Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Từ khách sạn đến sân golf Trump - vũng lầy vận động chính trường ở Mỹ

Vận động hành lang nở rộ dưới thời Tổng thống Trump. Các nước và các nhóm lợi ích có cách dễ dàng để tiếp cận vị cựu tỷ phú địa ốc đến từ New York này.

van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 1

Vận động hành lang nở rộ dưới thời Tổng thống Trump. Các nước và các nhóm lợi ích có cách dễ dàng để tiếp cận vị cựu tỷ phú địa ốc đến từ New York này.

Đến quầy bar của Khách sạn Quốc tế Trump, trụ sở Washington D.C., bạn có thể gọi suất rượu Hungary trong thìa pha lê cầu kỳ với giá 140 USD. Cocktail dao động từ 23 USD cho ly Gin Tonic đến 100 USD cho một ly vodka thưởng thức cùng hàu sống và trứng cá. “Tháp hải sản Trump” trị giá 120 USD, hoặc bạn có thể đến nhà hàng BLT Prime để dùng thử món beefsteak ướp muối kiểu Kansas City với giá 59 USD, và có cơ hội được nhìn thấy Tổng thống Donald Trump từ phía xa. Đây là nhà hàng duy nhất trong khu vực nơi ông thưởng thức bữa tối.

Nếu bỗng nhiên cảm thấy muốn mua sắm, bạn có thể ghé thăm cửa hàng âu phục Brioni, nơi bán com-lê may theo phong cách Italy mà ông Trump ưa chuộng, có giá từ vài nghìn USD trở lên. Nếu cảm thấy mệt, bạn và người đồng hành có thể đến tiệm Spa by Ivanka Trump và bỏ ra 460 USD cho 90 phút massage, gần bằng mức giá một đêm tại phòng tiêu chuẩn, nơi các sản phẩm mang thương hiệu Trump bao phủ mọi ngóc ngách, từ dầu gội, kem đánh răng đến rượu trong tủ lạnh.

van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 2

Nhiều người bỏ số tiền lớn cho những món hàng và dịch vụ tại khách sạn Trump không chỉ để tận hưởng sự xa xỉ. Sau tất cả, đây vẫn là trụ sở của Tổng thống Donald Trump. Khách du lịch ngồi la liệt trên những băng ghế sofa phủ nhung xanh đặt dọc hành lang khách sạn, họ tranh thủ chụp lại khoảnh khắc những nhân vật tầm cỡ sải bước trên nền cẩm thạch màu tối, phủ bên trên là thảm màu kem.

Đó là những doanh nhân quốc tế, đặc vụ thuộc đảng Cộng hòa, những nhà tài trợ giàu có, nhân viên ngoại giao của nhiều quốc gia, cựu trợ lý chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump, hay thậm chí là quan chức chính phủ.

“Đương nhiên là chúng tôi thường xuyên đến đó. Mọi người đều thường xuyên đến đó”, một cựu cố vấn thuộc chiến dịch tranh cử của Trump trả lời tạp chí Time. “Hành lang khách sạn Trump là một nơi tuyệt vời để mọi người biết đến bạn”.

Quả thực, không còn gì kinh điển hơn cảnh tượng các nhà vận động hành lang tìm cách tác động đến quá trình đưa ra quyết sách của chính phủ tại sảnh đường khách sạn của đương kim tổng thống.

van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 3

Những sảnh đường rộng lớn của khách sạn sang trọng bậc nhất Washington D.C. là nơi chứng kiến nhiều hoạt động liên quan đến chính trị. Trước lễ tuyên thệ nhậm chức hồi đầu năm 2017, Tổng thống Trump tổ chức một bữa tiệc dành cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa và nhiều nhân vật quyền lực khác tại đây.

Trong số các khách mời, nhiều người không hoạt động chính trị mà chỉ đơn giản là có đủ tiền để tham dự. Ban tổ chức thậm chí còn đưa ra “gói vé VIP” giá 500.000 USD cho những ai có nhu cầu, trong đó gồm một phòng cao cấp 2 tầng, rộng hơn 500 m2, có hướng nhìn ra đại lộ Pennsylvania và ẩn sau một cánh cửa gỗ kín đáo ở khách sạn Trump.

