Tạo hình nhân vật trong "Slow Horses". Ảnh: TV Insider |
Mick Herron hiện được coi là tiểu thuyết gia về điệp viên hay nhất kể từ thời John le Carre. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh khi cách đây không lâu, ông vẫn là một tiểu thuyết gia viết ra tác phẩm không ai đọc.
Trước đây, Herron là một tác giả ít người biết đến, chủ yếu viết để thỏa mãn sở thích cá nhân. Ông xuất bản những cuốn đầu tiên trong loạt truyện bom tấn của mình khi vẫn đang làm một công việc văn phòng nhàm chán. Ông sau đó đã bị nhà xuất bản bỏ rơi vì doanh số bán ra quá thấp.
Và có lý do cho điều đó. Không giống với những tác phẩm trinh thám kinh điển khác, tiểu thuyết của ông viết về những điệp viên không hoàn hảo, đang tuyệt vọng nhưng vẫn hài hước và có tinh thần chính nghĩa.
Trải nghiệm từ đời sống văn phòng
Herron đồng cảm với những nhân vật yếu thế mà ông đã tạo ra. Ông không có ý định tìm kiếm thành công khi viết về những người thất bại. Và phải mất một thời gian dài và những điều bất ngờ xảy đến mới khiến tác phẩm của ông được phát hiện.
Người viết sách thầm lặng Mick Herron. Ảnh: WSJ. |
Khi những cuốn tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản, số lượng người đọc ít ỏi ngang với số lượng bài báo ông viết cho một tạp chí thương mại về luật lao động của Vương quốc Anh. “Về cơ bản, tôi viết về những người gặp khó khăn trong công việc”, Herron, cựu biên tập viên của tạp chí Employment Law Brief, cho biết.
Hồi đó, ông từ Oxford di chuyển đến London (hơn 90 km) hàng ngày để đi làm. Ông dậy sớm, đi làm sớm để có thể về sớm. Khi về nhà vào khoảng 6 giờ tối, ông vẫn đủ sức ngồi viết trong một giờ. Với mục tiêu viết 350 từ mỗi đêm, ông đã cho ra đời năm cuốn tiểu thuyết trinh thám. Nhưng chúng “chưa làm cả thế giới bùng nổ” để ông có thể chuyển nghề viết lách toàn thời gian. Vì vậy, ông vẫn tiếp tục đi làm.
Khi bắt đầu công việc, Herron ngồi trên một tầng chỉ có một vài người. Sau 15 năm, khi ông nghỉ, tầng đó đã có vài trăm người. Điều này đã dạy cho ông một bài học giá trị và giúp làm sống động tiểu thuyết của ông. “Khi tổ chức tôi làm việc càng lớn, họ càng ít quan tâm đến những người làm việc cho mình”, Herron nói.
Đề tài văn học của ông thay đổi sau ngày 7/7/2005 khi London xảy ra vụ đánh bom liều chết. Là người chứng kiến vụ việc, ông muốn viết về các cơ quan an ninh. Trong khi ông không biết nhiều về họ, ông chỉ chắc chắn một điều: Khi một tổ chức càng lớn thì sẽ càng có nhiều điều bất ổn và một số nhân viên được coi là không hiệu quả.
Từ đó, ông bắt đầu viết tiểu thuyết về những điệp viên hạng hai và cảm thấy mình đã đi đúng hướng. Nhưng khi Slow Horses ra mắt vào năm 2010, nhà xuất bản không vui và họ quyết định ngừng xuất bản sách của ông. Herron nói: “Là tôi thì tôi cũng có quyết định như vậy. Tại sao phải xuất bản nữa? Không ai mua cả”.
Nhưng ông vẫn tiếp tục viết. Trong khi không thể thuyết phục nhà xuất bản nào ở Anh chấp nhận ra mắt phần tiếp theo của Slow Horses là Dead Lions, người đại diện của ông đã liên hệ với Soho Press và được chấp nhận.
