Sau khi hoãn công bố kết quả làm sạch sông Tô Lịch do việc xả nước hồ Tây cuốn trôi kết quả thử nghiệm, Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt JVE (đơn vị trực tiếp thực hiện quá trình thí điểm) có buổi gặp gỡ báo chí bên hồ Tây để giải thích rõ hơn về nguyên lý làm sạch nước của đơn vị này.
Xây "tòa chung cư" cho vi sinh vật
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE, xác nhận trước khi xả nước, công ty đã được đơn vị thoát nước gọi sang thông báo.
"Khi đó nhân viên kỹ thuật trả lời là việc xả nước không ảnh hưởng gì, nhưng ý nói là không ảnh hưởng gì đến hệ thống máy nano, còn sau đó chuyên gia cao cấp cho kiểm tra lại và xác nhận vi sinh vật bị ảnh hưởng. Máy nano chỉ phá vỡ thành tế bào, sau đó phải có vi sinh vật vào ăn chất bẩn thì bùn mới bị phân hủy", ông Tuấn Anh nói.
Các kỹ sư của JVE lắp đặt thiết bị làm sạch nước trên sông Tô Lịch hồi tháng 5. Ảnh: Việt Hùng. |
Lãnh đạo JVE cho biết với việc xả nước hồ Tây có thể tiếp diễn trong thời gian tới, đơn vị đã có giải pháp công nghệ để kết quả thử nghiệm không bị cuốn trôi, kể cả trong trường hợp lưu lượng xả nước từ hồ Tây nhiều hơn lần trước.
Giải pháp là điều chỉnh lại thiết bị Bioreactor, được hình dung giống như xây một "tòa chung cư" giúp "tránh lũ" cho các vi sinh vật, đảm bảo lưu giữ kết quả thí nghiệm trong thời gian tới.
Trước đó, công ty JVE xin hoãn thời gian công bố kết quả đến 17/9, kéo dài thêm 2 tháng so với dự kiến. Công ty cho biết toàn bộ chi phí thử nghiệm phát sinh sẽ do đối tác Nhật Bản chi trả.
Vì sao không thử nghiệm vào mùa khô?
Ông Tuấn Anh cho biết bên cạnh việc xử lý nước tại sông Tô Lịch, công ty JVE cũng đang thí điểm làm sạch một góc hồ Tây bằng công nghệ tương tự.
Đơn vị đã cho lấy mẫu nước trong và ngoài khu vực xử lý ở hồ Tây để so sánh và khẳng định nước đã qua xử lý sạch tương đương nước sinh hoạt. "Nếu công nghệ của chúng tôi không tốt thì kết quả thử nghiệm ở hồ Tây cũng phải thất bại", lãnh đạo công ty lập luận.
Kết quả so sánh 2 mẫu nước bên trong và ngoài khu vực xử lý ở hồ Tây được trưng bày sáng 18/7. Công ty JVE cho rằng nước sau khi xử lý sạch tương đương với nước sinh hoạt. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trước ảnh hưởng của việc điều hòa thủy lợi đến hoạt động làm sạch sông Tô Lịch, phóng viên đặt câu hỏi vì sao công ty JVE không chọn thời điểm mùa khô để thử nghiệm, trong khi đơn vị đã biết tính chất khác biệt giữa 2 mùa ở Hà Nội.
Trả lời câu hỏi này, đại diện công ty cho biết mọi việc đến là cơ duyên. "Công ty đã lường trước vào mùa mưa sẽ có 280 cống đổ vào sông Tô Lịch. Nhưng lượng nước trải đều ra 280 cống thì không vấn đề gì. Vừa qua chỉ một cửa xả từ hồ Tây đổ vào, lưu lượng hơn 1 triệu m3, gấp 10 lần lượng nước từ 280 cống", ông Tuấn Anh giải thích.
"Thời điểm gặp Thủ tướng xong thì phải làm ngay để chứng minh khả năng, đến giờ thì sự đã rồi", ông Tuấn Anh nói thêm.
Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản được khởi động từ ngày 16/5, do công ty JVE làm theo chỉ đạo của Thủ tướng và UBND TP Hà Nội. Theo lịch trình sau 2 tháng thử nghiệm, JVE phải lấy kết quả báo cáo Thủ tướng và UBND TP Hà Nội.