Chiều 24/10, nước Anh đón nhận khoảnh khắc mà nhiều người gọi là lịch sử, khi ông Rishi Sunak được xác định trở thành thủ tướng da màu đầu tiên và nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong 200 năm của Anh.
Ông cũng được chú ý vì là nhà lập pháp giàu nhất nghị viện Anh, với tổng tài sản của vợ chồng ông nhiều hơn gấp đôi tài sản của Vua Charles III và Vương hậu Camila.
Theo giới quan sát, những nền tảng cá nhân đó vừa có khả năng là lợi thế, vừa có thể biến thành bất lợi cho tân thủ tướng.
“Với tính khó đoán cũng như bản chất chưa từng có của chính trị ở Anh vào thời điểm hiện tại, chỉ có thời gian mới trả lời được liệu sự đi lên của ông Sunak từ lý lịch đó có mang lại lợi ích cho Anh hay không”, ông Stephen Clear - giảng viên và chuyên gia về luật và luật hiến pháp của Trường Luật, Đại học Bangor - nhận định với Zing.
Ông Rishi Sunak phát biểu trước văn phòng thủ tướng Anh tại số 10 phố Downing, ngày 25/10. Ảnh: Reuters. |
Giàu có và ít kinh nghiệm chính trị là lợi thế
Cho đến nay, ông Sunak - cựu sinh viên Đại học Oxford và Stanford - chỉ mới trở thành nghị sĩ được 7 năm, và chỉ giữ một chức bộ trưởng trong 2 năm.
Dẫu vậy, ông vẫn được các chuyên gia đánh giá cao.
“Việc đa số nghị sĩ đảng Bảo thủ bầu ông Rishi Sunak sẽ giúp ổn định cả nền kinh tế và tình hình chính trị, vì ông được biết là người có năng lực”, ông Tariq Modood - giáo sư xã hội học, chính trị và chính sách công tại Đại học Bristol - nói với Zing.
Tariq Modood, giáo sư xã hội học, chính trị và chính sách công tại Đại học Bristol. Ảnh: Bristish Academy. |
Đồng quan điểm, ông Stephen Clear thậm chí còn tin rằng “một trong những lợi thế của Rishi Sunak so với hai người tiền nhiệm là việc ông không phải ‘chính trị gia chuyên nghiệp’, và có nhiều kiến thức về ngân hàng và kinh doanh”, đặc biệt là trong thời gian đất nước cần nhất một người có thể vực dậy nền kinh tế.
Theo trang web của chính phủ Anh, trước khi lấn sân sang chính trị, ông Rishi làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính trên phạm vi quốc tế. Ông đồng sáng lập một công ty đầu tư làm việc với các công ty ở nhiều vùng địa lý. Các tổ chức của ông cũng giúp các công ty nhỏ và doanh nhân của Anh phát triển.
“Kinh nghiệm kinh doanh và tài chính cũng như thành công của ông có thể mang đến câu trả lời về các chính sách kinh tế và tài khóa cho những thách thức và khó khăn mà Anh phải đối mặt. Ông ấy sẽ mang kinh nghiệm kinh doanh đến văn phòng thủ tướng”, ông Clear nhận định.
Vị chuyên gia cũng nói rằng nhờ giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong thời gian Covid-19, ông Sunak “cũng có nhận thức sâu sắc về những thách thức xung quanh việc phục hồi kinh tế sau đại dịch”.
Dù non trẻ về kinh nghiệm chính trị, “ông ấy mang đến một kiểu trải nghiệm khác cho văn phòng, điều mà chúng tôi chưa từng thấy ở Anh trong nhiều năm”.
Bên cạnh đó, ông Clear cũng đề cập sự giàu có cá nhân của thủ tướng và vợ ông có thể được coi là một lợi thế khác, vì đó có lẽ là bằng chứng cho thấy ông không theo đuổi chức vị vì lợi ích cá nhân.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lật lại vấn đề rằng nếu khoảng cách giàu nghèo tại Anh tăng lên trong tương lai, hoặc nếu ông Sunak cắt giảm thuế cho người giàu và các doanh nghiệp lớn, sự giàu có của tân thủ tướng sẽ trở thành điểm yếu đẩy mức độ ủng hộ của công chúng đối với ông đi xuống.
Liệu sự giàu có của ông có trở thành “dằm” đối với công chúng Anh trong thời điểm khó khăn hay không còn phụ thuộc vào việc ông có thể giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và lạm phát ở Anh nhanh như thế nào.
