Stephen Hawking được cả thế giới ca ngợi vì những đóng góp của ông làm thay đổi thiên văn học thế giới. Nhưng ông cũng thường bước khỏi “tháp ngà” của giới khoa học và dùng danh tiếng của mình để nêu bật những thách thức và đe dọa với nhân loại trong những thập kỷ tới.
Những lời ông nói luôn trở thành đề tài nóng trên truyền thông và tạo nên không ít những tranh cãi.
Stephen Hawking, nhà vật lí học và thiên văn học lỗi lạc người Anh qua đời ngày 14/3 ở tuổi 76, đã dành trọn cuộc đời giúp nhân loại hé lộ các bí ẩn ngoài vũ trụ. Ảnh: Reuters. |
Loài người sẽ rời khỏi Trái Đất
Hawking cho rằng loài người không nên phụ thuộc vào duy nhất một hành tinh là Trái Đất. Trong nhiều thập kỷ, ông nói loài người nên tìm cách định cư ở các hành tinh khác.
Ông cho rằng nhân loại sớm muộn sẽ hứng chịu một thảm họa có thể gây ra sự tuyệt chủng. Đó sẽ là một sự kiện có xác suất rất nhỏ nhưng có sức tàn phá khủng khiếp, với ví dụ kinh điển là một thiên thạch va vào Trái Đất. Nhưng Hawking cũng hiểu có một loạt các mối đe dọa tiềm ẩn khác từ trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu, virus biến đổi gen, hay chiến tranh hạt nhân.
Năm 2016, ông nói với BBC “mặc dù khả năng Trái Đất phải hứng chịu thảm họa trong một năm nhất định là rất thấp, nhưng rủi ro này lớn dần nếu tính trong khoảng thời gian dài, và gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong vòng 1.000 hay 10.000 năm”.
Nhà vật lý người Anh tin chắc con người sẽ vươn tới các vì sao khác trước khi thảm họa đó xảy ra, nhưng ông nói thêm “loài người sẽ chưa thiết lập được quần thể ngoài vũ trụ trong ít nhất vài trăm năm tới, do vậy trong giai đoạn này chúng ta phải đề phòng”.
Về điều này, quan điểm của Hawking trùng hợp với tỷ phú Elon Musk. Năm 2013, Musk nói trong một cuộc họp báo: “Hoặc chúng ta đưa sự sống trên Trái Đất tới các hành tinh, hoặc chúng ta có nguy cơ tuyệt chủng. Một sự kiện tuyệt chủng là không thể tránh khỏi và chúng ta đang trói tay chính mình”.
Chính vì mối lo này, Hawking đã khởi xướng dự án nghiên cứu công nghệ du hành giữa các vì sao mang tên Breakthrough Starshot.
Hawking nói định cư ở các hành tinh khác sẽ giảm nguy cơ tuyệt chủng của loài người. Ảnh: NASA/Getty Images. |
Máy móc qua mặt con người
Năm 2014, ông nói với BBC “sự phát triển hết cỡ của trí tuệ nhân tạo sẽ là dấu chấm hết cho loài người”.
Hawking nói các dạng trí tuệ nhân tạo thế hệ đầu được áp dụng cho tới nay đã rất hữu ích (chính công nghệ giúp Hawking giao tiếp được cũng dùng một dạng trí tuệ nhân tạo cơ bản). Nhưng Hawking e ngại hậu quả khi mà trí tuệ nhân tạo dạng cao cấp vượt mặt con người.
Một số học giả cho rằng sự e dè đó đến từ các phim khoa học viễn tưởng lỗi thời. Nhưng các chuyên gia khác bao gồm giáo sư Bradley Love từ Đại học London lại có chung lo ngại. “Trí tuệ nhân tạo thông minh có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, nhưng cũng sẽ khiến nhiều người mất việc làm”, ông nói với chương trình The Conversation của đài BBC.
Dù vậy, ông nói thêm: “Nếu chúng ta lo lắng về tương lai của nhân loại, chúng ta nên tập trung vào những thử thách thực tế như biến đổi khí hậu và vũ khí hủy diệt hàng loạt, hơn là các robot trí tuệ nhân tạo sát nhân như trên phim ảnh”.
Stephen Hawking tin rằng máy móc sẽ thay thế con người và sẽ trở thành mối đe dọa. Ảnh: Getty Images. |
Điểm không thể đảo ngược
Hawking cho rằng biến đổi khí hậu nằm trong số các mối đe dọa với sự sống trên hành tinh. Đáng sợ hơn cả là tipping piont (điểm bùng phát) mà ở đó sự ấm lên toàn cầu không thể đảo ngược. Vì vậy, quyết định rút khỏi hiệp định Paris của Tổng thống Trump đã khiến Hawking lo ngại.