Một số quốc gia đặc biệt ưa chuộng việc sử dụng dịch vụ tại các khách sạn thuộc sở hữu của Tổng thống Trump. Từ đầu tháng 10/2016 đến cuối tháng 3/2017, các nhà vận động hành lang làm việc cho chính phủ Saudi Arabia đã bỏ ra tổng cộng 270.000 USD cho việc thuê phòng, ăn uống và giữ xe tại khách sạn Trump ở Washington D.C., theo tài liệu về hoạt động vận động hành lang được tiết lộ năm ngoái.

Đây cũng là thời điểm Saudi Arabia khởi động chiến dịch vận động hành lang nhằm phản đối dự luật Công lý chống Tài trợ Khủng bố (JASTA) đang được chính phủ Mỹ xem xét, trong đó cho phép công dân Mỹ là nạn nhân khủng bố được đòi chính phủ nước ngoài bồi thường. Nếu dự luật này được thông qua, Saudi Arabia có thể đối mặt với hàng loạt vụ kiện vì đa số phần tử cực đoan tham gia vụ tấn công 11/9 là công dân nước này.

Saudi Arabia cũng là quốc gia đầu tiên ông Trump đến thăm dưới cương vị tổng thống. Trong chuyến công du này, ông công bố một thỏa thuận buôn bán vũ khí, phát biểu về chính sách ngoại giao của Mỹ và tham gia buổi lễ múa gươm truyền thống của Saudi Arabia.

van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 4

Nhiều quốc gia khác, điển hình như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Kuwait, thay phiên nhau thuê phòng hội nghị tại khách sạn của Tổng thống Trump. Tháng 12/2016, các nhà ngoại giao Bahrain tổ chức lễ mừng quốc khánh ở đây. Ngay sau đó, Kuwait cũng di chuyển địa điểm tổ chức một sự kiện từ khách sạn Bốn Mùa đến Khách sạn Quốc tế Trump, dù địa điểm cũ đã được đặt trước.

Bữa tiệc mừng lễ hội Hanukkah truyền thống của Azerbaijan cũng diễn ra tại khách sạn Trump, với khách mời là đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak, người nổi tiếng với nhiều mối quan hệ trong chính phủ. Gần đây nhất, Philippines gia nhập danh sách này với bữa tiệc mừng quốc khánh ngày 12/6, sự kiện quy tụ hơn 300 khách, trong đó gồm nhiều thượng nghị sĩ và thành viên Quốc hội Mỹ. Thời điểm này, Manila đang nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với Washington.

Một nhà vận động hành lang kỳ cựu thuộc đảng Cộng hòa từng nhận xét về khách sạn Trump: “Địa điểm này như một thỏi nam châm thu hút các công ty và chính phủ nước ngoài đến để tỏ lòng thành kính. Cách này không mấy hiệu quả, nhưng đây vẫn được xem là một con đường dẫn đến mục tiêu”.

Đó là vì Tổng thống Trump, người từng cam kết “xóa đầm lầy” tham nhũng, nay lại là ông chủ của “vũng đầm lầy” mới nhất tại Washington D.C, Time nhận định. Theo số liệu từ bản công khai tài chính được Trump công bố năm 2016, ông sở hữu đến 76,6% cổ phần công ty chịu trách nhiệm điều hành Khách sạn Quốc tế Trump, doanh nghiệp hiện do con trai ông là Donald Jr. đứng đầu.

Việc chính phủ các quốc gia không ngần ngại đổ tiền vào khách sạn Trump làm dấy lên làn sóng tranh cãi về một quy định được nêu trong Hiến pháp Mỹ, theo đó, tổng thống không được nhận tiền từ bất kỳ nguồn ngoại quốc nào. Tuy Trump nhiều lần khẳng định ông đã hoàn toàn từ bỏ công việc kinh doanh của gia đình và nhượng lại ghế giám đốc điều hành cho các con trai, tổng thống vẫn thu lợi từ những thương vụ này vì ông vẫn là chủ sở hữu của các tập đoàn.

van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 5

Đầu năm 2017, Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với 7 nước Hồi giáo gồm Syria, Iran, Iraq, Yemen, Sudan, Somalia và Libya. Tất cả những quốc gia này đều có điểm chung: Không phục vụ lợi ích kinh doanh của tổng thống. Trump nêu lý do ban hành lệnh cấm nhằm chống khủng bố đạo Hồi. Tuy nhiên, ông lại không liệt một số quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo, như Saudi Arabia, Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ, vào danh sách cấm vận.

