Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) đang tiến về bán đảo Triều Tiên. CVN-70 được hộ tống bởi tàu khu trục USS Wayne E. Meyer, USS Michael Murphy và tuần dương hạm USS Lake Champlain.
Ngày 10/4, Bình Nhưỡng cảnh báo họ sẽ phản ứng “trước những hành động xâm lược liều lĩnh của Mỹ”. Một quan chức quân sự Triều Tiên nói với CNN: “Chúng tôi sẽ khiến Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra cho các hành động nguy hiểm của họ”.
Ngày 11/4, nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ tham dự Đại hội Nhân dân tối cao, cuộc họp của các quan chức chính trị hàng đầu Triều Tiên. Cuộc họp diễn ra vài ngày trước khi Bình Nhưỡng kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào ngày 15/4 tới. Có những đồn đoán cho rằng Bình Nhưỡng sẽ đánh dấu sự kiện này bằng việc thử tên lửa hoặc hạt nhân.
Thử nghiệm đánh chặn tên lửa
Tàu sân bay CVN-70 có thủy thủ đoàn 5.000 người, mang theo 60 máy bay, được hộ tống bởi 2 tàu khu trục và một tuần dương hạm. Các tiêm kích trên hạm cùng tàu hộ tống sở hữu năng lực tấn công đáng nể nhưng việc lựa chọn giải pháp đang là vấn đề khó khăn với Tổng thống Donald Trump.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Trung Quốc hiểu rõ chương trình hạt nhân của Triều Tiên nguy hiểm như thế nào và đã đồng ý phải hành động để ngăn chặn nó. Tuy nhiên, Bắc Kinh không cho thấy bất kỳ thay đổi nào trong cách tiếp cận đối với Bình Nhưỡng, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần trước.
Tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng việc di chuyển của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có tính chất phòng thủ, tạo cơ sở cho kịch bản nhóm tác chiến có thể thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tên lửa.
Bruce Bennett, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc tập đoàn Rand (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), cho biết 3 tàu chiến hộ tống Carl Vinson có hơn 300 ống phóng tên lửa và được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis có khả năng đánh chặn tên lửa.
“Nếu Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa vào biển Nhật Bản, những tàu chiến này sẽ có khả năng thử nghiệm đánh chặn tên lửa của Bình Nhưỡng”, Bennett nói.
Peter Layton, thuộc Viện Châu Á Griffith, ở Brisbane, Australia, nhấn mạnh việc đánh chặn một cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa sẽ gửi thông điệp rõ ràng cho Bình Nhưỡng.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson được chỉ huy trực tiếp từ Hawaii chứ không phải từ căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản, vì vậy đó là một sáng kiến của Mỹ chứ không phải là đề nghị từ Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Thử nghiệm tấn công hạn chế
Chính quyền Trump đã đưa ra một số ý tưởng tiến hành các vụ tấn công nhắm vào Triều Tiên nhưng phạm vi, phương thức hành động cho cuộc tấn công tiềm năng vẫn chưa rõ ràng. Tàu sân bay Carl Vinson có hơn 40 tiêm kích trên hạm F/A-18 có khả năng tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Triều Tiên bằng bom và tên lửa.
Tiêm kích F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: CNN |
Trong khi đó, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler sẽ gây nhiễu radar của đối phương tạo “bức màn điện tử” che chắn cho đội hình tấn công. Một cuộc không kích tiềm tàng sử dụng các máy bay cất cánh từ hàng không mẫu hạm Carl Vinson có thể nhắm vào mục tiêu nhỏ như bệ phóng tên lửa, hoặc thiết bị hỗ trợ phóng.
“Mục tiêu quân sự rộng hơn nếu Mỹ muốn gửi thông điệp rằng một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc bom hạt nhân sẽ không được dung thứ”, Dakota Wood, nhà phân tích thuộc Quỹ Heritage có trụ sở tại Washington nói với CNN.
Tuy nhiên, các tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay Carl Vinson không được trang bị các vũ khí cần thiết cho cuộc không kích chống lại chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, điều mà các nhà phân tích nói rằng rất khó xảy ra.
“Hầu hết căn cứ, tài sản liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên đều bố trí trong lòng đất nên rất khó để nhóm tấn công từ hàng không mẫu hạm Carl Vinson có thể gây thiệt hại cho chúng”, ông Bennett nói.