“Chúng ta cần chờ xem ông ấy sẽ làm được gì”, ông Clear nói.
Vua Charles III tiếp kiến ông Rishi Sunak tại Điện Buckingham, London, để chính thức bổ nhiệm ông Sunak làm thủ tướng và cho phép thành lập chính phủ mới, ngày 25/10. Ảnh: Reuters. |
Không có “trăng mật”
Ngoài những lợi thế, chuyên gia cũng đánh giá về hàng loạt bất lợi cũng như thách thức mà tân thủ tướng phải vật lộn.
Ông Clear lưu ý dù việc ông Sunak trở thành thủ tướng cho thấy đảng Bảo thủ đang cố thống nhất sau những chia rẽ nhằm chấm dứt bất ổn kinh tế và chính trị, cần lưu ý rằng chỉ hơn một nửa tổng số nghị sĩ đảng Bảo thủ sẵn sàng ủng hộ ông Sunak.
Ngoài ra, việc ông Sunak từng thua bà Truss trong đường đua đến số 10 phố Downing cách đây 6 tuần cũng cho thấy có những sự bất đồng với các chính sách của ông trong nội bộ đảng.
Từ những bất lợi trên, chuyên gia nhận định có hai thách thức chính trị lớn mà ông Sunak sẽ phải đối mặt khi là thủ tướng.
Trong nước, ông Sunak cần cố gắng và khẳng định tính chính danh để tiếp tục điều hành Anh dựa trên thành công từ cuộc bầu cử của ông Johnson vào năm 2019.
“Các đảng đối lập lập luận rằng ông Sunak không có tính chính danh dân chủ (thông qua tổng tuyển cử) và cần phải kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm. Thủ tướng mới sẽ phải tìm cách giải quyết điều này”, ông Clear nói.
Stephen Clear - giảng viên và chuyên gia về luật và luật hiến pháp của Trường Luật thuộc Đại học Bangor. Ảnh: Đại học Bangor. |
Bên ngoài nước Anh, vị chuyên gia lưu ý tân thủ tướng có nhiệm vụ khôi phục danh tiếng quốc tế của đất nước, cho họ thấy sự thống nhất, ổn định trong nước để trấn an và khôi phục lòng tin của các đồng minh (đặc biệt là về hợp tác xuyên biên giới, quan hệ đối tác và các hiệp định thương mại).
Để làm được điều đó, “điều quan trọng bây giờ là thủ tướng phải tìm cách đoàn kết cả cánh tả và cánh hữu của đảng, và sử dụng tất cả tài năng họ có thể cống hiến trong nội các của mình. Việc lựa chọn nội các thậm chí sẽ còn quan trọng hơn bình thường, vì tôi không nghĩ rằng đảng Bảo thủ có thể đứng vững nếu có thêm tranh cãi hoặc bê bối”, ông Clear nhận định.
“Ông Sunak thành công trong thời điểm độ ủng hộ đối với đảng Bảo thủ đang ở mức rất thấp. Ông có lẽ là nhà lãnh đạo mạnh nhất mà đảng Bảo thủ có bây giờ để chống lại sự đi lên của phe đối lập”.
“Với những thách thức bủa vây, tân thủ tướng sẽ gần như không có ‘kỳ trăng mật’. Ông cần phải làm việc cật lực từ ngày đầu tiên”, ông Clear nói.
Giáo sư Modood đồng quan điểm và lưu ý: “Những vấn đề mà Anh hiện đối mặt là rất nghiêm trọng, và không có điều gì đảm bảo rằng đất nước sẽ không chịu thêm đau đớn”.
Tầm nhìn của ông Sunak
Dù chưa chính thức đưa ra chính sách để giải quyết các vấn đề đang tồn đọng tại Anh, với những định hướng mà ông Sunak đã đưa ra trước đó trong cuộc đua với bà Liz Truss, không khó để dự đoán về các quyết định sắp tới của tân thủ tướng.
Ưu tiên trước mắt đối với ông Sunak là đưa ra các quyết sách quan trọng liên quan đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, lạm phát ở Anh. Như một phần của chiến dịch trước đó, ông Sunak đã được chứng minh là đúng về nguy cơ của kế hoạch cắt giảm thuế của bà Truss.
Từ đó, ông Clear dự đoán “chúng ta sẽ thấy chính phủ cung cấp một số gói hỗ trợ được đo lường kỹ càng và sát sườn hơn dành cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt”.