“Chúng ta đang ở gần điểm không thể đảo ngược của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hành động của Tổng thống Trump có thể đẩy Trái Đất vượt giới hạn và trở thành hành tinh như sao Kim, nơi có nhiệt độ lên tới 250 độ C, và mưa axit sulphuric”, ông nói với BBC News.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc cũng nêu nguy cơ về điểm không thể đảo ngược của khí hậu nếu nhiệt độ cứ tăng.
Tuy cơ quan này cũng nói còn nhiều điều chúng ta chưa biết, vẫn có rất nhiều tiếng nói thừa nhận sự ấm lên toàn cầu sẽ là thách thức cho những thế kỉ sắp tới.
Hawking là một trong nhiều tiếng nói cảnh báo hiểm họa từ biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty Images. |
"Đừng để họ nghe thấy!"
Có cả một lĩnh vực khoa học, gọi tắt là Seti (viết tắt cho Tìm kiếm Sinh vật thông minh Ngoài Trái Đất), đang nỗ lực bắt các tín hiệu từ các sinh vật thông minh ngoài vũ trụ. Nhưng Hawking phản đối việc mời gọi các nền văn minh khác có thể đang tồn tại ngoài vũ trụ.
Năm 2010, ông nói với kênh Discovery Channel rằng người ngoài hành tinh có thể sẽ đánh chiếm Trái Đất vì tài nguyên rồi chuyển sang nơi khác.
“Nếu người ngoài hành tinh tới đây, kết cục sẽ giống như khi Columbus đặt chân tới Châu Mỹ, vốn không hề tốt đẹp cho người Châu Mỹ bản địa”, ông nói.
“Chúng ta chỉ cần nhìn vào chính mình cũng đủ hiểu một sinh vật thông minh ngoài vũ trụ có thể tiến hóa thành một loài mà chúng ta sẽ không hề muốn gặp”.
Cùng năm đó, Seth Soustak, từ Viện Seti ở California, nói với báo Guardian: “Đó là nỗi sợ vô căn cứ. Nếu họ muốn tài nguyên, họ chắc chắn có cách để tìm ra các hành tinh và không phụ thuộc vào chúng ta có phát tín hiệu lên hay không. Họ đã có thể tìm ra chúng ta một tỷ năm trước rồi”.
Nhưng những người khác cho rằng Hawking nói có lý. Ian Stewart, nhà toán học ở Đại học Warwick, bình luận với BBC: “Nhiều người cho rằng người ngoài hành tinh sẽ khôn ngoan và hiểu biết, và sẽ đến trong hòa bình. Tôi không nghĩ chúng ta nên giả sử là họ sẽ như vậy”.
Liệu chúng ta có nên phát tín hiệu vào vũ trụ? Hawking nói không. Ảnh: Reuters. |
Giới khoa học tranh cãi
Truyền thông như chiếc loa phóng thanh khổng lồ đối với Hawking. Nhưng một số nhà khoa học không hào hứng như các phóng viên trước những phát ngôn của ông.
Có ý kiến cho rằng tại sao truyền thông Anh dường như “phát cuồng” với từng câu nói của Hawking.
Giáo sư Martin Rees, thuộc hội Thiên văn Hoàng gia Anh, nói với BBC “ông ấy rất khôn ngoan, và sẵn sàng bộc lộ quan điểm của mình một cách mạnh mẽ … Tuy nhiên, mặt trái của việc thần tượng hóa ông ấy là mỗi lời ông nói ra đều thu hút sự chú ý quá mức kể cả trong các chủ đề không phải chuyên môn của ông - chẳng hạn như triết học, hay mối nguy từ người ngoài hành tinh và trí tuệ nhân tạo”.
Nhưng nhiều người sẽ lập luận rằng ngoài các phát ngôn chiếm trọn trang nhất của báo chí, Hawking vẫn thực sự có một khả năng kết nối với công chúng đặc biệt.
Họ nói việc dư luận đôi khi “phát cuồng” vì chính khả năng này của ông là một điều tất yếu khi mà tên tuổi của ông được mọi nhà biết đến. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào hiệu quả tích cực mà ông tạo ra: mang khoa học đến với những người mà bình thường sẽ không để tâm tới khoa học.
Sự tiếc thương và ca ngợi dành cho Hawking sau khi ông qua đời ngày 14/3/2018 ở tuổi 76 là một minh chứng cho sức ảnh hưởng vĩ đại của ông với tư cách sứ giả truyền bá khoa học đến với công chúng toàn thế giới.