Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (hay còn gọi là “siêu ủy ban”) mới đây đã có công văn gửi Bộ GTVT về việc đồng thuận cao với đề xuất để ACV làm chủ đầu tư dự án này. Siêu ủy ban cũng là cơ quan vừa tiếp quản ACV từ Bộ GTVT.
Công văn do bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ký.
Siêu ủy ban cho rằng việc giao ACV đầu tư và khai thác thêm một nhà ga tại Tân Sơn Nhất không chỉ bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay chỉ có một người khai thác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có. Điều này giúp tối ưu và nâng cao hiệu quả dự án và các công trình mà ACV đã đầu tư và đang khai thác.
ACV là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tỷ lệ vốn Nhà nước chi phối gần như tuyệt đối (95,4%). Theo siêu ủy ban, doanh nghiệp này "có năng lực, kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý, khai thác các cảng hàng không".
Phối cảnh nhà ga T3 do ACV đề xuất xây dựng. Ảnh: Hiếu Công. |
Cũng theo siêu ủy ban, giao ACV làm sẽ thực hiện dự án theo đúng quy định khi T3 là công trình có tính chất cấp bách, cần triển khai khẩn trương để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết cơ quan này đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Nguồn tin của Zing.vn tại Bộ lưu ý rằng đây mới chỉ là đề xuất của Bộ GTVT và cần được Thủ tướng xem xét, chấp thuận.
“Trường hợp Thủ tướng không chấp thuận cho ACV đầu tư mà quyết định thu hút nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư thì Bộ GTVT sẽ triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng”, vị này chia sẻ.
Quyết định chọn đơn vị nào xây dựng T3 Tân Sơn Nhất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Ảnh: Lê Quân. |
Song song với việc này, Bộ GTVT cũng đã có công văn trả lời một số nhà đầu tư từng đề xuất tham gia dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tại các công văn, Bộ GTVT khẳng định trên cơ sở pháp lý; phân tích ưu, nhược điểm, thời gian thực hiện của từng phương án; vai trò của người khai thác hiện hữu là ACV và tính đồng bộ trong quản lý khai thác, nên đã quyết định ACV làm nhà đầu tư.
Hiện tại có một số doanh nghiệp tư nhân đang đang xin đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn nhất. Đó là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - IPP; Hãng hàng không Vietjet; và Tập đoàn FLC.
Trong tờ trình được Bộ GTVT gửi Thủ tướng đề xuất chấp thuận cho ACV tổ chức thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 có tổng mức đầu tư 11.430 tỷ đồng này bằng nguồn vốn tự có. Thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi đưa vào khai thác khoảng 43 tháng, tương đương với 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án nhà ga T3 sẽ giúp nâng công suất của Tân Sơn Nhất lên khoảng 50 triệu lượt hành khách và khai thác song song với Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp được xây dựng tại Đồng Nai.