosun.

Sự xuất hiện của Tổng thống Trump cùng tính cách khó đoán của ông cũng làm tình hình phức tạp thêm. Hồi đầu tháng này, ông Trump viết trên Twitter nói Mỹ hoan nghênh nếu Trung Quốc giúp sức trong vấn đề Triều Tiên, nhưng sau đó lại dọa "nếu không thì chúng ta sẵn sàng tự giải quyết".

Không lâu sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra thúc ép Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Ông Trump đã nói rõ rằng việc Bắc Kinh hỗ trợ tích cực hơn trong việc này sẽ đổi lại quan hệ Mỹ - Trung cải thiện cùng các thỏa thuận thương mại tốt hơn cho Trung Quốc.

Cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc cũng là một yếu tố ảnh hưởng. Người sẽ thay thế tổng thống bị phế truất Park Geun Hye được cho là sẽ có quan điểm hòa giải hơn với Triều Tiên. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định sẽ không chỉ ngồi yên khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đến Hàn Quốc.

Khi chuyện THAAD đã được định đoạt, Trung Quốc giở chiêu bài lâu dài và nhắc nhở Hàn Quốc rằng nước này nhỏ và yếu hơn thì các lợi ích an ninh cần phụ thuộc vào Trung Quốc. "Seoul đã được cảnh báo những nỗ lực phòng thủ trong tương lai có thể gây ra hậu quả", ông Cheng nói.

Thời báo Hoàn cầu ngày 19/4 đăng bài chỉ trích việc Hàn Quốc tiếp nhận THAAD cũng là nguyên nhân "thổi bùng ngọn lửa" trên bán đảo Triều Tiên, không giúp ích trong việc thuyết phục Mỹ trở lại bàn đàm phán.

Tuy chưa có nhiều bài học để phải lo sợ về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc rất không hài lòng khi người hàng xóm liên tục gây khiêu khích, từ đó có thể tạo cớ để Hàn Quốc và Nhật Bản tiến tới phát triển hạt nhân để tự vệ.

Do vậy, tuy Bắc Kinh một mặt phản đối những hành động cứng rắn có thể khiến thay đổi chính quyền ở Bình Nhưỡng, nước này đã đồng ý với nhiều cấm vận quốc tế áp đặt lên Triều Tiên kể từ năm 2006. Một biện pháp mạnh tay gần đây là cắt nhập khẩu than đá từ Triều Tiên, ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và nguồn ngoại tệ của Triều Tiên.

"Việc ông Tập Cận Bình không thích Kim Jong Un là chuyện rõ ràng và Trung Quốc đã sẵn sàng để thắt chặt. Tuy nhiên, sẽ không có chiến tranh, không hạt nhân, không bất ổn. Phía Trung Quốc sẽ không bao giờ đi quá xa như phương Tây mong muốn", Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie - Thanh Hoa tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), nói.

Triều Tiên công bố clip mô phỏng tấn công Mỹ trong 'Ngày Mặt trời' Truyền thông Triều Tiên đưa tin trong sự kiện văn nghệ kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, nước này đã phát video mô phỏng tấn công bằng tên lửa nhằm vào Mỹ.

Hàn Quốc cảm giác 'bị lừa' khi tàu sân bay Mỹ không tới

Từ trạng thái hân hoan, nhiều người Hàn Quốc chuyển sang hụt hẫng và giận dữ khi biết đội tác chiến tàu sân bay Mỹ không đến bán đảo Triều Tiên như tuyên bố của Tổng thống Trump.

Mỹ với kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên 23 năm trước

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện tại vẫn chưa phải là đỉnh điểm so với năm 1994, khi chính quyền Clinton đã phê chuẩn kế hoạch không kích phủ đầu Triều Tiên.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm