- Chủ tịch Tập Cận Bình sớm có chuyến thăm chính thức đến Mỹ chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống. Theo ông, tại sao Trung Quốc lại thể hiện thái độ tích cực như vậy?
- 42 tháng sau khi trở thành chủ tịch nước, Tập Cận Bình mới thăm chính thức Mỹ dưới thời Obama. Nhưng ông Tập nhanh chóng tới gặp Tổng thống Trump không đến 3 tháng sau khi Trump đắc cử. Tôi cho rằng, việc Trung Quốc gấp rút xúc tiến cuộc gặp chính thức này có thể xuất phát từ 3 nguyên do.
Sự khó lường của Trump là điều mà ngay cả những đồng minh thân thiết của Mỹ như Nhật Bản và Đức cũng muốn tránh. Bởi không ai muốn rơi vào cuộc chơi “cùng thua”. Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ.
Tiến sĩ Phạm Sĩ Thành
Thứ nhất, để giảm tính khó lường trong quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Trump là một biệt lệ. Nếu có từ nào hình dung về ông Trump rõ nhất thì đó có thể là từ “bất quy tắc”. Vấn đề cốt lõi mà các hành vi bất quy tắc của ông Trump gây ra là nó sẽ làm gia tăng các thông tin bất cân xứng (tình trạng các bên nhận biết thông tin không giống nhau).
Lý thuyết trò chơi chỉ ra tình trạng thông tin bất cân xứng đẩy tất cả các bên vào thế thua cuộc dù mỗi bên đều hành động tuân theo lợi ích của mình.
Sự khó lường của Trump là điều mà ngay cả những đồng minh thân thiết của Mỹ như Nhật Bản và Đức cũng muốn tránh. Bởi không ai muốn rơi vào cuộc chơi “cùng thua”. Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ.
Thứ hai, Trung Quốc cần đi trước Nga một bước. Trước bầu cử và cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của quân chính phủ ở Syria, ông Trump cho thấy sách lược mới của mình là muốn đàm phán và hòa hoãn với Nga. Điều này không có lợi cho Trung Quốc trong một số vấn đề chiến lược và an ninh.
Vì vậy, Trung Quốc cần nhanh chóng xác lập một quan hệ chính thức và tạo ra bầu không khí thân thiết, cởi mở giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thứ ba, chuyến thăm có thể trở thành một nguồn lực chính trị quan trọng đối với ông Tập Cận Bình trước Đại hội 19. Hoạt động ngoại giao của Trung Quốc hiện được thiết kế tỉ mỉ phục vụ cho việc xây dựng hình ảnh Chủ tịch Tập như một nhà lãnh đạo toàn cầu. Việc gặp gỡ Tổng thống Trump cũng không nằm ngoài mục đích này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm có chuyến thăm chính thức đến Mỹ chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống.Ảnh: news.sky.com . |
Bước tiến lớn nhưng chưa thỏa mãn
- Trước báo chí, Tổng thống Trump tuyên bố cuộc gặp với Chủ tịch Tập đã đạt "bước tiến lớn". Ông đánh giá như thế nào về kết quả cuộc gặp Mỹ - Trung lần này? Cuộc gặp có thực sự đạt được kỳ vọng từ phía Mỹ và Trung Quốc hay không?
- Bốn mục tiêu quan trọng của chuyến thăm chính thức lần này từ phía Trung Quốc là: Thiết lập cơ chế làm việc mang tính khả đoán với Mỹ, nhắc lại lập trường và muốn Mỹ xác nhận lập trường về các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, không để các vấn đề bất đồng quan điểm ảnh hưởng đến kết quả cuộc gặp, muốn Mỹ ủng hộ các sáng kiến đa phương do Trung Quốc khởi xướng.
Trong khi đó, hai ưu tiên của Mỹ trong cuộc gặp có thể là đưa Trung Quốc nhanh chóng quay lại với bàn đàm phán trong các vấn đề quan trọng và vấn đề chính trị liên quan đến Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố hơn là các vấn đề kinh tế.
Tiến sĩ Phạm Sĩ Thành là Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Ảnh: NVCC. |
Xét theo mục tiêu ưu tiên của mỗi bên, rõ ràng đây là cuộc gặp có thể làm hài lòng chứ chưa làm hai bên thỏa mãn.
Về phía Trump, sau Nhật và Đức, ông đã “đưa” được ông Tập đến Mỹ để gặp gỡ chính thức. Trong khi đó, sau cuộc gặp này, Trung Quốc đã thiết lập được 4 cơ chế đối thoại chính thức mới thay cho cơ chế đối thoại chiến lược và kinh tế trước đây.
Mặc dù vậy, những kết quả trên chỉ có thể xem như thành công bề mặt. Hai bên dường như đã không đạt được sự nhất trí trong quan điểm về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc cũng không nhận được câu trả lời về ý định mời Mỹ tham gia vào chiến được Một vành đai, Một con đường (OBOR). Trong khi đó, Mỹ cũng chỉ nhận được từ Trung Quốc những phản ứng thường thấy trong vấn đề Triều Tiên.
