Vị đại sứ của một quốc gia châu Âu không phải thành viên APEC xuống sân bay Đà Nẵng từ đầu tuần, ông dành trọn một tuần là khách mời của Hội nghị Kinh doanh APEC.
Nói với Zing.vn, vị đại sứ bảo mối quan tâm của ông là Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mang thông điệp gì tới APEC Việt Nam và tương lai của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP sau khi Mỹ rút lui.
Tỷ phú David Cunningham (phải), Chủ tịch FedEx Express và ông Richard Adkerson (trái), CEO của Freeport-McMoran Inc, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh APEC. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đèn xanh cho TPP-11
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, người nhiều năm vận động cho các hợp tác thương mại Việt - Mỹ trông đợi một thông báo quan trọng tích cực mang tính mở đường TPP-11 được đưa ra trong tuần này.
TPP-11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của TPP sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức đã tuyên bố rút lui. Trước đó, nhiều phiên họp kín đã được cấp tập triển khai giữa các nước thành viên còn lại của TPP.
Đừng mặc định về điều tồi tệ nhất như cách chúng ta làm cách đây một năm khi Tổng thống Trump lên cầm quyền.
Ông Robert Moritz, Chủ tịch Pwc
Trong các buổi thảo luận của giới doanh nhân APEC, TPP và sự rút lui của nước Mỹ thường xuyên được nhắc tới như chỉ dấu của chủ nghĩa phản toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ. Thế nhưng, nhiều CEO thì cho rằng đó chỉ là lựa chọn chiến thuật hơn là chiến lược của nước Mỹ.
Ông Robert Moritz, Chủ tịch toàn cầu của Pwc, nói với Zing.vn chiều 9/11: "Việc Mỹ rút khỏi TPP chỉ là cách để nói rằng: Này, hiệp định thương mại này chưa đủ tốt vì thế, hãy đàm phán lại".
"Chúng ta đã nghe nhiều quan chức Mỹ nói về việc cần có các hiệp định thương mại công bằng hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Mỹ chống lại thương mại. Cần nhắc nhở công chúng về điều này", ông nói thêm
Vị chủ tịch của tập đoàn tư vấn uy tín này cho rằng cần tránh việc mặc định về điều tồi tệ nhất như cách chúng ta làm cách đây một năm khi Tổng thống Trump lên cầm quyền. Khi đó chúng ta đã mất lòng tin và hệ quả là việc kinh doanh đình trệ.
Chúng ta muốn TPP -12 nhưng thà có TPP-11 còn hơn là TPP 0.
Bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt
Bà Virginia Foote thì cho rằng cũng không loại trừ khả năng một ngày nước Mỹ sẽ quay trở lại, bởi TPP được thiết kế ngay từ đầu là hiệp định dài hạn, với nguyên tắc mở, có thể kết nạp thêm thành viên.
"Chúng ta mong muốn TPP với 12 thành viên nhưng thà có TPP-11 còn hơn là TPP 0. Ít nhất, các nước thành viên TPP còn lại phải đạt được thỏa thuận, có được hiệp định thì chúng ta mới nói được điều gì tiếp theo", bà Virginia Foote nói với Zing.vn.
Ngay tại Tuần lễ cấp cao APEC, 3 phiên đàm phán đã được các bộ trưởng TPP tổ chức. Trong đó, phiên đàm phán tối 9/11 được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả tích cực cuối cùng, để có thể báo cáo lãnh đạo các nền kinh tế trong phiên họp 10/11.
Cuộc họp kết thúc sau 22h với thông tin của phía Nhật Bản về việc nhất trí các nguyên tắc cơ bản của TPP-11. Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn thời điểm ấy, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ xác nhận việc hoàn thành phiên thảo luận về TPP, nhưng ông nói kết quả chưa thể nói bởi còn một vài cuộc họp nữa. Các nước trở lại phòng họp ngay trước nửa đêm. Tương lai TPP, như Giáo sư Jenik Radon của trường SIPA, Đại học Colombia, nói trước đó "còn mơ hồ".
"Tôi đợi một tuyên bố tích cực cho sự trở lại của TPP", vị đại sứ một nước châu Âu nói với Zing.vn.
