Hôm 25/11, nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê tuyên bố dự án thử nghiệm của ông đã tạo ra cặp song sinh có ADN kháng nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới. Việc điều chỉnh gen được thực hiện trên phôi thai trong quá trình thụ tinh nhân tạo cho các cặp đôi tình nguyện mà người chồng có H.
Ông Hạ nói kết quả thử nghiệm là đột phá trong nghiên cứu y học. Tuy nhiên, tuyên bố của ông vấp phải vô số chỉ trích từ cộng đồng khoa học trong và ngoài Trung Quốc. Những đồng nghiệp của ông không chỉ hoài nghi về tính xác thực của lời tuyên bố mà còn lên án nghiên cứu vi phạm các chuẩn mực đạo đức khoa học.
Trung Quốc đang nuôi tham vọng chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu gen và nhân bản vô tính. Các nhà nghiên cứu tại nước này sẵn sàng tiếp cận những vấn đề nhạy cảm mà đồng nghiệp ở nhiều nước còn chần chừ không chạm đến.
Nhà khoa học Hạ Kiến Khuê tuyên bố đã tạo ra cặp song sinh được điều chỉnh gen đầu tiên trên thế giới, khiến cộng đồng khoa học Trung Quốc và quốc tế dậy sóng. Ảnh: Reuters. |
Cơ quan quản lý "không nanh, không cắn"
Việc thả lỏng quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức đối với nghiên cứu y sinh ở Trung Quốc đã dẫn đến những dự án thí nghiệm tưởng chừng chỉ có trong phim viễn tưởng.
Vào năm 2015, giới khoa học Trung Quốc là những người đầu tiên trên thế giới thử nghiệm điều chỉnh gen trên phôi thai người. Một báo cáo trên tạp chí khoa học Nature của Anh năm 2017 tiết lộ không phải mọi thí nghiệm đều cho kết quả khả quan.
Đầu năm 2018, các nhà khoa học Trung Quốc lại tiết lộ họ đã nhân bản vô tính thành công khỉ, sử dụng cùng phương pháp từng được dùng để tạo ra cừu vô tính Dolly gần 2 thập niên trước.
Các thử nghiệm này có thể thúc đẩy nghiên cứu về gen đối với nhiều căn bệnh của người. Tuy nhiên, những dự án táo bạo ở Trung Quốc còn làm dấy lên vô số tranh cãi về chuẩn mực đạo đức khoa học, đặc biệt về viễn cảnh các nhà nghiên cứu tiến gần đến nhân bản vô tính người.
Bác sĩ phẫu thuật người Italy Sergio Canavero năm 2017 "gây bão" trong cộng đồng khoa học lẫn truyền thông quốc tế khi tuyên bố đã thực hiện thành công thí nghiệm ghép đầu người trên tử thi. Dự án được tiến hành trong một bệnh viện tại Trung Quốc, theo Global Times. Nhiều học giả cho rằng ông Canavero đã phóng đại kết quả thí nghiệm của mình.
Trở lại với thí nghiệm gây tranh cãi của ông Hạ Kiến Khuê, thí nghiệm này sử dụng công nghệ CRISPR để điều chỉnh gen trên phôi thai người. Công cụ này chưa từng được dùng cho thí nghiệm trên người ở Mỹ, nhưng đã được các bác sĩ Trung Quốc dùng để chữa bệnh ung thư.
Ông Khâu Nhân Tông, cựu phó chủ tịch Ủy ban Đạo đức Bộ Y tế Trung Quốc, cáo buộc ông Hạ đã "gian lận" báo cáo đạo đức khoa học cho thí nghiệm của mình bằng cách liên hệ một bệnh viện khác thay vì nơi làm việc là Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.
Ông Khâu cho rằng nghiên cứu của ông Hạ đã hủy hoại uy tín của toàn giới khoa học Trung Quốc. Học giả gạo cội của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cảnh báo thực trạng các nhà khoa học nước này đang được pháp luật thả lỏng và chỉ chịu sự quản lý nhẹ tay từ cơ quan chủ quản.
"Người ta gọi bộ y tế là cơ quan không có nanh, không biết cắn. Chúng tôi đang tìm cách thêm nanh cho giới lãnh đạo bộ, để họ có thể trừng trị những ai vi phạm quy định pháp luật", ông Khâu Nhân Tông phát biểu tại hội thảo điều chỉnh gen ở Hong Kong tuần này.