Không tin vào đột phá
Nhưng vẫn không có sự cải thiện nào về doanh thu khi sách được xuất bản. Vào thời điểm đó, Herron đã quen với việc chẳng có gì xảy ra: "Tôi quen với ý nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ trở thành tác giả ăn khách. Tôi không tìm kiếm điều gì khác ngoài việc nhìn thấy sách của mình ngoài hiệu sách và trên kệ sách của tôi".
Loạt tác phẩm Slow Horses ăn khách. Ảnh: WSJ. |
Nhưng sau khi Soho mua được bản quyền cho Dead Lions, họ đã đề cử ông tham gia giải tiểu thuyết hay nhất năm 2013 của Hiệp hội Nhà văn trinh thám Vương quốc Anh. Ngay cả khi được vào chung kết, Herron vẫn cho rằng tỷ lệ giành giải cao nhất Gold Dagger cũng tương tự như tỷ lệ giành huy chương vàng Olympic.
Ông nghĩ rằng lời mời tham dự buổi lễ đã đủ là điểm nhấn cho sự nghiệp viết lách và vì vậy, ông sửng sốt khi được trao giải lớn nhất. Doanh số bán sách tăng lên, ông dần được biết đến.
Dù vậy, doanh thu vẫn chưa đủ lớn nên ông vẫn tiếp tục làm công việc văn phòng cho đến tháng 1/2017. Vào lúc ông nghỉ việc, một điều khác đã xảy ra. Nancy Pearl, một thủ thư sống cách xa hàng nghìn dặm tại Seattle, Mỹ đã ca ngợi Slow Horses trên Đài phát thanh công cộng Mỹ.
Để đáp ứng nhu cầu đột ngột, Soho đã tái bản 2.000 bản và bán hết trong một ngày. Đến cuối tháng đó, Soho đã bán thêm 20.000 bản nữa, nhiều hơn bảy năm trước cộng lại. Ngày nay, loạt tiểu thuyết này đã bán được hơn một triệu bản tại Mỹ và Herron là tác giả bán chạy nhất của Soho.
Tại Anh, Herron lại đón một tín hiệu bất ngờ khác vào năm 2014 khi một biên tập viên tên là Mark Richards tình cờ đi qua ga Liverpool Street và thấy cuốn sách của ông được bày bán. Richards tự hỏi tại sao lại có cuốn sách bìa mềm của Mỹ này trên kệ sách giữa trung tâm London. Với sự tò mò, ông đã cầm cuốn Slow Horses và bị cuốn hút ngay từ câu đầu tiên.
Richard đã mua sách, đọc sách và yêu thích đến mức phải liên lạc với tác giả, đưa Herron đi ăn trưa và mua bản quyền loạt tiểu thuyết này để xuất bản tại Hachette UK.
Và đó là cách Mick Herron tái gia nhập một nhà xuất bản Anh. Khi ra mắt các tác phẩm, Hachette UK đã tìm cách giới thiệu Herron và mời những người nổi tiếng đến ủng hộ ông. Trong đó có James Daunt, người đứng đầu Waterstones, chuỗi hiệu sách lớn nhất nước Anh. Sau đó, Slow Horses được Waterstones chọn là Tiểu thuyết ly kỳ của tháng vào tháng 8/2017, đúng bảy năm sau khi xuất bản.
Giống như công tắc được khởi động, các tác phẩm của Mick Herron đã bán được ba triệu bản tại Anh. Thêm vào đó, bộ phim Slow Horses trên Apple TV+ đã thu hút thêm độc giả đến với tác phẩm gốc.
“Bài học chính mà tôi rút ra được từ quá trình thành công của mình là nếu bạn chỉ thành công được trong một nửa sự nghiệp, hãy biến nó thành nửa sau. Nếu chỉ thành công nửa đầu cuộc đời, đó là một bi kịch. Nhưng nếu là nửa sau, đó là một kết thúc có hậu”, Herron nói.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.