Giống với những nơi khác trên thế giới, nhiều người dân Mỹ đang dần trở nên yêu thích văn hóa Hàn Quốc, bao gồm âm nhạc, phim ảnh và cả ẩm thực.
Năm 2020, bộ phim "Ký sinh trùng" của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joonho giành tới 6 giải Oscar. Năm 2021, nhóm nhạc thần tượng BTS và BlackPink làm mưa làm gió trong chuyến lưu diễn tại Mỹ.
Năm 2022, hiện tượng "Squid Game" bùng nổ trên ứng dụng phát sóng trực tuyến Netflix. Ông Ted Sarandos - đồng Giám đốc điều hành của gã khổng lồ phát trực tuyến - cũng đã đến thăm Seoul trong tuần này để thảo luận về kế hoạch cho nhiều nội dung Hàn Quốc trên nền tảng hơn.
Tất cả điều này đủ để hiểu sức lan tỏa của văn hóa Hàn Quốc tại Mỹ lớn đến thế nào.
Văn hóa Hàn Quốc lan rộng khắp thế giới. Ảnh: Zapzee. |
Thu hẹp khoảng cách giữa 2 nền văn hóa
Kể từ khi BTS đứng đầu bảng xếp hạng Billboard vào năm 2020, vốn FDI từ Hàn Quốc vào Mỹ đã tăng lên đáng kể. Dữ liệu từ Cục phân tích kinh tế Mỹ cho thấy FDI từ Hàn Quốc trong năm 2021 đạt mức kỷ lục 72,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và trải rộng trên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tài chính, bán lẻ, bất động sản và kỹ thuật.
Trước đó, từ năm 2016, khi BTS bắt đầu củng cố những bước đột phá đầu tiên ở Mỹ, FDI của Hàn Quốc vào nước này đã tăng vọt hơn 70%.
Theo ông Jeff Lee - đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm NLVC có trụ sở tại Thung lũng Silicon - sự phổ biến của văn hóa Hàn, đặc biệt là sự thành công của Kpop ở Mỹ, đã mang đến "một cơn gió lớn" cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong mọi ngành nghề.
"Họ đã biến những điều không thể thành có thể", ông Lee nói và nhấn mạnh kinh doanh văn hóa là lĩnh vực khó nhất ở thị trường nước ngoài.
Theo ông, các doanh nhân trẻ ở Hàn Quốc biết rất rõ về Mỹ. Họ không chỉ nói tiếng Anh tốt mà còn hiểu cách người Mỹ làm việc nhờ vào mối quan hệ giao thoa văn hóa lâu đời giữa hai quốc gia.
Vì thị trường Mỹ "có tính cạnh tranh cao với nhiều đối thủ lâu đời", các công ty Hàn thay vì chỉ tập trung mỗi giá cả hay kĩ thuật thì đã chú trọng xây dựng cả mối quan hệ với giới đầu tư và cộng đồng địa phương, đồng thời làm quen với bối cảnh kinh doanh của Mỹ. Dĩ nhiên, điều này vẫn không dễ dàng đối với những doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp không có nguồn lực lớn.
"Mặc dù văn hóa Hàn Quốc khơi gợi sự chú ý lúc ban đầu, các cơ hội kinh doanh sau này vẫn được quyết định bởi tiềm năng thị trường và khả năng thu hồi vốn. Do đó, họ vẫn cần cải tiến cả kĩ thuật để đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình", ông Sokjin Chang - Giám đốc chương trình toàn cầu tại Trung tâm Born2Global (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc) - cho biết.
Giúp doanh nghiệp Hàn có chỗ đứng tại Mỹ
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tập đoàn SK của Hàn Quốc đã công bố cam kết đầu tư 22 tỷ USD vào nhiều ngành công nghệ Mỹ, bao gồm chip, năng lượng tái tạo và dược phẩm.
Trong đó, có khoảng 15 tỷ USD sẽ dành riêng cho ngành công nghiệp bán dẫn nhằm mục đích đưa chuỗi cung ứng chip Hàn Quốc vào lãnh thổ Mỹ. Được biết, các ưu đãi theo đạo luật CHIPS và Đạo luật Giảm phát mà Mỹ mới ban hành đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp với lãnh đạo Tập đoàn SK (Hàn Quốc). Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, sự phát triển quan trọng nhất gần đây lại là kế hoạch xây dựng một nhà máy xe điện mới ở Savannah (Georgia) của Hyundai Motor, với quy mô lớn gấp 3 lần nhà máy hiện tại ở Alabama.
Ngoài ra, Hyundai cũng dự tính đầu tư thêm 5,5 tỷ USD để đưa các nhà cung cấp phụ tùng đến thành lập cửa hàng gần đó, tạo thành một chuỗi cung ứng phụ tùng ôtô Hàn Quốc.
Được biết, Georgia cũng là địa phương có quan hệ sâu sắc nhất với quốc gia châu Á này khi đã thành lập một văn phòng thương mại ở Hàn Quốc, và các thống đốc thường xuyên đến thăm để thúc đẩy mối quan hệ.
Đặc biệt, bang Georgia còn đặt ra nhiều điều luật ưu đãi dành cho các công ty Hàn, trong đó có việc hỗ trợ các hộ gia đình trong công ty Hàn Quốc tìm nhà và trường học tại Mỹ nếu họ chuyển đến định cư.
Để tạo điều kiện hòa nhập cho các cư dân mới, nhiều trường học địa phương ở Georgia cũng bổ sung thêm các giáo viên người Hàn và mở lớp tiếng Anh cho học sinh nước ngoài. Trong khi các dịch vụ y tế địa phương thì thuê thêm bác sĩ người Hàn đến khám bệnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.