Theo lý giải của Washington Post, tập đoàn Trump đã liên doanh với nhiều công ty của Saudi Arabia nhằm thực hiện các dự án xây dựng khách sạn tại đây, cho thấy dự định mở rộng kinh doanh ở đất nước có diện tích lớn nhất Trung Đông. Tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, công ty của ông Trump đang thi công 2 khu nghỉ dưỡng cao cấp và hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp địa phương.

Lệnh cấm vận cũng không nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang đối mặt với làn sóng tấn công khủng bố. Trong khi đó, tập đoàn của tổng thống được cấp phép khai thác hai tòa tháp sang trọng ở Istanbul. Một công ty Thổ Nhĩ kỳ cũng chịu trách nhiệm sản xuất đồ nội thất mang thương hiệu Trump, ước tính đem lại lợi nhuận 6 triệu USD trong năm 2015.

“Tổng thống nên giao toàn bộ tài sản cho một quỹ ủy thác chịu trách nhiệm quản lý, nếu không, mọi quyết định của ông đều bị đặt câu hỏi rằng chúng có được đưa ra nhằm phục vụ lợi ích của người Mỹ hay không”, ông Jordan Libowitz, phát ngôn viên tổ chức Công dân vì Nghĩa vụ và Đạo đức, nói.

“Nói thẳng ra thì chúng tôi không biết động lực dẫn đến những quyết định của Tổng thống Trump là gì”, ông Kamal Essaheb, giám đốc chính sách của Trung tâm Luật Nhập cư Quốc gia Mỹ, cho biết. “Từ chiến dịch tranh cử và những hành động của ông ấy sau khi nhậm chức, chúng tôi cho rằng dường như suy nghĩ đầu tiên và quan trọng nhất của tổng thống đó là lợi ích cá nhân, Trump có sự ám ảnh nhất định đối với thương hiệu kinh doanh do ông làm chủ”.

van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 6
Thành viên câu lạc bộ golf của Tổng thống Trump gồm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, nhà vận động hành lang và những người muốn tác động đến việc hoạch định chính sách tại Mỹ.

Và điều này là tin vui đối với những nhân vật muốn tác động đến các quyết sách của Mỹ. Theo điều tra của USA Today, nhiều người sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để có được thẻ thành viên câu lạc bộ golf của ông Trump, “tấm vé” giúp họ tiếp cận và gây ảnh hưởng đến tổng thống.

Danh sách hội viên bao gồm giám đốc điều hành một số công ty cung cấp công nghệ an ninh và quốc phòng cho chính phủ, một nhà vận động hành lang của Hàn Quốc, một luật sư đã giúp Saudi Arabia chống lại dự luật JASTA, và một lãnh đạo nhóm các công ty sản xuất thuốc trừ sâu, tổ chức đã thuyết phục được chính quyền Trump không ban hành lệnh cấm đối với một loại thuốc bị cho là ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo ước tính, họ phải bỏ ra ít nhất 100.000 USD để gia nhập câu lạc bộ golf của tổng thống và phải đóng phí hội viên lên đến hàng nghìn USD mỗi năm.

Mặc cho làn sóng phản đối, thẻ hội viên của những nhân vật này hoàn toàn hợp pháp. Họ cũng khẳng định không thảo luận về các vấn đề kinh doanh và chính trị khi đến đây để chơi golf. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tranh cãi về việc tổng thống có hay không quyền được thu lợi từ các nhà vận động hành lang và những người mong muốn can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách hoặc trúng thầu các dự án của chính phủ.

Theo USA Today, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, người sở hữu nhiều tài sản và dành sự quan tâm nhất định đến các hoạt động của chính phủ có cơ hội tiếp cận gần gũi và kín đáo với tổng thống thông qua việc làm giàu cho ông.

