Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ Thăng Fly tới ‘Thần đồng đất Việt’: Tác giả Việt lơ là bản quyền?

Việt Nam tham gia Công ước Bern về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật từ năm 2004. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn xảy ra liên tục.

Nhiều câu chuyện về vi phạm bản quyền vẫn đang xảy ra, tiếp tục là những tranh cãi không thể có hồi kết. 

Trong đó, không chỉ những người sử dụng tác phẩm thiếu tôn trọng bản quyền, ngay cả các tác giả tác phẩm cũng chưa quyết liệt trong việc bảo vệ quyền của mình.

Bị vi phạm bản quyền, chỉ cần một lời xin lỗi

Cuối tháng 6/2015, chương trình "Quà tặng cuộc sống" phát sóng tác phẩm Ba tôi nói về tình phụ tử xúc động. Câu chuyện, tạo hình nhân vật lời thoại trong chương trình gần như là một với câu chuyện Ba tôi của Thăng Fly.

Ba tôi vốn là tác phẩm được Thăng Fly sáng tác từ năm 2012 để tham gia một cuộc thi vẽ truyện tranh, nhiều tờ báo đã đăng lại tác phẩm xúc động này của anh, sau đó, công ty sách Skybooks đã xuất bản tác phẩm trong cuốn sách Cả nhà thương nhau.

Phát hiện tác phẩm của mình chuyển thể thành hoạt hình mà không có một dòng đề tên tác giả, Thăng Fly khi đó sống ở Nghệ An đã ra Hà Nội, tìm tới công ty sản xuất chương trình “Quà tặng cuộc sống” để mong được đối chất.

Tac gia Viet chua y thuc bao ho quyen tac quyen anh 1
Hình ảnh trong truyện Ba tôi của Thăng Fly. 

Tuy nhiên, đơn vị sản xuất là công ty Cổ phần Truyền thông Sunrise đã không gặp trực tiếp Thăng Fly, đồng thời phát đi thông tin cho rằng họ làm chương trình này dựa trên một truyện ngắn của tác giả có tên Trần Quốc Tuấn ở Phú Thọ.

Phía công ty Sunrise đã cung cấp khá nhiều tài liệu cho báo chí, nhưng từ chối cung cấp địa chỉ liên hệ của ông Trần Quốc Tuấn với lý do “không đủ thẩm quyền”, và cũng không đưa ra được văn bản truyện ngắn được cho là của ông Tuấn.

Thăng Fly có nói cái anh cần ở đây chỉ là một lời xin lỗi từ phía sản xuất chương trình. Giữa lúc tranh cãi không hồi kết, mệt mỏi vì sự lòng vòng rắc rối, lại không sống ở Hà Nội, nên họa sĩ Thăng Fly đã về Nghệ An, không tiếp tục theo đuổi sự việc.

Bạn bè trong giới họa sĩ truyện tranh của Thăng Fly ở Hà Nội cũng nhận định, tác phẩm của ai thì cộng đồng đều biết cả rồi, có cố gắng đấu tranh cũng chỉ mất thời gian, rồi liệu cái mình thu về là gì. Vì thế họ chọn chấm dứt sự việc để tập trung cho sáng tác.

Kiên quyết theo đuổi nhưng phải chờ 12 năm mới ra tòa

Mới đây, ông Lê Phong Linh (họa sĩ Lê Linh) cho biết vụ kiện của ông với bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc công ty Phan Thị) về quyền tác giả bộ truyện Thần đồng đất Việt sẽ đưa ra tòa phân xử vào ngày 28/12. Thông tin trên khiến cộng đồng yêu truyện tranh, giới độc giả cả nước bất ngờ vì vụ kiện cáo qua 12 năm vẫn chưa được giải quyết.

Theo thông tin từ họa sĩ Lê Linh, năm 2001, ông tìm tới công ty Phan Thị để hợp tác thực hiện bộ truyện Thần đồng đất Việt. Tới năm 2005, ông thấy các nhân vật trong bộ truyện được Phan Thị đưa cho một số họa sĩ vẽ lại trong những ấn phẩm khác. Khi xác nhận lại bản quyền, trong hồ sơ đăng ký bản quyền, bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc công ty Phan Thị) cũng là tác giả các nhân vật trong Thần đồng đất Việt.