Doanh nghiệp chờ thông điệp để đánh giá rủi ro
Trong khi đó, nhiều người khác nói về mối quan tâm liên quan đến thông điệp của Trump và chuyến công du châu Á đầu tiên của vị Tổng thống Mỹ.
Vị lãnh đạo của Pwc, ông Robert Moritz, cho rằng thông điệp của vài ngày, vài tháng tới bạn sẽ được nghe là nhu cầu phải giao thương nhiều hơn, theo cách công bằng hơn. Tuy nhiên, khó để đoán Tổng thống Trump sẽ làm gì.
"Tôi đã nhận ra từ vài tháng trước tốt nhất là không dự đoán. Tuy nhiên tôi hy vọng ông Trump sẽ củng cố thông điệp mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC đã nói 2 ngày qua, về vai trò quan trọng của khu vực này.
Khu vực này đang trở nên có vai trò quan trọng chiến lược, bởi tốc độ tăng trưởng cao và sự gia tăng nhanh của tiêu dùng và lao động", ông nói với Zing.vn.
Tuy nhiên, theo ông Robert Moritz, khu vực này cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nóng buộc như Bắc Triều Tiên.
"Các vấn đề như Syria, Bắc Triều Tiên, Trung Đông quan trọng bởi đó có thể là vấn đề chính sách, vấn đề an ninh quốc gia, mối quan ngại dài hạn về khủng bố. Các doanh nghiệp đang thích ứng với những vấn đề này", vị lãnh đạo Pwc nói.
"Chúng tôi đều hiểu rằng đây là vấn đề khó và phức tạp. Sẽ không có câu trả lời dễ dàng cho các vấn đề này, vì thế, khó kỳ vọng có gì đột biến từ các cuộc gặp trong 24 hay 48 giờ tới".
Trước khi tới Việt Nam dự APEC và thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ảnh: GettyImages. |
Ông thẳng thắn cộng đồng doanh nhân xem các vấn đề như Bắc Triều Tiên là rủi ro và doanh nhân vốn giỏi kiểm soát rủi ro. Họ sẽ phân tích điều gì nên làm và không nên làm, lợi và hại.
Khó kỳ vọng có gì đột biến từ các cuộc gặp trong 24 hay 48 giờ tới.
Robert Moritz - Chủ tịch Toàn cầu Pwc
Trong 2 ngày còn lại của APEC 2017, lãnh đạo các nước lớn trong APEC bên cạnh hoạt động đa phương sẽ có những tiếp xúc song phương. Trong đó, mối quan tâm đổ dồn vào việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau với trọng tâm thảo luận được các bên đưa ra là vấn đề Bắc Triều Tiên, Syria.
"Các tuyên bố sẽ được đưa ra, và giới doanh nghiệp sẽ phân tích lại tính hình, và điều chỉnh hành động tương thích với thông điệp mà họ được nghe. Nếu thông điệp được các lãnh đạo đưa ra là tích cực, cho họ thấy cơ hội, họ sẽ tận dụng nó. Ngược lại, nếu họ vẫn thấy rủi ro, họ sẽ tìm cách để giảm thiểu nó", ông Robert Moritz nói.
Trong khi đó, một số doanh nhân người Mỹ khác thì không kỳ vọng nhiều. "Trump sẽ đến gặp, đưa ra tuyên bố rồi rời đi, việc hành động hay không là chuyện khác. Hành động sẽ phụ thuộc vào lợi ích kinh tế có đủ lớn", vị này nói.
Ông Moritz cho rằng thì cho rằng hãy để các vấn đề chính trị sang một bên. Cộng đồng doanh nghiệp đang và sẽ tiếp tục tập trung vào vấn đề kinh tế, vào việc mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho khu vực, từng doanh nghiệp và người dân.
"Nhìn vào chương trình nghị sự của các doanh nhân APEC, bạn sẽ thấy không có nhiều những cuộc thảo luận về Bắc Triều Tiên, Syria hay Trung Đông. Chúng tôi thảo luận những vấn đề mang tính cốt lõi, là trục quay của nền kinh tế, những điều mà giới doanh nhân có thể kiểm soát, vì phát triển và thịnh vượng của khu vực", ông nói.