Một nhà vận động hành lang cho các sân bay Mỹ và Canada nhắc đến tấm thẻ hội viên với Tổng thống Trump trong một cuộc họp hồi tháng 2/2017 tại Nhà Trắng. “Tôi là một thành viên trong câu lạc bộ golf của ông”, Kevin Burke nói. “Rất tốt, rất tốt”, Trump đáp với một nụ cười.

van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 7

Ông Joey Allahem, chủ một nhà hàng lâu đời tại New York, đến thăm giáo đường Do Thái Park East ở khu Manhattan hồi cuối năm ngoái với lời mời từ chính phủ Qatar dành cho luật sư Alan Dershowitz: Hãy đến thăm thủ đô Doha.

Dershowitz khẳng định ông chưa bao giờ gặp Allaham và ngay lập tức từ chối lời đề nghị. Giáo sư này không hề hay biết ông là một trong số 250 người được xác định thuộc “vòng tròn thân cận” của Tổng thống Trump. Danh sách này được đưa ra sau khi Qatar quyết định thay đổi cách thức vận động hành lang, hướng đến việc khôi phục quan hệ tốt đẹp với Mỹ sau khi bị các nước láng giềng thuộc vịnh Ba Tư cô lập.

Kế hoạch vận động hành lang “bất thường” nhắm đến vị tổng thống “bất thường” khởi đầu với việc giành thiện cảm từ những người có khả năng ảnh hưởng đến ông Trump, sau đó dần tìm cách tiếp cận người đứng đầu nước Mỹ, ông Allahem nói. “Chúng tôi muốn xây dựng một chiến dịch có thể đi vào tâm tưởng ông ấy (Tổng thống Trump) càng nhiều càng tốt”, Allahem khẳng định.

Trump có xu hướng dựa vào lời khuyên của bạn bè và những người thân cận trong việc đưa ra các quyết sách. Trong 19 tháng qua, nhiều nhóm lợi ích phải định hướng lại phương thức vận động hành lang, áp dụng một số cách tiếp cận mới như đăng quảng cáo trên những chương trình truyền hình mà Tổng thống Trump theo dõi và thiết lập quan hệ với những người trò chuyện với ông.

van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 8van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 9

Năm 2017, Qatar bỏ 16,3 triệu USD cho các chiến dịch vận động hành lang tại Mỹ, Wall Street Journal dẫn số liệu từ các cơ quan ngoại giao của Qatar. Đồng thời, quốc gia này cũng lên danh sách 250 người có khả năng ảnh hưởng đến tổng thống Mỹ, ví dụ như luật sư Dershowitz.

Nhà vận động hành lang Allaham cùng cộng sự, ông Nick Muzin, là những người trực tiếp xây dựng danh sách và tiếp cận các đối tượng thuộc “vòng tròn thân cận” của Tổng thống Trump. Hơn 20 người được bao trọn chi phí ăn ở, một số nhân vật thậm chí còn được trả tiền để đến thủ đô Doha của Qatar. Trong số đó có cựu thống đốc bang Arkansas Mike Huckabee và người dẫn chương trình radio John Batchelor. Hai nhà vận động hành lang cũng sắp xếp nhiều cuộc gặp gỡ giữa các quan chức Qatar và người có liên hệ với Tổng thống Trump tại Mỹ.

Theo Wall Street Journal, nhiều dấu hiệu cho thấy chiến dịch của Qatar bước đầu đã thành công. Tháng 4 này, Tổng thống Trump mời quốc vương Qatar, ông Sheikh Tamim Bin Hamad al-Thani, đến Nhà Trắng. Trong cuộc gặp gỡ này, tổng thống Mỹ thể hiện nhiều cử chỉ thân mật như vỗ nhẹ lên chân quốc vương Qatar trong lúc trò chuyện và gọi ông là “đối tác giá trị và người bạn lâu năm”.

“Ngôn ngữ hình thể và lời nói của Tổng thống Trump trong cuộc gặp trên cho thấy nỗ lực tiếp cận của Qatar đã thành công”, ông Kristian Coates Ulrichsen, chuyên gia về Trung Đông thuộc Đại học Rice, cho biết. Theo ông Ulrichsen, việc “làm thân” với những người thuộc vòng tròn thân cận của Trump là một “bước đi thông minh rõ ràng mang lại kết quả tốt đẹp”.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump nổi tiếng là một người khó lường, việc xây dựng quan hệ cá nhân với ông không đảm bảo bất kỳ điều gì. Người hiểu điều này hơn ai hết có lẽ là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. 

