Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ 'hội heo quê' đến kinh doanh thực phẩm sạch

Từ tâm lý sợ thực phẩm bẩn, một số người không ngại vượt hàng nghìn cây số tìm heo sạch, hay ra tận đảo xa đặt hải sản tươi. Sau đó, họ kinh doanh luôn chính mặt hàng này.

 Hội "heo quê”

Là người đi đầu trong việc chọn mua thịt heo nuôi ở quê làm thực phẩm cho gia đình, sau gần 2 năm, bà Lâm Ngọc Hương (đường Lý Chính Thắng, quận 3)  đã lập được hội "heo quê” với hàng chục chị em.

Bà Hương cho biết, bị ám ảnh bởi những vụ sử dụng chất tạo nạc, kích thích trong nuôi heo ngày càng nhiều, cuối năm 2013, bà đi hơn 2.000 km trở về quê nhà (tỉnh Lào Cai) tìm mua heo nuôi địa phương. 

"Mở đầu 'chiến dịch heo quê', tôi đi tìm hiểu loại heo này kỹ càng. Tôi xem chuồng trại họ nuôi thủ công vài ba con, thức ăn chủ yếu rau, cám nên con lớn nhất chỉ 30-40 kg. Thấy hài lòng, sau chuyến đi, tôi nhờ người nhà đến lò mổ đặt mua ngay”, bà Hương nói.

Khách hàng chọn mua hải sản tại cửa hàng hải sản tươi Phan Thiếtcủa anh Thái..
Khách hàng chọn mua hải sản tại cửa hàng ở Phan Thiết.  Ảnh: Nguyễn Trí.

Theo bà Hương, những ngày đầu, hơn 10 kg thịt gửi máy bay vào đến TP HCM có giá cao gần gấp đôi heo chợ, với trung bình 140.000-170.000 đồng/kg, và phải dùng thịt đông lạnh ăn dần. Nhưng bù lại, heo nuôi thủ công nên thịt thơm, ngon và an toàn cho sức khỏe. Thấy “đáng đồng tiền bát gạo”, bà Hương tiếp tục gắn bó cho tới nay.

Sau khi câu chuyện heo quê của bà Hương được chia sẻ, ngày càng nhiều chị, em nhờ bà đặt mua thịt giúp. “Từ việc lấy mỗi tháng khoảng 15 kg thịt cho riêng mình, đến nay đều đặn 10-15 ngày tôi phải lấy 40-50 kg thịt mới đủ chia cho nhiều gia đình khác. Nhiều đợt mưa bão hay hụt hàng thịt heo không vào được là hội 'heo quê' tức tốc tìm mối quê khác, nhất quyết không ăn thịt chợ", bà Hương nói. 

Trong khi đó, cả năm qua, anh Bùi Văn Minh (quận Gò Vấp) đã quen với việc vài ngày một lần, cứ sáng sớm anh ra bến xe Miền Đông nhận 15-20 kg hải sản từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gửi vào. Theo anh Minh, hải sản vừa đánh bắt lên là được người nhà mua, đóng thùng xốp chuyển vào TP HCM.

Theo anh Minh, mỗi lần chuyển hàng phải qua nhiều nhà xe với hàng chục tiếng đồng hồ mới vào tới TP HCM; do vậy phí vận chuyển tốn đến vài trăm nghìn đồng một lần gửi. Tính ra giá hải sản cao hơn khá nhiều nếu mua ở chợ. Song hải sản không lo tẩm ướp hóa chất, urê.

Nhu cầu thực phẩm sạch tăng

Từ việc gom mua sản phẩm sạch để phục vụ bữa ăn gia đình, anh Nguyễn Đức Thái (quận 7, TP HCM) đã phát triển thành đầu mối, chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho nhiều khách hàng.

Từ việc cả ngày chạy xe chỉ để đi giao vài kg hải sản cho khách, đến nay, sau hai năm kinh doanh, anh mở hai cửa hàng với thương hiệu Vườn quê.

Theo anh Thái, không chỉ hải sản mà nhiều loại thực phẩm như rau, thịt heo quê anh cũng bày bán thêm. “Hiện hai cửa hàng của tôi tiêu thụ trung bình mỗi ngày 100-120 kg cá. Dịp cuối tuần lượng bán ra tăng gấp đôi. Thịt heo cũng bán khoảng 50-60 kg một tuần”, anh Thái nói.

 Hiện giá thịt heo nuôi được anh Thái bán 120.000-130.000 đồng/kg, heo rừng lai 200.000-230.000 đồng/kg. Theo ông chủ cửa hàng, dù giá đắt hơn so với thị trường chung nhưng khách đặt mua vẫn đông, do heo nuôi an toàn. Nguồn cung ít nên vài ba ngày anh mới bán thịt một lần.

Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch tăng mạnh cũng khiến những chuyến hàng hải sản từ đảo xa về đất liền ngày càng nhiều.

Anh Nguyễn Ngọc Hiệp (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), người có gần 20 năm “chuyển phát nhanh” hải sản từ đảo về thành phố, đang ăn nên làm với mô hình này. Hiện anh có gần 150 khách hàng thường xuyên ở Hà Nội và TP HCM. Đều đặn mỗi ngày, hơn 350 kg hải sản từ cửa hàng anh tỏa đi 5 địa điểm đường dài, trong đó Hà Nội và TP HCM hơn 200 kg.

Ngoài ra, anh còn cung cấp hải sản cho hàng trăm quán nhậu ở TP Quảng Ngãi. “Cứ 4h sáng là tôi mua hải sản còn sống ngay tại biển và đóng thùng xốp cho đá vào, đưa lên tàu tốc hành chuyển về đất liền bán”, anh Hiệp nói. 

Cũng theo anh này, hiện do Lý Sơn có cả trăm mối lái buôn bán hải sản vào đất liền nên giá cũng rất cạnh tranh. Mỗi kg khi chuyển cho khách anh Hiệp cộng thêm 15.000 đồng chi phí vận chuyển và kiếm lời từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg tùy thời điểm.

Rau nhái bờ bụi miền Tây đi chuyên cơ ra Hà Nội

Cúc tây mọc hoang ở ĐBSCL, quế đất Tây Ninh, càng cua Đà Nẵng... các loại rau dại được đi chuyên cơ về Hà Nội. Nhưng, không phải ai cứ muốn ăn là có, và giá không rẻ chút nào.


 

Nguyễn Trí

Bạn có thể quan tâm