Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ thực phẩm dồi dào tới mất an ninh lương thực

Dù rằng có quá nhiều thực phẩm vẫn đang trong tình trạng hoàn hảo bị vứt bỏ đi như vậy, số người phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực cũng không phải là nhỏ.

Ảnh: Tom Werner/Getty.

Các nhà nhân loại học nghiên cứu một số ít ỏi các xã hội săn bắt và hái lượm còn tồn tại đến ngày nay và các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những di tích thú vị về quá khứ cổ xưa của họ đã dựng lên một bức tranh sống động về các loại lương thực mà các xã hội này tìm kiếm. Người ta cho rằng họ làm việc tương đối nhanh, ước tính thời gian săn bắt và hái lượm trung bình là 17 giờ mỗi tuần trên mỗi thành viên trong nhóm, tương đương với hơn 2,5 giờ mỗi ngày.

Theo mô tả của phóng viên Michael Pollan, chế độ ăn của họ đa phần bao gồm: “Thực phẩm, không quá nhiều, chủ yếu là thực vật” - tức là “thực phẩm thực thụ”, đối lập với “các chất giống thực phẩm có thể ăn được” mà các nhà khoa học thực phẩm pha chế ra.

Những phân tích về xương của người cổ đại thuộc thời kỳ săn bắt và hái lượm cho thấy phần lớn trong số họ đều không mắc các chứng bệnh của thời đại ngày nay, từ béo phì cho đến tiểu đường và các bệnh về tim mạch. Những mô tả về tình trạng sức khỏe của họ hấp dẫn đến mức chúng không khỏi đặt ra câu hỏi: Vì sao người ta lại quyết định an cư và trở thành nông dân? Công việc trồng trọt khổ cực hơn nhiều và theo phân tích trên phần xương còn lại của những người nông dân đầu tiên, những vụ mùa thời kỳ đầu kém dinh dưỡng hơn, bởi vì họ có chiều cao thấp hơn, xương và răng có độ chắc khỏe kém hơn.

Một cách giải thích ở đây là sự chuyển dịch sang trồng trọt xuất phát từ bia. Các loại ngũ cốc dùng để làm bia cũng chính là các loại ngũ cốc đầu tiên được thuần hóa - lúa mỳ, lúa mạch, lúa gạo - nhưng hầu hết nhà khảo cổ học về lương thực đều cho rằng bánh mỳ là thực phẩm đầu tiên do con người tạo ra dựa trên ngũ cốc, cho đến khi nhà thực vật học Jonathan Sauer nêu ra giả thiết rằng sự lên men tự nhiên của đại mạch để trở thành đồ uống có cồn mới là yếu tố thúc đẩy hoạt động trồng ngũ cốc.

Một cuộc tranh luận sôi nổi nổ ra sau đó, nhưng theo những gì được hai học giả Solomon Katz và Fritz Maytag kể lại, việc giải mã một phiến đất sét cổ của Sumeria, một nền văn hóa sùng bái bia đến nỗi họ còn thờ một vị nữ thần nấu bia, có thể mang lại câu trả lời. Trên mặt phiến đất sét này khắc công thức nấu một loại bia được ưa chuộng, trong đó giải thích rằng người Sumer làm bánh mì để dự trữ các thành phần nguyên liệu thô phục vụ việc nấu bia.

Như vậy, có lẽ câu hỏi bia có trước hay bánh mỳ có trước cũng giống với câu hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước. Nhưng bất luận cái gì có trước, không khó để hình dung rằng nấu bia là một sự đền đáp được hoan nghênh cho sự khó nhọc của nghề làm nông.

