Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý đồ khác biệt, hội nghị Trump - Tập ít thành tựu lớn

Dù đặt nhiều kỳ vọng, cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đạt được kết quả lớn ấn tượng nào.

Hashtag tuần qua: 'Nhà Trắng mùa đông' đón vị khách quyền lực Vượt hàng nghìn cây số đến "làm quen" Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc muốn cùng Mỹ xây dựng quan hệ song phương từ một "xuất phát điểm mới".

Chuyến thăm Mỹ hai ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ quan trọng đối với riêng nhà lãnh đạo hai nước, với Mỹ hay Trung Quốc, mà còn định hình tương lai toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tiến sĩ Bo Zhiyue (Viện Nghiên cứu Trung Quốc Bo Zhiyue) nhận xét trên Channel News Asia rằng không có kết quả cụ thể nào được công bố sau sự kiện do hai nhà lãnh đạo có ý đồ khác nhau tại hội nghị. 

Tổng thống Trump có hai ưu tiên chính về thâm hụt thương mại và Triều Tiên. Tuy nhiên, với Chủ tịch Tập Cận Bình, ưu tiên nhất không hẳn là về quan hệ song phương mà là chính trị nội bộ Trung Quốc.

ket qua cuoc hop Trump - Tap anh 1
Trong chuyến thăm, phía Trung Quốc thông báo Tổng thống Trump đã nhận lời mời đến Bắc Kinh trong năm nay. Ảnh: AP.

Quan điểm khác biệt

Ông Trump đã tự tiên đoán rằng cuộc thảo luận về thương mại với ông Tập Cận Bình “sẽ rất khó khăn”. Từng lên án “Trung Quốc cướp việc làm của Mỹ” nên ông Trump lo ngại về các điều khoản mà Trung Quốc đưa ra.

Về tình hình Triều Tiên, ông Trump hi vọng sẽ ép Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ. Ngay trước chuyến thăm, tổng thống Mỹ cảnh báo rằng sẵn sàng hành động đơn phương nếu Trung Quốc không giúp đỡ.

Về phía Tập Cận Bình, ông thể hiện rõ tham vọng so với những người tiền nhiệm là muốn là người duy nhất hoạch định chính sách quan hệ với Mỹ. 

Nếu như Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng có chuyến thăm Mỹ thành công năm 2003 thì Thủ tướng Lý Khắc Cường đến nay vẫn chưa công du Mỹ dù đã nhậm chức 4 năm.

Với tham vọng này, ông Tập có lợi thế là một mình nhận tất cả công trạng nếu mọi việc thuận lợi - nhưng cũng một mình ông sẽ gánh chỉ trích nếu tình hình không suôn sẻ.

Ngoại giao nghỉ dưỡng 

Chính sách “ngoại giao nghỉ dưỡng” của ông Tập Cận Bình hồi tháng 6/2013 được xem là thành công lớn khi Tổng thống Obama tán thành quan điểm của Trung Quốc về “quan hệ siêu cường kiểu mới” giữa 2 nước.

ket qua cuoc hop Trump - Tap anh 2
Người Trung Quốc có thể không vui khi ông Trump dành quá nhiều mỹ từ để nói về phu nhân Bành Lệ Viện trong buổi tiệc tối. Ảnh: AP.

Nhưng sự đồng thuận này đã kết thúc vào tháng 9/2015 vì ông Obama không lặp lại cụm từ đó khi tiếp đón ông Tập.

Trong chuyến công du tháng 3/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gọi quan hệ Mỹ - Trung được xây dựng từ nền tảng “không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”. Do vậy, khi đến Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình rất muốn nghe những điều này do chính Tổng thống Trump thốt ra.

Từ quan điểm của người Mỹ

Chiến dịch không kích đơn phương vào Syria khiến ông Trump hiển nhiên ở vị trí chiến thắng trong cuộc họp thượng đỉnh. Tổng thống Mỹ như thể muốn nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng nước này không còn ở vai trò lãnh đạo thế giới nên Mỹ không cần phải báo trước về một kế hoạch như vậy (dù Mỹ đã thông báo với những nước đồng minh và Nga).

ket qua cuoc hop Trump - Tap anh 3
Quyết định không kích Syria đơn phương khiến ông Trump tỏ ra là vị thế hơn trong cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Ông Trump cũng có thể hoan hỉ tỏ ra là người chi phối hội nghị. Tổng thống Mỹ đã có thể buộc Chủ tịch Tập Cận Bình đồng thuận về giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, phía Trung Quốc bày tỏ rằng việc này cũng là cách để họ kiểm soát lạm phát.