Đó là những tuyên bố mang tính nguyên tắc như “giải quyết hòa bình thông qua đối thoại”, “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” hay đề xuất “hai tạm dừng” (Triều Tiên tạm dừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc tạm dừng tập trận chung).
Nói cách khác, những nội dung quan trọng thể hiện cách tiếp cận với các vấn đề chiến lược của mỗi bên trong thời kỳ mới đã không đạt được sự tiến triển cần thiết.
Tổng thống Trump (phải) và Chủ tịch Tập dùng bữa tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida, tối 6/4. Ảnh: Getty. |
Trung Quốc sẽ phải làm quen với trạng thái bình thường mới
- Ông nhận định thế nào về triển vọng quan hệ Mỹ - Trung sau cuộc gặp này?
- Đặc điểm mới trong quan hệ Mỹ - Trung hiện nay là Mỹ dường như đã chuyển hướng tiếp cận với Trung Quốc từ can thiệp sang chấp nhận cơ chế G2. Ông Trump đã đề cập đến vai trò của Mỹ và Trung Quốc, với tư cách là những cường quốc, trong những vấn đề toàn cầu quan trọng.
Bên cạnh đó, thứ tự ưu tiên đối thoại sau cuộc gặp Trump - Tập cũng hé mở về những ưu tiên hợp tác sắp tới. Trong cuộc gặp lần này, hai nước tuyên bố xây dựng cơ chế đối thoại cấp cao trong 4 lĩnh vực là (i) đối thoại ngoại giao - an ninh, (ii) đối thoại toàn diện kinh tế, (iii) đối thoại về chấp pháp và an ninh mạng, (iv) đối thoại về xã hội và giao lưu con người.
Trong đó, hai bên ngay lập tức khởi động cơ chế đối thoại ngoại giao - an ninh và cơ chế đối thoại toàn diện kinh tế. Hai cơ chế sau sẽ được khởi động trong thời gian sớm nhất. Đây là điểm khác biệt so với thời tổng thống Obama khi giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ có một cơ chế đối thoại là Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung.
Trong chuyến thăm, ông Tập nói Trung Quốc muốn xây dựng quan hệ với Mỹ ở một xuất phát điểm mới. Nhưng có thể Bắc Kinh sẽ phải làm quen với một "trạng thái bình thường mới" trong quan hệ giữa hai bên. Đó là những trao đổi song phương trực diện hơn và tập trung vào vấn đề an ninh.
Quan hệ giữa hai bên có thể bước sang một "trạng thái bình thường mới", đó là những trao đổi song phương trực diện hơn và tập trung vào vấn đề an ninh. Ảnh: SCMP. |
- Trong lĩnh vực kinh tế, liệu có khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại không khi ngay trước chuyến thăm, Trump vừa có đòn “dằn mặt” Bắc Kinh với hai sắc lệnh trả đũa thương mại nhằm vào Trung Quốc?
Câu chuyện thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc hoàn toàn không mang tính chất của một câu chuyện kinh tế mà là "chiêu bài" của chủ nghĩa dân túy.
Tiến sĩ Phạm Sĩ Thành
- Trong cuộc gặp lần này, ông Tập nhấn mạnh cụm từ “hợp tác là lựa chọn chính xác duy nhất giữa hai nước Trung - Mỹ”. Điều này cho thấy Trung Quốc không muốn quan hệ, trong đó có lĩnh vực kinh tế, giữa hai bên đi theo khuynh hướng đối đầu và xung đột.
Mặt khác, chúng ta đều hiểu rằng việc phát động cuộc chiến thương mại vừa không khả thi, vừa không có đủ lý do. Bởi lẽ, câu chuyện thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc hoàn toàn không mang tính chất của một câu chuyện kinh tế mà là "chiêu bài" của chủ nghĩa dân túy.
Việc áp thuế với Bắc Kinh khó có thể giúp Mỹ cải thiện xuất khẩu của ngành chế tạo vì không còn lợi thế so sánh trong các lĩnh vực hàng hóa có hàm lượng công nghệ thấp. Ngoài ra, nếu xét về thương mại dịch vụ thì Mỹ thặng dư chứ không thâm hụt so với Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là, Washington thực sự muốn gì khi gây sức ép lên Bắc Kinh trong vấn đề thương mại. Đó có thể là việc buộc Trung Quốc phải mở cửa mạnh mẽ hơn cho các công ty của Mỹ, điều Bắc Kinh đã không làm theo như các cam kết WTO. Và Mỹ có gì để buộc Trung Quốc làm điều này? Câu trả lời có thể nằm ở sự thừa nhận địa vị của một quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Tiến sĩ Phạm Sĩ Thành là Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Hiện ông giảng dạy tại khoa Đông Phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại Học Quốc Gia Hà Nội.