Bất chấp những động thái như việc Mỹ chuyển hướng tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên và những tuyên bố đe dọa mạnh mẽ từ hai phía, một cuộc chiến tranh giữa Washington và Bình Nhưỡng không dễ xảy ra.
Ít sự lựa chọn
Cả hãng tin AP và báo New York Times đều đưa ra bằng chứng cho thấy việc lên gân, giương súng của chính quyền Tổng thống Donald Trump về bản chất chỉ cho thấy Mỹ không có nhiều lựa chọn lúc này khi đối đầu với Triều Tiên.
Nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất là Triều Tiên không yếu như Syria - quốc gia mà Mỹ vừa trút 59 quả tên lửa Tomahawk lên lãnh thổ mà không thể phản ứng gì.
Lính Mỹ ở Hàn Quốc có thể là những mục tiêu đầu tiên khi Bình Nhưỡng trả đũa. Ảnh: AP. |
Quân đội Triều Tiên mạnh và có những tên lửa có thể nhắm tới Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh quan trọng của Mỹ, một cách dễ dàng. Việc đơn phương tấn công Triều Tiên vì vậy cũng rủi ro hơn nhiều.
Ông Trump từng đe dọa trước cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Washington sẽ hành động đơn phương chống Triều Tiên nếu Bắc Kinh không cùng hợp tác.
Nhưng đưa tàu sân bay tới sát bán đảo Triều Tiên cũng không thể cản Bình Nhưỡng thử bom hạt nhân hay tên lửa đạn đạo. Tổng thống Barack Obama từng hai lần ra lệnh cho tàu sân bay USS George Washington tiến sát vào Hoàng Hải với hi vọng đe dọa cố lãnh tụ Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un. Nhưng cả hai lần đó đều không có tác động gì đáng kể.
Theo Reuters và New York Times, Nhà Trắng có thể thực hiện các biện pháp cấm vận thứ cấp, nhắm tới các công ty và ngân hàng của Trung Quốc đang cung cấp ngoại tệ hay chuyển tiền cho Triều Tiên buôn bán vũ khí.
Câu hỏi hiện nay là liệu Trung Quốc có hợp tác với Mỹ hay là ông Trump sẽ phải tiến hành cấm vận đơn phương - điều có thể làm căng thẳng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Ông Kim Jong-un có nhiều vũ khí trong tay và không yếu như ông Assad. Ảnh: Reuters. |
Hàn Quốc không ủng hộ
Hôm đầu tuần, khi ông Wu Dawei, đặc phái viên về Triều Tiên của Trung Quốc, gặp người đồng cấp Kim Hong-kyun của Hàn Quốc ở Seoul, cả hai bên đều không thảo luận về khả năng Mỹ sẽ tấn công Triều Tiên.
Giới phân tích và các quan chức nhận định Hàn Quốc e ngại tấn công quân sự phủ đầu Triều Tiên, dù là bắn phá các cơ sở tên lửa hay hạt nhân. Bởi động thái đó có thể dẫn tới việc Bình Nhưỡng trả đũa quyết liệt và chiến tranh toàn diện nổ ra.
Xét về thực lực, Mỹ và Hàn Quốc có thể thắng trong cuộc chiến tranh chống Triều Tiên. Nhưng nhiều người lo ngại những tổn thất nghiêm trọng mà Hàn Quốc có thể hứng chịu, đặc biệt là thủ đô Seoul với hơn 10 triệu dân.
Seoul nằm ngay trong tầm ngắm của pháo kích và tên lửa Triều Tiên ở dọc biên giới. Giới phân tích quốc phòng khẳng định quân đội Triều Tiên giấu phần lớn các khí tài quan trọng dưới hầm. Hiện chưa rõ lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã xác định được vị trí của toàn bộ các khí tài Triều Tiên hay chưa.
Ngoài ra, có khoảng 200.000 công dân cùng 28.500 lính Mỹ đang sống ở Hàn Quốc và đây có thể là mục tiêu đầu tiên khi Bình Nhưỡng tiến hành trả đũa.
Tàu sân bay Carl Vinson ở Busan, Hàn Quốc, hồi tháng 3. Ảnh: AP. |
Đặt cổ lên thớt
Các chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc cũng lo sợ nguy cơ này. “Trong khi quân đội rất tập trung duy trì khả năng răn đe mạnh trên bán đảo Triều Tiên, chúng tôi rất hiểu nguy cơ của việc leo thang,” New York Times trích lời Derek H. Chollet, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng về an ninh quốc tế.
Theo ông Chollet, nguy cơ leo thang ở Syria thấp hơn nhiều khi chính quyền Assad yếu hơn ông Kim và cũng ít lo ngại về việc vũ khí huỷ diệt của Syria có thể rơi vào tay lực lượng xấu. “Triều Tiên với vũ khí hạt nhân lại là câu chuyện khác”, ông nói.
Hàn Quốc lo ngại chính quyền Trump có thể tấn công quân sự để đáp trả việc Bình Nhưỡng đe dọa hạt nhân. Ở Seoul, trong mấy ngày qua, chính quyền đang nỗ lực trấn an người dân rằng khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên là không có. Các quan chức khẳng định Mỹ sẽ chỉ thực hiện điều này nếu chính phủ Hàn Quốc gật đầu.
Một loạt quan chức chính phủ cũng như các ứng viên tổng thống đều khẳng định không quốc gia nào, kể cả Mỹ, được phép mang lửa chiến tranh tới bán đảo Triều Tiên.
Năm 1994, không lâu sau cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên bùng trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Bill Clinton khi đó đã cân nhắc tấn công căn cứ hạt nhân chính của Bình Nhưỡng ở Yongbyon.
Sợ hãi lúc đó lan khắp Hàn Quốc, người dân hoang mang, lũ lượt tích trữ lương thực. Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-Sam sau đó đã phản đối riêng với ông Clinton và thuyết phục Washington từ bỏ kế hoạch này.
Hôm 11/4, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên mô tả việc Mỹ tiến hành tấn công phủ đầu sẽ “ngu xuẩn giống như đặt cổ mình lên thớt vậy”.