Cái trái khoáy lớn nhất ở nguồn rác thải thực phẩm khổng lồ của chúng ta nằm ở chỗ, dù rằng có quá nhiều thực phẩm vẫn đang trong tình trạng hoàn hảo bị vứt bỏ đi như vậy, số người phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực cũng không phải là nhỏ. Hãy nhớ, người ta ước tính rằng có khoảng 12% hộ gia đình ở Mỹ chịu cảnh mất an ninh lương thực và đây là số liệu trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ làm gia tăng nhiều tầng áp lực cho nguồn cung lương thực.

Vào tháng 5/2020, tạp chí Forbes đăng tải báo cáo rằng kể từ khi đại dịch nổ ra, con số trên đã tăng ít nhất là gấp đôi, với tỉ lệ gia tăng dao động trong khoảng từ 22% đến 38%. Thực trạng này diễn ra bất chấp một thực tế rằng đang có rất nhiều tổ chức tập trung thu thập các loại thực phẩm bị các nhà hàng, nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm, và cửa hàng thực phẩm vứt bỏ đi để phân phát lại cho những người đang gặp khó khăn.

Lần đầu tiên, công việc mang ý nghĩa rất quan trọng này thu hút được những sự chú ý xứng đáng với nó khi tình trạng thiếu thốn lương thực xảy ra do đại dịch. Tuy nhiên, người ta ước tính rằng chỉ có 5% trong số lượng thực phẩm có thể phân phát cho những người đang cần hỗ trợ là thực sự được phân phát đi.

Một vấn đề chính ở đây là mức độ tham gia của các nhà cung cấp thực phẩm hiện vẫn còn quá thấp. Ví dụ, các chuỗi nhà hàng trên quy mô toàn quốc hiện mới chỉ quyên góp 2% trong tổng lượng thực phẩm mà họ có thể quyên góp được.

Một hướng giải thích ở đây là các nhà hàng e ngại trách nhiệm pháp lý và sợ chịu thiệt hại về mặt hình ảnh thương hiệu nếu như những thực phẩm mà họ quyên góp bị kém phẩm chất và gây bệnh. Thế nhưng Đạo luật Quyên góp Thực Phẩm Người Samari Nhân lành Bill Emerson được thông qua vào năm 1996 có bảo vệ các nhà quyên góp khỏi bất kỳ trách nhiệm nào miễn là những vật phẩm quyên góp được nhìn nhận là “thực phẩm toàn phần hoặc một sản phẩm ở cửa hàng thực phẩm đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn về chất lượng và nhãn dán”.

Như vậy, một lần nữa, cội rễ vấn đề ở đây vẫn là sự nhận thức. Vứt bỏ thực phẩm được coi là giải pháp dễ dàng hơn so với việc phải sắp xếp để phân phát chúng, nhưng phương án dễ làm ấy lại phát sinh một khoản chi phí đáng kể chỉ tính riêng cho việc vứt bỏ chúng. Theo ước tính, ngành công nghiệp thực phẩm ở Mỹ phải chi ra 1,3 tỷ đôla cho các công ty thu gom rác, dù rằng nhiều ngân hàng thực phẩm (Nơi dự trữ các loại thực phẩm, thường là các nhu yếu phẩm và các loại đồ ăn để lâu được và cấp phát miễn phí cho những người cần đến chúng) đang buộc phải mua những loại thực phẩm mà họ phục vụ cho người nghèo.

Ngay cả các hệ thống trường học, vốn đã trở thành một kênh có ý nghĩa then chốt trong việc cung cấp thực phẩm tới hàng triệu trẻ em lẽ ra đã có thể bị đói và vì thế họ chắc chắn phải có sự nhận thức sâu sắc về vấn đề mất an ninh lương thực, cũng vứt bỏ nhiều lượng lớn thực phẩm có thể đem đi quyên góp. Người ta cho hay Chương trình Bữa trưa Học đường Quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ lãng phí một lượng thực phẩm tương đương với 5 triệu đôla mỗi ngày, tổng cộng 1,2 tỉ đôla mỗi năm.

Ron Gonen/NXB Công thương & Thaihabooks.

SÁCH HAY