Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Stephen Hawking đi rồi, chúng ta cũng đừng quên nhìn lên những vì sao

Stephen Hawking, sống gần một cuộc đời bị giam cầm trong thân xác bệnh tật, không để bất cứ điều gì kìm hãm niềm đam mê của ông với khoa học và vũ trụ.

Stephen Hawking là ai? Là cha đẻ của một "học thuyết lỗ đen" nào đó mà chúng ta phải tìm kiếm trên Google để đọc đúng tên hay là người mà Eddie Redmayne đã hóa thân thành công trong bộ phim Thuyết vạn vật và tác giả của Lược sử thời gian, cuốn sách mà nhiều người có nhưng không mấy người đọc hết?

Người ta có thể tranh cãi về việc Stephen Hawking có phải nhà khoa học vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta hay không, nhưng người ta hầu như không băn khoăn chuyện ông là người nổi tiếng nhất.

Stephen Hawking qua doi anh 1
Nhà vật lý vũ trụ Stephen Hawking, người vừa qua đời ngày 14/3 ở tuổi 76. Ảnh: AFP.

'Gương mặt đại diện' của khoa học

"Tôi giả định là tất cả các bạn ở đây đều từng đọc cuốn Lược sử thời gian của tôi và đều đã hiểu", Stephen Hawking thường bắt đầu bài giảng tại Đại học Cambridge theo cách như vậy.

Nhà vật lý vũ trụ người Anh vừa qua đời ở tuổi 76 đã trở thành "gương mặt đại diện" của khoa học trong suốt cuộc đời phi thường của mình. Ông trở nên nổi tiếng toàn cầu với cuốn sách A Brief History of Time (Lược sử thời gian), phát hành hơn 10 triệu bản trên toàn cầu, được dịch ra khoảng 40 thứ tiếng và được gọi là best-seller ít được đọc nhất mọi thời đại. 

Ông thậm chí còn xuất hiện trên bom tấn Star Trek: The Next Generation và tự lồng tiếng cho vai của mình trong loạt phim hoạt hình The Simpsons. Chỉ có ông có thể khiến cho các tạp chí thuần giải trí của Anh phải đăng các vấn đề về trí tuệ nhân tạo, vể sự tồn tại của con người trên Trái Đất và cách thoát khỏi lỗ đen vũ trụ.

Những người đọc bình dân nhất cũng có thể cảm thấy kết nối với Stephen qua cách ông ấy làm sôi động cuộc sống của mình, trái ngược hoàn toàn với vẻ ngoài bất động trên xe lăn. Ông cho phép chuyện tình yêu trở thành một bộ phim của Hollywood và biến cuộc đời mình thành văn hóa đại chúng (pop culture).

Ông có mặt trên một chuyến bay không trọng lực. Ông công khai cá cược với giới khoa học về sự tồn tại của các lỗ đen và bức xạ từ chúng, sau đó thua cả hai cuộc cá độ đó và chi tiền "thua độ" cho một đêm nghỉ dưỡng sang trọng và một quyển bách khoa toàn thư về bóng chày.

Stephen Hawking qua doi anh 2
Nhân vật lấy cảm hứng từ Stephen trong loạt phim hoạt hình The Simpsons.

Khi ai đó gọi Stephen là "khoa học gia lỗi lạc nhất trong thời đại của chúng ta", "thời đại của chúng ta" ở đây không chỉ bao gồm sự công nhận của chỉ số H trong khoa học, được tính toán đầy lý trí hay những giải thưởng của các Viện hàn lâm, mà vị trí của Stephen trong thời đại của chúng ta còn tính bằng những lần sách của ông được tái bản (dù có thể chẳng ai đọc, họ chỉ mua thôi), những lần ông ngồi từ Cambridge và viết những lá thư cho độc giả của Guardian tranh cãi.

Sau Albert Einstein, Stephen Hawking được xem là người tiếp theo trong giới khoa học đã bước khỏi "tháp ngà" và nói về những vấn đề của thời đại, từ hệ thống bảo hiểm đến việc giải giáp vũ khí. Họ thậm chí đã chia sẻ nhau "vinh dự" bị giễu nhại và đóng giả trong một video nhạc rap rất được yêu thích trên YouTube, Epic Rap Battles of History. (Điều trùng hợp là ngày Stephen qua đời, 14/3, cũng trùng ngày sinh nhật của Einstein).

Lão già tò mò, nghịch ngợm

Stephen Hawking ra đời 300 năm sau ngày Galileo Galilei mất và làm công việc mà trước đây Issac Newton từng làm: Giáo sư Toán học danh dự của Đại học Cambridge. 

"Hawking đã đặt ra và cố gắng trả lời những câu hỏi lớn lao của chúng ta: sự hình thành của vũ trụ, lỗ đen, hướng đi của thời gian. Và làm việc đó một cách đầy thích thú, có phần nghịch ngợm. Ông ấy luôn là một lão già tò mò nghịch ngợm", nhà vũ trụ học Michael Turner từ Đại học Chicago nói.