"Chính quyền Trung Quốc thường chú trọng bảo vệ các nhà khoa học. Nếu bạn mắc phải một sai lầm nhỏ, bạn sẽ được bỏ qua. Tôi cho rằng những người vi phạm cần bị trừng trị thích đáng", ông nhấn mạnh.
Ông Khâu Nhân Tông, cựu phó chủ tịch Ủy ban Đạo đức của Bộ Y tế Trung Quốc, tại hội thảo quốc tế về điều chỉnh gen người ở Hong Kong. Ảnh: HK Daily. |
Thí nghiệm "điên rồ"
Cộng đồng khoa học đang chờ ông Hạ công bố thêm bằng chứng về nghiên cứu của mình. Nhà khoa học này dự kiến có bài phát biểu tại hội thảo điều chỉnh gen ở Hong Kong trong tuần này.
Ông Hạ đang chịu sức ép rất lớn tại Trung Quốc. Ủy ban Y tế Quốc gia đã ra lệnh điều tra quá trình thí nghiệm của ông.
Một nhóm 122 nhà khoa học ngày 26/11 cùng ký tên vào tuyên bố lên án nghiên cứu của ông Hạ là "điên rồ", cho đây là sự bất công đối với những nhà nghiên cứu tuân thủ các quy định về đạo đức khoa học.
Ngay cả nhiệm sở của ông Hạ - Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam - cũng chỉ trích dự án. Trường này phủ nhận trách nhiệm trong vụ việc, thông báo ông Hạ đã tạm nghỉ không lương từ tháng 2 và nhận định dự án của ông "vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức và quy chuẩn học thuật".
Theo một thông báo từ cơ quan giám sát y đức của thành phố Thâm Quyến, mọi cơ sở y tế cần thành lập hội đồng đạo đức trước khi tiến hành các nghiên cứu y sinh liên quan đến con người. Trong khi đó, hội đồng đạo đức của bệnh viện liên quan đến thí nghiệm gây tranh cãi vừa qua đã không hoàn tất đăng ký như yêu cầu.
Trước các sức ép, ông Hạ tiếp tục tung lên mạng một đoạn video mới khẳng định dự án của mình nhằm giúp đỡ các gia đình mắc bệnh liên quan đến di truyền.
"Tôi cho rằng các quy chuẩn đạo đức sẽ đứng về phía chúng tôi trong dòng chảy lịch sử. Hãy nhìn lại thập niên 1970 và Louise Brown. Thái độ sợ hãi và phẫn nộ của dư luận thời đó đang tái diễn", ông Hạ nhắc đến người đầu tiên ra đời nhờ thụ tinh nhân tạo.
Ông Hạ Kiến Khuê bị cáo buộc gian lận khi xin phê duyệt tiến hành thí nghiệm. Ảnh: AP. |
Thị trường tỷ đô
Theo ngân hàng đầu tư quốc tế UBS của Thụy Sĩ, Trung Quốc đang nắm trong tay thị trường công nghệ gen lớn thứ hai thế giới.
Hãng tư vấn tài chính CCID Consulting tại Bắc Kinh ước tính tổng giá trị thị trường này vào năm 2022 đạt 2,6 tỷ USD. Con số trong năm 2017 là 1 tỷ USD.
Michael Donovan, nhà sáng lập công ty công nghệ sinh học Veraptus tại Trung Quốc, cho rằng những quy định thả lỏng cho phép nước này tiến đến vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực y sinh. Bên cạnh đó, quỹ dân số đông tạo ra lượng bệnh nhân tiềm năng lớn.
"Lập trường của cơ quan quản lý nhiều ngành là: nếu luật không cấm thì mọi người có thể thử nghiệm một cách cẩn trọng", ông Donovan nói, đồng ý rằng lĩnh vực điều chỉnh gen đang là một vùng tranh tối tranh sáng về quản lý tại Trung Quốc.
Dù nhiều bệnh viện có thể thông qua một số thí nghiệm mà không cần xin phép cơ quan cấp nhà nước, việc ông Hạ không xin cơ quan quản lý quốc gia "bật đèn xanh" cho một thí nghiệm mang tính đột phá lớn có thể được xem là "bất thường".
"Từ góc độ đạo đức, nơi đây không chịu tác động từ yếu tố tôn giáo như tại Mỹ. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn xoay quanh sinh mạng con người, vậy nên chúng ta đều cảm thấy quan ngại nếu dự án này được triển khai quá hấp tấp", ông Donovan nhận định.