Ông Rishi Sunak sẽ trở thành thủ tướng thứ ba của Anh chỉ trong vỏn vẹn 7 tuần sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ hôm 24/10.
Trở thành thủ tướng Anh, ông phải đối mặt với nhiệm vụ điều hành một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc trong giai đoạn suy thoái kinh tế, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh khó khăn, theo Reuters.
Cựu Bộ trưởng Tài chính 42 tuổi là một trong những chính trị gia giàu có nhất ở Quốc hội Anh. Ông cũng sẽ trở thành nhà lãnh đạo gốc Ấn đầu tiên của nước Anh và là thủ tướng trẻ nhất của nước này trong hơn 200 năm qua.
Dù đã thất bại trong cuộc đua vào ghế thủ tướng trước đó với bà Liz Truss, ông Sunak đã đề ra một nền tảng chính sách tương đối đầy đủ.
Và dù nhiều vấn đề đã thay đổi kể từ khi những chính sách ấy được đưa ra, phần nào chúng cũng cho thấy cách ông Sunak điều hành nước Anh trong thời gian tới.
Ông Sunak và Ủy ban 1992 sau khi công bố ông là nhà lãnh đạo tiếp theo của đảng Bảo thủ. Ảnh: PA. |
Khủng hoảng kéo dài
Nước Anh rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài kể từ khi bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016.
Sự kiện này đã mở ra một cuộc tranh luận sôi nổi tại Quốc hội Anh về tương lai của nước này, mà cho đến ngày nay vẫn chưa tìm ra lời giải triệt để.
Kinh tế Anh đang phải đối mặt với tác động kép của suy thoái kinh tế và lãi suất tăng. Ngân hàng Trung ương Anh đang cố gắng kiềm chế lạm phát trong khi người tiêu dùng phải đối mặt với chi phí tăng và thu nhập thực tế giảm.
Bên cạnh đó, nước Anh đang phải khôi phục uy tín trên thị trường tài chính quốc tế, sau khi Thủ tướng Liz Truss công bố kế hoạch cắt giảm thuế vào tháng trước, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp.
Theo Reuters, để giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân sách do cuộc khủng hoảng gây ra, thủ tướng tiếp theo có lẽ sẽ phải giám sát việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Theo đó, báo cáo tài chính về việc giải quyết vấn đề này sẽ đến hạn vào ngày 31/10.
Ngoài ra, chính phủ còn phải đối mặt với áp lực hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn vượt qua tình trạng siết chặt tài chính, giá thực phẩm, hệ thống sưởi và nhiên liệu tăng do xung đột ở Ukraine và các yếu tố toàn cầu khác gây ra.
Chính sách kinh tế
Trong tuyên bố đưa ra hôm 23/10, ông Sunak cho rằng nước Anh đang phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc", theo Guardian.
Là Bộ trưởng Tài chính trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2022, ông khiến nước Anh chịu tổng mức thuế lớn nhất kể từ những năm 1950. Ông cũng đặt ra mức chi tiêu công cao hơn, nhưng đồng thời cũng hứa sẽ tăng tính kỷ luật và giảm lãng phí.
Ông Sunak phát biểu tại Nghị viện Anh. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc đua cho chức thủ tướng với bà Truss, ông đã chỉ trích chương trình cắt giảm thuế của đối thủ.
Ông cho biết thay vào đó, ông sẽ chỉ cắt giảm thuế khi lạm phát đã được kiểm soát. Vào thời điểm đó, ông đã vạch ra kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập từ 20% xuống 16% trước năm 2029.
Ông Sunak cũng ủng hộ tính độc lập của Ngân hàng Trung ương Anh và nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách chính phủ khi làm việc cùng với ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát. Những hỗn loạn trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của bà Truss dường như chứng minh ông Sunak đã đúng.
Thách thức chính trị
Một trong những thách thức đầu tiên của ông Sunak là chứng minh ông có thể kiểm soát một đảng Bảo thủ đang bị chia rẽ về các vấn đề như Brexit, nhập cư hay quản lý kinh tế.
Chiến thắng trong cuộc đua trở thành nhà lãnh đạo chỉ là bước đầu tiên trong việc thống nhất đảng Bảo thủ. Ông Sunak ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 nhưng vẫn bị một số người thuộc đảng cực hữu cho là quá thiện cảm với EU.
Vấn đề Nghị định thư Bắc Ireland vẫn đang được Anh đàm phán với EU. Ông Sunak phải chịu áp lực để đạt được một thỏa thuận không nhượng bộ EU trong vấn đề thương mại giữa Anh và Bắc Ireland.
Theo nghị định thư, tất cả hàng hóa và sản phẩm có nguồn gốc động vật từ các vùng lãnh thổ khác của Anh vào Bắc Ireland phải được kiểm tra để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm của EU. Anh cho rằng không thể thực hiện nghị định thư này vì gây ra sự chậm trễ và gián đoạn hàng hóa vận chuyển giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Ông cũng sẽ phải đối mặt với việc thực hiện lời hứa kiểm soát nhập cư - một vấn đề mà nhiều nhà lập pháp đảng Bảo thủ xem là quan trọng để giành lá phiếu của các cử tri.
Giải pháp chính trị
Trong tuyên bố đầu tiên sau khi trở thành nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ, ông Sunak cho biết: “Tôi cam kết sẽ phụng sự các bạn bằng sự chính trực và khiêm tốn. Tôi sẽ làm việc từng ngày để mang lại lợi ích cho người dân Anh”, theo CNN.
Ông Sunak và các thành viên đảng Bảo thủ hôm 24/10. Ảnh: PA. |
Về vấn đề Bắc Ireland, ông Sunak trước đó cho biết ông sẽ thúc đẩy dự luật nhằm đơn phương chống lại thỏa thuận Brexit, trong khi vẫn cố gắng đàm phán với EU. Dự luật đang được đưa ra Quốc hội Anh và bị EU chỉ trích nặng nề.
Về các vấn đề liên quan đến Brexit, hồi tháng 8, ông cam kết sẽ "giữ Brexit an toàn" và thành lập một đơn vị chính phủ mới để xem xét các quy định của EU, vốn vẫn được áp dụng trong luật của Anh.
Trong cuộc đua với bà Truss, ông cho biết ông tự hào xuất thân từ một gia đình nhập cư, nhưng ông tin rằng Anh phải kiểm soát biên giới và sẽ giữ lại kế hoạch cho những người di cư bất hợp pháp tới Anh được tái định cư ở Rwanda.