Giới vật lý lý thuyết và vật lý thiên văn đều giành Hawking về ngành của mình. "Chúng tôi gọi ông là nhà vật lý thiên văn vì rõ ràng ông ấy biến cả vũ trụ thành phòng thí nghiệm", Neil deGrasse Tyson, giám đốc viện thiên văn New York, nói.

Công trình về lỗ đen vũ trụ của Hawking vào những năm 1970 là kết nối quan trọng trong ngành vật lý. Trước ông, Thuyết tương đối của Einstein và Cơ học lượng tử thường mâu thuẫn nhau. Chỉ đến khi bức xạ của lỗ đen vũ trụ được khám phá và được đặt tên là "bức xạ Hawking", người ta mới công nhận sự liên quan của hai lý thuyết nói trên: Thuyết tương đối - khoa học của những điều to lớn nhất và Cơ học lượng tử - khoa học của những điều nhỏ bé nhất cuối cùng đã tìm được sự kết nối.

Bức xạ phát ra từ lỗ đen vũ trụ được chứng minh khiến cho nhiều tác giả khoa học viễn tưởng thất vọng, nhưng lại truyền cảm hứng cho những nhà khoa học trẻ khác, trong đó có Tyson. Ý tưởng ấy cũng mang lại cảm hứng khi cho rằng các lỗ đen không tồn tại mãi mãi.

Hawking còn tiên phong trong việc đưa ra một lý thuyết rằng các hố đen thực ra rất đơn giản, chỉ có mô men động lượng, khối lượng và điện tích, ngoài ra không có gì khác.

Hai khái niệm này là nền tảng của lý thuyết hố đen.

Stephen Hawking qua doi anh 3
Stephen Hawking và Albert Einstein, sống cách nhau một thế kỷ, đều là những nhà khoa học đã bước khỏi "tháp ngà" để bày tỏ sự quan tâm trước những vấn đề của thời đại. Ảnh: AFP.

Một công trình khác của Hawking vượt ra ngoài các hố đen và tập trung vào nguồn gốc của vũ trụ. Đầu tiên ông lý thuyết hoá sự nhất thể của một vũ trụ sơ khai trong một công thức toán học phức tạp nhưng tinh tế so sánh thời gian với các hàm sóng.

Sau đó, các công trình của ông tự mâu thuẫn nhau và ông dùng nó để minh hoạ cho lý thuyết về sự phình to vũ trụ, ở đó vũ trụ được mô tả như một nửa quả bóng. Lý thuyết này được khởi đầu trong một hội thảo mà Hawking chủ trì với một bữa tiệc tối và một trận croquet (bóng cửa).

Stephen Hawking được xem là nhà vật lý nổi tiếng nhất kể từ thời đại của Einstein. Một tra cứu trên nền tảng Google Scholar để so sánh về thành quả của nhà khoa học cho thấy chỉ số H của Hawking thậm chí còn cao hơn cả Eistein, với kết quả là 125 so với 106.

Chỉ số H là chỉ số nhằm đo lường mức độ ảnh hưởng tích luỹ của một nhà khoa học, được tính toán dựa vào số công trình công bố và số lần trích dẫn. Hirsch, người đã đưa ra ý tưởng về chỉ số H, cho rằng nếu sau 20 năm làm khoa học, nhà khoa học đạt được chỉ số H là 40 được cho là xuất sắc, 60 được cho là thật sự cá biệt và chỉ số H trung bình của các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel là khoảng 41.

Những khái niệm lý thuyết phức tạp nghe không quá liên quan đến tính cách của người tạo ra chúng. Các đồng nghiệp của Hawking vẫn hay nhắc về sự hài hước lém lỉnh của người đàn ông bé nhỏ trên chiếc xe lăn, về cách ông cười nhăn răng và sự cứng đầu nổi tiếng.

Ông ấy vẽ cho khoa học một khuôn mặt người, Michael Turner nói. Người đàn ông nhỏ thó mắc kẹt cả đời trên chiếc xe lăn không thể gọi là ưa nhìn ấy khiến cho cả thế giới yêu mến và ngưỡng vọng, dù chỉ vài người trong số họ có thể hiểu ông nghĩ gì.

Hơn tất cả, ai cũng thấy có một phần nào đó của trái tim mình rung động lên theo những bức xạ mà ông tạo ra bằng một cuộc đời vừa phi thường, vừa gần gũi.

Đại chúng thì đã sao?

Liệu có điểm đứt gãy nào giữa một Hawking của khoa học và một người đàn ông quá siêng năng viết lách cho Guardian, để bàn về môi trường, cuộc chiến Syria, trí tuệ nhân tạo, hay không? Liệu có điểm chênh nào giữa những thuyết đầy phức tạp của ông với những độc giả chỉ mua sách của ông và không chắc đọc hiểu hết, giữa những thành tựu học thuật với một cuộc đời quá nhiều điều bất thường và căn bệnh hiểm nghèo của ông?