“Bên cạnh đó, chắc chắn chúng ta sẽ thấy các khoản cắt giảm ngân sách trong khu vực công để đạt được mức tiết kiệm chi phí lớn hơn”.
Về tăng trưởng, vị chuyên gia cũng dự đoán ông Sunak sẽ đề ra một chương trình nghị sự “đầy tham vọng” cho các thỏa thuận thương mại quốc tế và tái khởi động nền kinh tế.
Đồng nghiệp chúc mừng ông Sunak hôm 24/10 sau khi ông được xác định trở thành người kế nhiệm bà Liz Truss. Ảnh: Reuters. |
Đối với tương lai của Liên hiệp Vương quốc Anh, ông Clear cho rằng tân thủ tướng cần tích cực gắn kết với chính quyền các vùng lãnh thổ nhằm tránh phạm phải sai lầm của bà Truss.
“Ưu tiên của ông ấy là tôn trọng và nói chuyện với các thủ hiến của Scotland và Wales. Giờ đây, thủ tướng mới phải cố gắng khơi lại các mối quan hệ đã bị tổn thương giữa Westminster và Cardiff, cũng như giữa Westminster và Edinburgh”, ông Clear nói.
Bên cạnh đó, ông Sunak cũng được tin là sẽ tiếp tục tầm nhìn của ông Boris Johnson về những khả năng mà Brexit có thể mang lại cho Anh, như khai thác cơ hội mới thông qua thỏa thuận thương mại quốc tế, theo ông Clear.
Nước Anh sẽ đánh giá công tâm
Một trong những vấn đề nổi cộm và được bàn đến sôi nổi khi ông Sunak tuyên bố chiến thắng chính là sắc tộc của ông. Dù đây được xem là một cột mốc lịch sử minh chứng cho sự thay đổi tiến bộ của đất nước, ông Sunak sẽ được người dân Anh đánh giá một cách bình đẳng dựa trên năng lực, theo các chuyên gia.
“Rishi Sunak trở thành Thủ tướng Anh gốc Ấn đầu tiên là một khoảnh khắc lịch sử. Điều này gần như là không tưởng ngay cả vào khoảng 1-2 thập kỷ trước. Nó cho thấy cơ quan cao nhất ở Anh có thể mở cửa đón người thuộc mọi tín ngưỡng và dân tộc”, ông Sunder Katwala - thuộc tổ chức nghiên cứu British Future chuyên về chủng tộc và bản sắc - nhận định.
Ông Katwala đánh giá đây là sự thay đổi xã hội quan trọng. Khi ông Sunak sinh ra ở Southampton vào năm 1980, không có nghị sĩ châu Á hoặc da đen nào ở Anh. Khi tân thủ tướng tốt nghiệp đại học lần đầu năm 2001, vẫn không có nghị sĩ da đen hoặc người gốc Á nào thuộc đảng Bảo thủ, ông giải thích.
Đồng quan điểm, ông Clear nói: “Thành công của ông Sunak phản ánh sự đa dạng của nước Anh ngày nay. Việc tân thủ tướng trẻ và không phải người da trắng đã tạo ra tiềm năng đưa các thế hệ mới và thành phần dân tộc khác nhau tham gia vào nền chính trị Anh, vì các nhóm xã hội này cảm thấy bản thân được trao quyền và có tiếng nói đại diện hơn”.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định người dân Anh sẽ đánh giá ông Sunak về việc liệu ông có thể kiểm soát được tình trạng hỗn loạn ở Westminster, giải quyết các thách thức tài chính và khôi phục tính toàn vẹn cho chính trị hay không.
Hầu hết người dân Anh hiện nay đều nói rằng dân tộc và đức tin của thủ tướng không thành vấn đề, ông Katwala cho biết.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến do Jubilee thực hiện vào năm nay cho British Future, chỉ 10% người tham gia khảo sát phản hồi tiêu cực nếu họ có thủ tướng là người dân tộc thiểu số. 26% phản hồi tích cực và 58% cho rằng nguồn gốc dân tộc không quan trọng.
“Việc một người không phải da trắng lần đầu tiên được bầu làm thủ tướng Anh là điều đáng chú ý, nhưng đó sẽ không phải lý do chính mà ông ấy được chọn", giáo sư Modood nói. "Xét mức ủng hộ với đảng Bảo thủ thấp như hiện tại, ông Sunak cũng sẽ khó giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.