Cả nhà thập tử nhất sinh
Bên ngoài hành lang Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chị Triệu Thị Khánh đến từ huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) luôn tay lau nước mắt. Chỉ vì hái nấm rừng về ăn, gia đình chị đã phải tốn kém hàng trăm triệu đồng để chạy chữa mà tính mạng chồng chị vẫn nguy kịch. Chị Khánh kể, sáng 12/3, chồng chị qua nhà chị gái Triệu Thị Hòa, gặp bữa cơm gia đình, trong đó có món canh nấm nên cùng ngồi ăn.
Sau cả tuần được tích cực cấp cứu, bệnh nhân Thọ vẫn hôn mê. |
Ngay tối cùng ngày, cả nhà chị Hòa và anh Thọ đều nôn ói, đi ngoài và mệt mỏi, nên được đưa lên trạm xá, rồi chuyển các tuyến bệnh viện. Tuy nhiên, khi lên đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân đều đã suy gan nặng, hôn mê. Bé Đặng Phúc Quý (14 tuổi, con chị Triệu Thị Hòa) đã tử vong, còn em Đặng Phúc An (em trai bé Quý) vẫn hôn mê, chắc khó qua khỏi. Anh Triệu Văn Thọ hiện vẫn hôn mê sâu, cho dù các bác sĩ nỗ lực lọc máu và truyền huyết tương.
Chỉ trong vòng chục ngày (từ 9-16/3), Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã liên tiếp đón nhận 3 đợt bệnh nhân bị ngộ độc nấm được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới các tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang về. Đến sáng 20/3, 5 trong số 14 bệnh nhân bị ngộ độc nấm độc đã không qua khỏi; chỉ duy nhất, trường hợp chị Hòa đã qua cơn nguy kịch, có dấu hiệu phục hồi, ăn được; còn lại đều hôn mê sâu và có nguy cơ tử vong cao.
Gia đình chị Triệu Thị Hòa thuộc hộ nghèo. Bé Đặng Phúc Quý phải bỏ học từ hai năm nay để phụ bố mẹ lên rẫy kiếm ăn. Với các gia đình ở đây, nấm vốn là một món ăn quen thuộc, không mất tiền, cứ lên rừng mà hái về. Chính bữa canh nấm “định mệnh” này là do hai anh em Phúc Quý hái về cho mẹ nấu.
Ngày cả nhà bị ngộ độc, buộc phải cấp cứu, chị Hòa lục tung nhà cửa, huy động hết mọi mối thân quen để vay mượn được chừng 10 triệu, vừa đủ số tiền xe để chuyển các bệnh nhân lên tuyến trên. “Đến thời điểm này, nhà em vẫn chưa đóng tiền cho bệnh viện nhưng em nghe nói mỗi lần truyền, rồi lọc máu hết đến 16 triệu đồng mà một ngày chạy 3 lần, chưa kể thuốc thang đặc trị nữa. Nhà em lấy đâu ra nhiều tiền đến thế”, chị Khánh than thở.
Theo PGS. BS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chi phí điều trị cho các bệnh nhân trong đợt này đã lên tới 1,6 tỷ đồng, bảo hiểm đã chi trả 90%, ngoài ra Trung tâm Chống độc cũng đã phải tạm ứng đến 300 triệu đồng tiền thuốc. Tuy nhiên, nguy cơ tử vong rất cao, do các bệnh nhân nhiễm độc nặng và nhập viện quá muộn.
Cảnh giác nấm không rõ nguồn gốc
Trả lời câu hỏi của phóng viên về loài nấm gây ngộ độc, cũng như các loại nấm bán trên thị trường hiện nay, ông Ngô Xuân Nghiễn, Trưởng phòng Nghiên cứu, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, loại nấm mà các bệnh nhân ăn phải khó phân biệt bằng mắt thường. Do đó, tốt nhất người dân không nên ăn nấm hoang dã, trừ những loại nấm đã biết rõ nguồn gốc, chủng loại và dễ phân biệt như nấm hương.
Về các loại nấm bán ngoài thị trường, ông Ngô Xuân Nghiễn cho hay, với các loại nấm mà Việt Nam sản xuất là thế mạnh như nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò... thì hầu như là hàng trong nước, do người dân hoặc các doanh nghiệp, nông trại trồng, nên lành tính và không có độc tố. Các loại nấm này ít có khả năng nhập khẩu từ nước ngoài, vì bảo quản rất khó và không để lâu được, kể cả trong môi trường lạnh.
Tuy nhiên, với các loại nấm cao cấp như nấm kim châm, nấm ngọc châm, nấm chân dài, nấm đùi gà... hầu hết là nấm đòi hỏi trồng trong môi trường nhiệt độ thấp, các hộ gia đình nhỏ trong nước không trồng được, thì trên thị trường có nhiều loại không có nguồn gốc rõ ràng. Với những loại nấm này, “chuyên gia nấm” Thân Đức Nhã, nguyên Trưởng phòng Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, khuyến cáo người dân nên mua các loại nấm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.