Họa sĩ Lê Linh gửi đơn kiện công ty Phan Thị năm 2007, yêu cầu công ty Phan Thị công nhận ông là tác giả duy nhất với hình vẽ các nhân vật truyện tranh trong Thần đồng đất Việt. Sự việc chưa được giải quyết thì công ty Phan Thị lại kiện ngược lại họa sĩ Lê Linh vì khai thác hình ảnh Trạng Tí cho bộ truyện Long thánh.

Tac gia Viet chua y thuc bao ho quyen tac quyen anh 2
Trạng Tí - nhân vật mà họa sĩ Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh tranh chấp tác quyền. 

Mới đây, họa sĩ Lê Linh chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, cho biết trong quá trình kiện tụng, vụ việc đã đi qua hai tòa án, thay đổi ba vị thẩm phán, mỗi lần thay đổi lại là một lần làm lại từ đầu các thủ tục tố tụng.

Ngày 28/12 tới đây, phiên tòa về vụ tranh chấp tác quyền với các nhân vật trong Thần đồng đất Việt sẽ được mở ra.

Liên quan đến tác quyền nhân vật trong Thần đồng đất Việt, bộ truyện đã trải qua nhiều nhà xuất bản, hiện nay, NXB Đại học Sư Phạm TP HCM là đơn vị cấp phép cho những tập truyện mới nhất. Ông Thanh Hà - Giám đốc NXB - nói việc kiện cáo về bộ truyện, ông được biết thụ động qua báo chí.

Tuy nhiên, khi liên kết xuất bản, đối tác là công ty Phan Thị đã cam kết bản quyền. “Theo đúng quy định của luật thì họ (phía công ty liên kết) cam kết bản quyền. Nếu xảy ra tranh chấp, đối tượng đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”, ông Thanh Hà nói.

Trong trường hợp có phản ánh phía NXB đã cấp phép cho một tác phẩm đang có tranh chấp tác quyền nhân vật, phía NXB sẽ xem xét nguồn phản ánh đó là ai, câu chuyện như thế nào.

Giám đốc NXB Đại học Sư Phạm TP.HCM nói: “Nếu có phản ánh chưa rõ ràng về tác quyền, thì phải có giấy tờ rõ ràng, giấy tờ của tòa án, cơ quan chức năng đưa đến, chúng tôi mới làm việc. Làm việc phải rõ ràng, không thể bất cứ một ai đó có lời phản ánh là buộc chúng tôi phải xử lý được”.

Ông Thanh Hà cho biết một năm NXB liên kết xuất bản nhiều đầu sách, đều tuân thủ đầy đủ luật xuất bản trong liên kết.

Thủ tục đăng ký quyền tác giả không hề khó khăn. Ông Nguyễn Khánh Dương - Giám đốc công ty Comicola - cho biết, sau sự việc của họa sĩ Thăng Fly, giới sáng tác truyện tranh đều ý thức về bảo hộ tác quyền. Các cuốn sách, nhân vật do đơn vị này phát hành thường được đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Thủ tục đăng ký khá dễ dàng, sẽ thuận tiện hơn khi đăng ký thông qua dịch vụ của một công ty luật chuyên nghiệp.

Nhiều sản phẩm từ sách của công ty truyện tranh này đã khai thác thành công như Bad Luck của Nguyễn Huỳnh Bảo Châu (bán bản quyền phim truyền hình), nhân vật Pikalong (của tác giả Thăng Fly) làm thú nhồi bông, Long thần tướng làm ốp điện thoại, tượng, sản phẩm thời trang... đều có sự thỏa thuận rõ ràng từ phía tác giả và công ty khai thác. 

"Có rất nhiều sách chúng tôi đang phát hành được khai thác thành nhiều sản phẩm, chúng tôi muốn tạo hệ sinh thái cho tác phẩm bên cạnh xuất bản. Vai trò chúng tôi là xuất bản, truyền thông giúp tác phẩm nổi tiếng lên. Chúng tôi coi nhân vật, nội dung là công sức sáng tạo của họa sĩ. Trong lúc trao đổi để khai thác, chúng tôi sẽ thỏa thuận với nhau nhiều điểm, trong đó có cả việc chia lợi nhuận", ông Khánh Dương nói.



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm