Air Force One của tổng thống Mỹ, Ilyushin Il-96-300PU của tổng thống Nga hay chiếc máy bay của Air China chở chủ tịch Trung Quốc đều đã rời Đà Nẵng trong 2 ngày 11 và 12/11. Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng khép lại, đánh dấu hoàn tất cho Năm APEC 2017 do Việt Nam đăng cai với các sự kiện lớn nhỏ từ đầu năm đến nay. Trong một năm nhiều biến động, Tuần lễ Cấp cao APEC đã mang lại một vài "trái ngọt" và nhiều điều để theo dõi, chờ đợi tiếp trong thời gian tới.
Một năm APEC kỳ lạ
Trong ngày bão bùng mở đầu Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói với Hội nghị Tổng kết các Quan chức Cấp cao APEC rằng 2017 là một năm “mang lại nhiều khó khăn và cơ hội cho việc hợp tác của chúng ta”. Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC, ông Alan Bollard khi trao đổi với Zing.vn cũng thừa nhận rằng năm nay là một năm quan trọng đối với sứ mệnh của APEC khi chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy bên trong một số nền kinh tế.
"APEC càng trở nên quan trọng hơn trong một môi trường như thế này. (Không như các hiệp định tự do thương mại) APEC là một cuộc chơi dài hạn", ông nói.
Và Việt Nam chính là nền kinh tế cầm trịch APEC trong một năm đặc biệt như thế này.
Các nhà lãnh đạo tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 trong phiên chụp ảnh chung ngày 11/11. Ảnh: AFP. |
Nhiều cuộc họp trong khuôn khổ APEC đã diễn ra giữa những lời đồn đại về bất đồng giữa các đại biểu. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế đã phải dời cuộc họp báo từ tối ngày 8/11 lên chiều ngày 9 vì các bộ trưởng kéo dài thời gian họp. Phải thêm 3 ngày nữa, tuyên bố chung của hội nghị mới được công bố.
Sau những cuộc họp diễn ra trong một thời điểm nhiều biến động, giữa 21 nền kinh tế với trình độ phát triển, giá trị và lợi ích khác nhau, Hội nghị Lãnh đạo APEC cuối cùng đã thông qua được Tuyên bố Đà Nẵng, văn bản quan trọng nhất của Năm APEC. Trong số 4 ưu tiên do Việt Nam đề xuất cho Năm APEC 2017, 3 ưu tiên đã được đưa vào chương trình hành động trong Tuyên bố Đà Nẵng. Đó là các ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong lần trao đổi với Zing.vn bên lề một cuộc họp của Năm APEC 2017, tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đã đánh giá cao thể hiện của Việt Nam trong lần đăng cai APEC này: “Chúng ta đăng cai APEC trong một năm nhiều biến động và các nước đã ghi nhận sự uyển chuyển, khéo léo của Việt Nam trong việc tổ chức năm APEC 2017”.
2017 là một năm APEC chứng kiến chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy rải rác và những mặt trái của toàn cầu hóa đang đặt ra nhiều thách thức mới. Ảnh: AFP. |
Chuyên gia này cho rằng các ưu tiên Việt Nam đề xuất là phù hợp với giai đoạn hiện này, trong một thời đại khi toàn cầu hóa đã bắt đầu bộc lộ những điểm yếu, những nhóm người bị đẩy ra bên lề của toàn cầu hóa ngày một đông và làm hình thành xu hướng bảo hộ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, công nghệ phát triển chóng mặt và thế giới đứng ở thềm của "Cách mạng 4.0".
TT Trump và bài phát biểu "đòi công bằng"
Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump cũng là phần được mong đợi trong Tuần lễ Cấp cao APEC. Có 2 từ được ông sử dụng nhiều lần trong bài là “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và “cân bằng”, mỗi từ 10 lần. Nhiều nhà báo tác nghiệp ở APEC nói rằng họ không hiểu lắm về khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Tất cả những gì Trump làm là khi nhắc về những điều thần kỳ của châu Á trong vài thập niên qua, ông nhắc về các quốc gia Đông Á, ASEAN và bổ sung Ấn Độ.
Nhưng ở mặt khác, tổng thống Mỹ làm rất rõ về khái niệm “cân bằng” và việc ông muốn gì trong quan hệ thương mại với khu vực mà ông gọi là Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tổng thống luôn cáo buộc các nước đã không tuân thủ khi quan hệ kinh tế với Mỹ.
Tổng thống Trump vừa có bài phát biểu tại Đà Nẵng với nội dung không nhằm hoàn toàn vào Việt Nam mà là mối quan hệ của Mỹ với các nền kinh tế tại châu Á. Ảnh: AFP. |
“Tôi không trách Trung Quốc, tôi trách sự kém hiệu quả của các chính quyền trước cho phép Trung Quốc lợi dụng Mỹ về thương mại dẫn tới cảnh Mỹ mất hàng trăm tỷ USD”, tổng thống Mỹ nói khi nhắc về nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Thực tế, châu Á – Thái Bình Dương là nơi tập trung những quốc gia thặng dư thương mại với Mỹ: Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc… Ngoài câu “không trách” đó ra là hàng loạt lời than phiền về việc các nước đã lợi dụng Mỹ, đã kiếm lời từ thị trường Mỹ nhưng khiến công nhân Mỹ mất việc, các công xưởng Mỹ rời bỏ đất nước.
"Chúng tôi cho phép dòng chảy tự do vào nước chúng tôi nhưng một số nước khác thì lại không. Chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác toàn cầu nhưng đổi lại đã mất đi sự cân bằng thị trường, khi mở cửa thị trường quá đáng", ông nói.
Ông cho rằng sẽ không có thị trường hoàn toàn tự do nếu không có công bằng trong quyền tiếp cận thị trường.
"Đã lâu nay, công việc, nhà máy chạy khỏi nước Mỹ. Và người ta không tin tưởng hệ thống thương mại toàn cầu. Chúng tôi không dung thứ nữa. Chúng ta nói về việc cư xử công bằng với nhau, nhưng việc đó chưa từng xảy ra", tổng thống nói.
Ông Trump kêu gọi các nước làm ăn với Mỹ trên nguyên tắc công bằng, “có qua có lại” và tuân thủ luật pháp: “Tôi sẽ có thỏa thuận song phương với bất cứ nước nào ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng họ phải bảo đảm tuân thủ thương mại công bằng”.
Cũng trong bài phát biểu tại Việt Nam, Tổng thống Trump đã mở rộng quan điểm “nước Mỹ trên hết” của ông bằng việc khuyên cử tọa hãy “đặt đất nước các bạn trên hết”.
“Cuối cùng, chúng ta đừng bao giờ quên rằng thế giới có rất nhiều nơi chốn, rất nhiều giấc mơ, rất nhiều con đường. Nhưng trên thế giới này, không đâu sánh được với gia đình. Vì vậy, vì gia đình, vì đất nước, vì tự do, vì lịch sử, vì vinh hiển của Chúa, hãy bảo vệ nhà bạn, bênh vực nhà bạn, hãy yêu thương nhà bạn, giờ phút này đây và mọi lúc khác”, Tổng thống Trump kết thúc bài phát biểu dài hơn 20 phút tại Việt Nam.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu sau Tổng thống Trump hơn 10 phút và trình bày một quan điểm gần như trái ngược hoàn toàn. Ảnh: AFP. |
Sau đó khoảng 10 phút, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đứng trên cùng sân khấu và trước cùng đám đông cử tọa, nói rằng các nước phải cam kết mở cửa nền kinh tế, nếu không họ sẽ bị bỏ lại phía sau. Trong khi Tổng thống Trump đề cao các thỏa thuận thương mại song phương, Chủ tịch Tập đề cao các cơ chế đa phương và kêu gọi hướng đến một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á - Thái Bình Dương.
Điều trớ trêu thay, theo BBC, là vì Trung Quốc mới chính là nền kinh tế hiện kém cởi mở hơn và chưa tự do hóa hoàn toàn. Trong khi đó, Mỹ chính là “kiến trúc sư” của nhiều cơ chế đa phương. Cũng chính dưới sự bảo hộ và các luật lệ kiểu Mỹ, rất nhiều nước châu Á đã cải cách và mở cửa nền kinh tế. Thế nhưng giờ đây, 2 bài phát biểu cách nhau vài chục phút lại cho thấy người Mỹ đang nhường lại sân khấu cho Trung Quốc.
TPP "chết đi, sống lại"
Trong một bàn họp khác không có mặt cả người Mỹ lẫn Trung Quốc, 11 nước còn lại của TPP đã cố gắng cứu vãn hiệp định này.
Sáng 11/11, ngày cuối cùng của Tuần lễ Cấp cao, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã tươi cười xuất hiện trước báo giới để thông báo 11 nước TPP đã đạt được một thỏa thuận khung cho hiệp định tưởng chừng đã sụp đổ khi Mỹ rút đi. TPP, viết tắt của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, sẽ được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
"Tôi vui mừng được ở đây ngày hôm nay cùng Bộ trưởng Motegi", ông Trần Tuấn Anh nói. Hai bộ trưởng là người đồng chủ trì cuộc đàm phán cấp bộ trưởng về TPP trong tuần qua.
Hai bộ trưởng chủ trì cuộc đàm phán cấp bộ trưởng TPP trong buổi họp báo công bố kết quả. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Nụ cười và cái bắt tay của 2 ông đã kết thúc 36 tiếng "marathon" của các nhà báo để theo đuổi tin tức mới nhất về cuộc đàm phán căng thẳng và có lúc tưởng chừng đã đổ bể này. Ngoại trừ cuộc họp báo của 2 bộ trưởng, tất cả những diễn biến quan trọng của TPP đã diễn ra bên ngoài Trung tâm Báo chí Quốc tế, và phần lớn là tránh xa cả các cuộc họp công khai trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC. Cuộc đàm phán TPP không nằm trong lịch trình chính thức của Tuần lễ Cấp cao APEC, nhưng nhiều phóng viên nước ngoài nói rằng họ chỉ đến đây vì TPP.
“Tôi ở đây vì TPP. Nhưng khi diễn biến quan trọng nhất xảy ra, tôi lại đang ở trong trung tâm báo chí”, Michael Tatarski, một nhà báo tự do đến từ Mỹ, nói với Zing.vn.
Tối 9/11, vài chục phóng viên chờ đợi bên ngoài Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng nhận tin vui khi bộ trưởng tham gia đàm phán của Nhật Bản và Mexico bước ra thừa nhận đã đạt được một thỏa thuận về TPP. Giấc mơ TPP tưởng chừng đã thành hiện thực cho đến khi các nhà báo thức dậy sáng hôm sau và nhìn thấy bản tin về việc bộ trưởng Canada nói rằng việc đàm phán vẫn đang tiếp tục.
Các bộ trưởng TPP đã có những cuộc họp căng thẳng và nhiều lúc kéo dài đến nửa đêm trong tuần trước. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đến chiều 10/11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern "tạt" tiếp gáo nước lạnh bằng việc cho biết có một đoàn có thể rút khỏi cuộc đàm phán hiện tại vì bất đồng các điều khoản.
Đó là Canada, nước vốn thường xuyên cảnh báo sẽ không đặt bút ký vào một thỏa thuận không đủ tốt. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã không đến cuộc họp của các lãnh đạo TPP chiều 10/11 khiến một thoả thuận giữa các lãnh đạo đã không thể đạt được. Trong phút chốc, vị lãnh đạo với nụ cười thường trực và xuất hiện trên mặt báo Việt Nam trong trang phục thể thao để chạy bộ ở Kênh Nhiêu Lộc trở thành người có thể "khai tử" TPP. Người ta không nói về màu tất của Trudeau nữa.
Giữa những tin đồn không dứt, cuộc họp cấp bộ trưởng TPP tiếp tục họp trong khi các nhà lãnh đạo dự tiệc chiêu đãi. Gần nửa đêm ngày 10/11, các nhà báo Nhật Bản vẫn lảng vảng ở các khu resort ở Đà Nẵng, mong tìm kiếm manh mối về cuộc họp quyết định đang diễn ra đâu đó. Nghi ngờ chỉ tạm lắng xuống khi Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne, lại là Canada, đứng ra đính chính là Canada không rút khỏi TPP.
Khi Justin Trudeau đứng trước báo giới tại Đà Nẵng vào chiều 11/11, vài giờ sau cuộc họp báo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Motegi, những câu hỏi về TPP tiếp tục hâm nóng căn phòng họp báo bị tắt máy lạnh. Các nhà báo chất vấn về sự vắng mặt của ông Trudeau, về triển vọng CPTPP… Trudeau, nói bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, liên tục nhắc lại quan điểm chủ đạo của chính phủ Canana rằng họ tìm kiếm một thỏa thuận chuẩn mực cao, có lợi cho mọi người dân và sẽ không vội vã đạt được đồng thuận.
Thủ tướng Trudeau trong buổi họp báo bị bủa vây bởi những câu hỏi về TPP. Ảnh: Tùng Tin. |
“Còn nhiều việc phải làm”, Thủ tướng Trudeau liên tục nói.
Đó cũng là quan điểm mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Motegi đã thể hiện ban sáng: Con đường để CPTPP có hiệu lực và duy trì là một hiệp định chất lượng cao hãy còn dài.
Dù vậy, như nhà báo Daisuke Igarashi của Asahi Shimbun nói với Zing.vn: “Một thỏa thuận gì đó vẫn tốt hơn không có gì. Tôi vẫn không chắc chắn tác động của TPP nếu như không còn Mỹ. Dù vậy, có còn hơn không”.