Trong số các lãnh đạo trên thế giới, Thủ tướng Abe dường như là người có mối quan hệ thân mật nhất với Tổng thống Trump. Hai lãnh đạo đã gặp nhau 8 lần và nói chuyện 26 lần qua điện thoại. Một số trợ lý Nhà Trắng cho biết hai ông thường đùa với nhau về việc chơi golf.

Ông Trump xem Abe là một nhà đàm phán khôn khéo và người đồng cấp xứng đáng, không giống nhiều lãnh đạo từng bị ông chế nhạo. Tổng thống từng khẳng định ông Abe "là một người bạn tốt". "Tôi chưa bao giờ nghe ông ấy nói xấu Thủ tướng Abe", một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

Washington Post nhận định Thủ tướng Abe là người "đầu tư nhiều nhất" vào việc xây dựng quan hệ cá nhân với Tổng thống Trump, công khai ca ngợi "sự lãnh đạo xuất sắc" và "xuất chúng" của tổng thống Mỹ, không tiếc tiền tặng ông một cây gậy đánh golf mạ vàng trị giá 3.800 USD.

Tuy nhiên, ông Abe không nhận lại nhiều từ những nỗ lực của mình. “Thủ tướng Abe hy vọng quan hệ cá nhân của mình với Tổng thống Trump có thể thúc đẩy quan hệ Mỹ - Nhật phát triển mạnh mẽ. Nhưng ông trong lĩnh vực kinh tế và an ninh, ông đối mặt với nhiều trở ngại”, bà Shihoko Goto, chuyên gia Nhật Bản tại Trung tâm Wilson, trụ sở tại Washington, cho biết.

Nhật Bản là đồng minh lớn duy nhất của Mỹ không được tạm miễn thuế nhôm, thép. Giờ đây, quốc gia này đối mặt viễn cảnh bị áp đặt thêm thuế nhập khẩu lên mặt hàng ôtô. Đối với đất nước có nền công nghiệp sản xuất ôtô phát trển mạnh mẽ, động thái này gần như là một sự khơi mào chiến tranh thương mại.

Trong các cuộc điện đàm trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6, Abe liên tục khuyên Trump không nên ngừng tập trận quân sự với Hàn Quốc hoặc thỏa thuận chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng thực hiện các bước phi hạt nhân hóa cụ thể.

"Ông Abe hoàn toàn bị phớt lờ", một nguồn tin thân cận với thủ tướng Nhật cho biết.

van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 10van dong hanh lang duoi thoi Trump anh 11

Suốt 19 tháng qua, nhiều nhà vận động hành lang đổ xô về khách sạn Trump, xếp hàng chờ được sở hữu thẻ thành viên câu lạc bộ golf của Trump, tìm mọi cách để tiếp cận người có ảnh hưởng đến Trump, đăng quảng cáo trên những chương trình truyền hình Trump theo dõi,... họ làm việc đến 16 tiếng một ngày.

Các doanh nghiệp, nhóm lợi ích và nhiều quốc gia mong muốn gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ bỏ đến 3,34 tỷ USD để vận động hành lang trong năm 2017, con số cao nhất trong 7 năm qua và có xu hướng tăng đột biến trong năm 2018.

Trong khi nhiều người thành công nhờ đoán được tâm lý của tổng thống Mỹ, một số nếm "trái đắng" khi đánh giá thấp sự khó lường của ông.

Tang lễ John McCain - Lời cảnh tỉnh về một nước Mỹ chia rẽ vì Trump

Những bài phát biểu tại buổi lễ tưởng nhớ cố Thượng nghị sĩ John McCain vừa qua kêu gọi một nước Mỹ đoàn kết trở lại, vượt lên trên những chia rẽ và đối đầu đảng phái nghiêm trọng.

Tổng thống Trump không còn kiểm soát được số phận pháp lý của mình

Tổng thống Donald Trump có thể đã không còn kiểm soát được số phận của ông nữa, và chính điều này lý giải cho những cơn giận liên tục bùng phát trong các dòng "tweet" của ông.

Chi Mai

Đồ họa: Phượng Nguyễn
Ảnh: AFP, Getty, Reuters

Bạn có thể quan tâm