Thông báo về 1.000 lính cử thêm được ông Trump tuyên bố trong họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda đang thăm Mỹ, theo Reuters.
Hiện có 5.000 quân Mỹ đồn trú ở Ba Lan thuộc lực lượng luân chuyển của NATO ở nước này.
Con số này chỉ bằng một nửa so với con số 2.000 quân mà ông Trump nhắc đến chỉ trước đó 3 tiếng khi gặp Tổng thống Ba Lan tại Phòng Bầu dục. Ông cũng dập tắt hy vọng của Ba Lan về việc có căn cứ quân sự vĩnh viễn của Mỹ, động thái chắc chắn sẽ khiến Kremlin tức giận và đáp trả.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 12/6. Ảnh: Reuters. |
Nếu Mỹ lập căn cứ tại Ba Lan, phản ứng của Nga có thể bao gồm Kremlin tăng khí tài quân sự ở vùng Kaliningrad giáp Ba Lan, và ở Belarus, đồng minh của Nga nhưng vẫn chưa đồng ý để Moscow thiết lập căn cứ quân sự.
Sự đe dọa từ Kremlin cũng từng buộc cựu tổng thống Obama hủy bỏ dự án triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan. Mỹ coi đó là cách tự vệ trước Iran, nhưng Nga coi đây là mối đe dọa trực tiếp.
Tuy vậy, đến năm 2018, Ba Lan vẫn ký hợp đồng 4,75 tỷ USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ, tăng cường đáng kể sức mạnh của quân sự của Warsaw.
Khi được hỏi ông muốn Mỹ cử bao nhiêu quân, ông Duda trả lời “điều đó luôn phụ thuộc vào người Mỹ”.
Ba Lan cũng đặt hàng hơn 30 chiến đấu cơ F-35. Hai lãnh đạo cùng nhau xem màn trình diễn loại máy bay này bay qua Nhà Trắng.
Trong một bình luận khác, ông Trump chỉ trích Đức vì đã trở thành “con tin của Nga”, phụ thuộc về năng lượng. Ông thậm chí còn nhắc đến khả năng đưa ra lệnh trừng phạt để chặn dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 đi từ Nga sang Đức vốn sẽ tăng gấp đôi lượng khí bán sang châu Âu.