Stephen Hawking qua doi anh 4
Những khái niệm lý thuyết phức tạp nghe không quá liên quan đến tính cách của người tạo ra chúng. Các đồng nghiệp của Hawking vẫn hay nhắc về sự hài hước lém lỉnh của người đàn ông bé nhỏ trên chiếc xe lăn, về cách ông cười nhăn răng và sự cứng đầu nổi tiếng. Ảnh: AFP.

Cả cuộc đời của Stephen Hawking đã sống giữa tất cả những điều tưởng chừng mâu thuẫn trên. Ông chống chọi bệnh tật để nghiên cứu khoa học; ông tìm cách kết nối Thuyết tương đối với Thuyết lượng tử; ông không nhốt mình trong tháp ngà khoa học mà bước ra cuộc đời, ông diễn thuyết, viết lách, tranh luận; ông xem cả vũ trụ bao la là mái nhà cho con người.

"Vũ trụ sẽ không còn là vũ trụ nếu nó không thể là nhà cho những người bạn yêu thương", 3 người con của Stephen đã trích dẫn câu nói này trong thông cáo về cái chết của ông.

Sự nổi tiếng của Hawking, ở phía ngược lại, có thể là minh chứng cho việc rằng khoa học và công chúng có thể không xa nhau đến vậy, rằng trong mỗi con người, từ rất nhiều năm trước, đã luôn mang trong người nỗi tò mò thuần túy được hiểu biết về những điều xa xôi nhất, như những vì sao hoặc vũ trụ. Hoặc vũ trụ thật sự gần gũi với chúng ta.

“Hiện tượng Hawking" là minh chứng cho một thế giới mà mọi người không chỉ quan tâm đến “bộ máy phát ra ánh sáng mặt trời mà nhờ đó mới có sự sống", “trọng lực buộc chặt chúng ta trên trái đất mà nếu không có chúng thì chúng ta sẽ bị thảy lăn lóc trong không gian" hay là “về những nguyên tử cấu tạo nên thân thể mà chúng ta phụ thuộc vào sự cấu tạo của chúng".

“Hiện tượng Hawking” cho chúng ta thấy rằng ngoài cơm ăn áo mặc con người còn dành nhiều thời gian để hỏi những câu hỏi quan trọng (hoặc không quan trọng) khác, và một trong số đó là câu hỏi vũ trụ bắt đầu từ đâu.

"Hiện tượng Hawking" là minh chứng cho rằng công chúng bình dân, bất chấp khởi đầu vì lý do gì, đã cố gắng bước về phía Hawking và về khoa học. Đã thấy được niềm vui được nhìn lên bầu trời, được chất vấn về bản chất của vũ trụ với sự ham thích đơn thuần nhất.

"Hãy nhớ nhìn lên những vì sao và đừng nhìn xuống dưới chân. Cố gắng giải nghĩa những điều bạn thấy và tự vấn về vũ trụ. Hãy luôn tò mò. Dù cuộc sống khó khăn đến nhường nào, luôn có điều gì đó bạn có thể làm. Chỉ là đừng bỏ cuộc", ông từng nói.

Stephen Hawking qua doi anh 5
Hình ảnh minh họa của Guardian trong video giải thích các công trình của ông. Ảnh: Guardian.

Nhiều người hay so sánh thành tựu cuộc đời họ với những chuyến đi. Stephen đương nhiên không thể làm thế. Cuộc đời Stephen Hawking, gắn chặt trên chiếc xe lăn, chỉ có một chuyến du hành mãi mãi vào khoa học, tìm kiếm giới hạn (hoặc vô hạn?) của vũ trụ lẫn tâm trí con người. Giờ thì ông đi vào vũ trụ thật rồi. 

Còn chúng ta thì đừng quên nhìn lên những vì sao. 

Stephen Hawking và 76 năm giải mã các bí ẩn vũ trụ Nhà vật lý thiên tài người Anh Stephen Hawking, người dành cả cuộc đời để giải mã các bí ẩn của vũ trụ, vừa qua đời tại nhà riêng của ông ở Cambridge, nước Anh.

Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76

Nhà vật lý thiên tài người Anh Stephen Hawking, người dành cả cuộc đời để giải mã các bí ẩn của vũ trụ, vừa qua đời tại nhà riêng của ông ở Cambridge, nước Anh.

Hawking: Từ bệnh nhân xơ cứng teo cơ tới thiên tài vật lý

Hơn nửa thế kỷ cuộc đời Stephen Hawking là những chuỗi ngày sống chung với căn bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) và tìm kiếm lời giải cho những bí ẩn của vũ trụ.


Hương - Hiền

Bạn có thể quan tâm