Ông Trump cũng hài lòng khi chủ tịch Trung Quốc đồng ý rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã ở mức “rất nghiêm trọng”. Tuy nhiên, sẽ là phi thực tế để đòi hỏi Trung Quốc có hành động cụ thể hơn. Những năm gần đây, ảnh hưởng của Bắc Kinh với giới lãnh đạo ở Triều Tiên đã giảm đáng kể. 

So với những người tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình có lẽ là người ít có ảnh hưởng nhất đối với Bình Nhưỡng. Tháng 3/1990, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã chọn Triều Tiên là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. 

Ông Hồ Cẩm Đào cũng có mối quan hệ tốt với nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Khi ông Hồ Cẩm Đào còn là chủ tịch nước, Kim Jong Il đã đến thăm Trung Quốc 5 lần.

Trái ngược lại với hai vị trên, ông Tập Cận Bình không thăm Bình Nhưỡng từ sau khi bước lên đỉnh quyền lực vào tháng 11/2012. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng chưa từng đến Bắc Kinh. Mối quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên được đánh giá là ở mức thấp nhất.

Ngay sau khi Mỹ áp đặt cấm vận kinh tế đối với Triều Tiên, Bắc Kinh cũng quyết định ngưng nhập khẩu than từ nước láng giềng vào tháng 2/2017.

Do vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng sẽ đồng ý thêm với Tổng thống Trump về những biện pháp trừng phạt kinh tế mới, nhưng sẽ là không khả thi để yêu cầu Trung Quốc ủng hộ một hành động quân sự.

Trung Quốc đã thể hiện tốt

Từ quan điểm của người Trung Quốc, họ cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã có nhiều phát biểu ấn tượng về quan hệ Trung - Mỹ trong lần gặp gỡ đầu tiên với Trump, nổi bật là: “Có hàng nghìn lý do để quan hệ hai nước đạt hiệu quả và không có lý do nào để phá vỡ nó”. 

Ông Tập cũng đã mời tổng thống Mỹ đến thăm Trung Quốc năm 2017 và ông Trump được cho là đã nhận lời.

ket qua cuoc hop Trump - Tap anh 4
Ông Tập Cận Bình được cho là muốn "độc quyền" trong hoạch định quan hệ với Mỹ. Ảnh: AP.

Dù cuộc họp thượng đỉnh bị “cạnh tranh” bởi vụ Mỹ không kích Syria, nó không hoàn toàn là thất bại. Không chỉ mời được Trump, ông Tập còn khiến tổng thống Mỹ đồng ý về việc nâng cấp những cuộc đối thoại Trung - Mỹ với trưởng phái đoàn chính là hai vị nguyên thủ.

Sự nâng cấp này có thể không có nhiều ý nghĩa với phía Mỹ, nhưng nó bổ sung thêm một danh hiệu hoặc một tầm quan trọng chính trị đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đến nay, ông Tập đã có 12 danh hiệu hành chính khác nhau bên cạnh chức vụ chủ tịch Trung Quốc.

Kết thúc sự kiện, Tổng thống Trump tuyên bố các bên đã đạt được “tiến bộ to lớn” nhưng không ai đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào. Việc quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục phát triển ra sao có thể được tiết lộ nhiều hơn khi Tổng thống Trump thăm Bắc Kinh.

Cháu gái Trump 'trổ tài' hát tiếng Trung tặng ông Tập Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện thích thú nghe cháu gái 5 tuổi của ông Trump hát tiếng Trung, trong khi các thành viên còn lại của gia đình Trump vui vẻ quan sát.

Ăn tối cùng ông Tập, ông Trump lo nghĩ chuyện tên lửa

Tổng thống Trump đã lên kế hoạch phóng tên lửa trước bữa tối với Chủ tịch Tập và việc Mỹ bất ngờ tấn công Syria đã khiến cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Tập bị lu mờ.

‘Ngoại giao cháu ngoại’ của ông Trump lấy lòng Trung Quốc

Dù Tổng thống Trump cứng rắn với Trung Quốc nhưng gia đình đệ nhất của Mỹ vẫn được người dân đại lục yêu thích, phần lớn nhờ con gái Ivanka và cháu gái Arabella của ông.

Minh Anh

Theo Channel News Asia

Bạn có thể quan tâm