Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 18/6 kêu gọi Washington và Tehran kiềm chế sau khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố kế hoạch triển khai thêm 1.000 quân đến Trung Đông, tăng năng lực phòng vệ.
Ông Ryabkov tiết lộ đã nhiều lần cảnh báo Mỹ cùng các đồng minh ở khu vực về các rủi ro từ cách hành xử "thiếu sáng suốt và liều lĩnh" khi leo thang căng thẳng tại Trung Đông, theo Reuters.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi nhìn thấy Mỹ liên tục có các hành động mang tính khiêu khích nhằm gia tăng áp lực chính trị, tâm lý, kinh tế và cả quân sự nhắm vào Iran. Đây rõ ràng là một chuỗi hành động có chủ đích khiêu chiến", Thứ trưởng Ryabkov trả lời truyền thông Nga.
Ông nói Mỹ cần phải chứng minh họ thật sự không muốn chiến tranh thông qua việc chấm dứt ý định tăng cường hiện diện quân sự tại vùng Vịnh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng chiến thuật tạo áp lực tối đa lên Tehran mà Washington đang theo đuổi không phải là giải pháp cho căng thẳng Mỹ - Iran. Phát biểu sau cuộc họp tại Bắc Kinh với người đồng cấp Syria, ông Vương cho biết Trung Quốc vô cùng lo ngại trước các diễn biến tại vùng Vịnh.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên lý trí và kiềm chế, không có những hành động leo thang làm gia tăng căng thẳng khu vực. Đừng mở chiếc hộp Pandora", ông cảnh báo.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 17/6 công bố hình ảnh được cho là tàu của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đặt mìn trên tàu dầu ở vịnh Oman. Ảnh: AP. |
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh cũng kêu gọi Iran kiên nhẫn và không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ông nhận định ưu tiên hiện nay là các thành viên phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã được ký kết.
Mối lo ngại về cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran ngày một tăng sau khi hai tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman ngày 13/6. Đây là lần thứ hai chỉ trong hơn một tháng qua các tàu chở dầu bị hư hại ở vùng Vịnh. Washington đã đổ lỗi cho Tehran đứng sau các vụ tấn công.
Đáp trả các sức ép từ Mỹ, chính phủ Iran ngày 17/6 tuyên bố sẽ sớm phá vỡ các giới hạn về lượng uranium được làm giàu để dự trữ theo thỏa thuận. Động thái này lập tức vấp phải những phản ứng gay gắt từ phía Mỹ. Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ gọi đây là một vụ "tống tiền hạt nhân".