Câu chuyện vợ chồng nhà báo người Đức dịch Truyện Kiều được dịch giả Trương Hồng Quang kể tại buổi tổng kết chương trình “Đọc lại Truyện Kiều”. Sự kiện diễn ra tối 8/6 với sự tham gia của giới yêu văn học, nghệ thuật Hà Nội. Chương trình được tổ chức để kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020).
Từ Berlin, dịch giả Trương Hồng Quang tham gia chương trình qua Internet. Ông kể câu chuyện về Irene và Franz Faber - cặp vợ chồng chuyển ngữ Truyện Kiều sang tiếng Đức với tên Das Mädchen Kiều (Nàng Kiều).
Truyện Kiều tiếng Đức qua bản dịch của Irene và Franz Faber. Ảnh: Goethoe.de. |
Món quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Franz Faber sinh năm 1916, được hưởng một nền giáo dục nhân văn toàn diện, ngoài tiếng mẹ đẻ (tiếng Đức), ông biết 6 ngoại ngữ (Latin, Pháp, Hy Lạp, Anh, Ả rập, Do Thái). Vợ ông - Irene Faber - là một nhà ngôn ngữ học. Bà thành thạo 5 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga).
Trong vai trò là biên tập viên tiếng Pháp tại tờ báo của Đức Neues Deutschland, Franz Faber đến Việt Nam vào mùa thu năm 1954 theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cùng một số nhà báo quốc tế khác có nhiệm vụ quan sát, đưa tin về trận Điện Biên Phủ. Tuy vậy, mãi đến tháng 10 ông mới có thể đến Việt Nam, khi ấy, chiến dịch kết thúc thắng lợi.
Trong khoảng thời gian ở Hà Nội, Faber bắt gặp một bản tiếng Pháp của Kiều, đó là bản dịch năm 1926 của Rene Craissac. Trước khi rời Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Franz Faber một cuốn Kiều song ngữ Việt - Pháp (xuất bản năm 1951 của học giả Nguyễn Văn Vĩnh). Món quà chia tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một gợi ý tinh tế để Faber chuyển ngữ Truyện Kiều.
Nhà báo Franz Faber và Bác Hồ năm 1954. Ảnh tư liệu. |
Trở về Đức, Faber định dựa trên bản Kiều tiếng Pháp với chú giải của Nguyễn Văn Vĩnh để chuyển ngữ Kiều sang tiếng Đức dưới hình thức văn xuôi. Nhưng vợ ông, Irene đã bác bỏ ý định dịch tác phẩm qua một ngôn ngữ trung gian (tiếng Pháp). Từ góc nhìn của một nhà ngôn ngữ học, Irene muốn dịch từ ngôn ngữ gốc.
Tuy cả hai đều biết 5, 6 ngoại ngữ nhưng họ không biết tiếng Việt, hiểu biết về văn hóa Á - Việt của họ cũng ở sơ đẳng. Họ tạm dừng ý tưởng dịch thuật. Cho đến năm 1956, một giáo viên ngôn ngữ từ Việt Nam đến Đại học Humboldt công tác. Irene bắt đầu học tiếng Việt để dịch Truyện Kiều.
Sau hơn 7 năm miệt mài, Irene và Franz đã chuyển ngữ tác phẩm trên tinh thần tôn trọng sâu sắc với bản gốc. Vợ chồng nhà báo Faber còn biên soạn hàng nghìn chỉ mục về các từ khóa, cụm từ hoặc ẩn dụ, điển tích điển cố của bản gốc.
Năm 1964, bản dịch được nhà xuất bản Rutten & Loening (Berlin) phát hành với tên Das Madchen Kiều.
Vợ chồng nhà báo Irene và Franz Faber. |
Tượng đài trong giao lưu ngôn ngữ Việt - Đức
Không chỉ nói về quá trình vợ chồng nhà báo Irene, Franz Faber dịch Truyện Kiều, dịch giả Trương Hồng Quang còn kể những câu chuyện quanh dịch phẩm.
Theo ông, tác phẩm dịch là sự kết hợp ăn ý của vợ chồng Faber, trong đó Irene đảm nhận phần việc của một nhà khảo cứu kiêm dịch giả, còn Franz Faber đóng vai trò của một nhà thơ.
“Dự án này trở thành một tượng đài quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong giao lưu ngôn ngữ văn học Đức - Việt. Và khi nó trở thành một tác phẩm văn chương bằng ngôn ngữ Đức, tức là một phần của chính lịch sử văn học Đức, bản dịch góp phần vinh danh tác phẩm gốc Truyện Kiều của Nguyễn Du”, dịch giả Trương Hồng Quang nói.
Trong bản dịch tiếng Đức, Johannes Dieckmann - nguyên nhà báo, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Đức - viết: “Với tác phẩm này người đọc Đức sẽ tiếp cận một thế giới văn hoá xa lạ cho đến nay: Mở ra trước mắt chúng ta, ở Das Madchen Kiều, là cả một kho báu của chủ nghĩa nhân đạo và vẻ đẹp cao quý trong nền văn hoá của nhân dân Việt Nam”.
Dịch giả Trương Hồng Quang giao lưu qua mạng với bạn đọc Hà Nội tối 8/6. |
Khi đọc bản tiếng Đức của Kiều, nhà phê bình Johannes Schellenberger viết trên tờ Der Bibliothekar (Thủ thư), số 6, ra vào tháng 6/1965, đánh giá công trình chung của Irene và Franz Faber có chất lượng nghệ thuật rất cao. Nhà phê bình này ví Truyện Kiều với Hermann và Dorothea của Goethe.
Nhà phê bình Schellenberger viết: “Có bao nhiêu âm giai và nhịp điệu, có bao nhiêu hình ảnh thi ca yêu kiều, xác thực và cô đọng, hành động đầy kịch tính [...] có bao nhiêu cảm xúc, ý tưởng và minh triết dân gian đã được kết tinh lại trong những câu thơ cô đọng”.
Sau khi tới Việt Nam lần thứ 2, vợ chồng Faber đi qua 42 nước với tư cách nhà báo, chủ yếu họ sống ở Trung Đông. Dịch giả Trương Hồng Quang nói những cuộc tiếp xúc của vợ chồng nhà báo Faber tại Trung Đông có thể dẫn tới bản dịch Kiều tiếng Ả rập. Bản dịch này do Nizar Abdullah chuyển ngữ, nhà xuất bản Dar Tlass, Damascus phát hành năm 1987, dày 471 trang. Bản này in lại toàn bộ minh họa trong bản tiếng Đức.