Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/6 viết trên Twitter cảnh báo Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước phụ thuộc vào tuyến đường biển chiến lược "nên tự bảo vệ tàu của họ trong chuyến hải trình nguy hiểm".
"Chúng ta vốn thậm chí không cần hiện diện ở đây vì Mỹ đã trở thành nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới", ông viết, đồng thời bày tỏ bức xúc vì sao Mỹ phải bảo vệ không công những tuyến đường vận tải hàng hải cho các nước khác.
Tàu dầu của Kokuka Courageous của công ty Nhật Bản neo ngoài khơi UAE ngày 19/6 sau khi bị hư hại vì mìn limpet trên eo biển Hormuz. Ảnh: AP. |
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif lập tức phản ứng và mỉa mai phát ngôn của ông Trump. Ông nói nhà lãnh đạo 73 tuổi "chính xác 100%" rằng quân đội Mỹ không có việc gì phải đến vịnh Ba Tư.
"Việc rút lực lượng (khỏi vịnh Ba Tư) hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Mỹ và cả thế giới. Tuy nhiên, rõ ràng 'Đội B' không quan tâm đến lợi ích của Mỹ. Họ khinh thường ngoại giao và thèm khát chiến tranh", ông Zarif viết trên Twitter.
Theo Nikkei Asia Review, "Đội B" mà ngoại trưởng Iran đề cập chính là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thái tử Mohammed bin Zayed của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia.
Giới lãnh đạo Tehran cáo buộc những nhân vật này cố ý lèo lái chương trình nghị sự, "gài bẫy" Tổng thống Trump và nước Mỹ lao vào chiến tranh với Iran.
Washington và Tehran đang chạy đua lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 24/6 mở phiên hóp kín theo đề nghị của Mỹ.
Đại diện từ Washington đã trình bày cho các thành viên Hội đồng Bảo an diễn biến mới nhất trong căng thẳng vùng Vịnh. Báo cáo bao gồm chi tiết điều tra những vụ tấn công tàu dầu vừa qua trên eo biển Hormuz. Tình báo Mỹ khẳng định Iran đứng sau vụ tấn công hai tàu dầu hôm 13/6, trong đó có tàu của một công ty Nhật Bản.
Hình ảnh do Mỹ công bố để cáo buộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran gài mìn phá hoại tàu dầu trên eo biển Hormuz. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, Tehran đang chuẩn bị cho một cuộc họp tại thủ đô Vienna của Áo với các thành viên còn lại trong Thỏa thuận Hạt nhân năm 2015, gồm: Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc. Tehran yêu cầu các nước bảo vệ Iran khỏi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ để nước này tiếp tục xuất khẩu dầu và các hoạt động tài chính.
Màn đấu khẩu trên mạng xã hội diễn ra giữa lúc căng thẳng Mỹ - Iran đang tiến gần bờ vực chiến tranh. Tổng thống Trump hôm 20/6 tiết lộ rút lại kế hoạch không kích trả đũa Iran vào phút chót, sau khi lực lượng vũ trang nước này bắn rơi máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ.
Tổng thống Mỹ ngày 24/6 cũng phê duyệt sắc lệnh cấm vận mới áp đặt lên Iran, trong đó có biện pháp trừng phạt nhắm vào Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Giới phân tích xem đây là một động thái "thêm dầu vào lửa", đặc biệt khi trụ cột nền kinh tế Iran là xuất khẩu dầu mỏ đang bị bóp nghẹt bởi vòng vây cấm vận.