Ba Lan bắt lãnh đạo Huawei tình nghi làm gián điệp
Thứ sáu, 11/1/2019 17:14 (GMT+7)
17:14 11/1/2019
Ba Lan đã bắt giữ hai người, gồm một cựu quan chức an ninh nước này và một quản lý người Trung Quốc của Huawei tại Warsaw, với cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Đài truyền hình quốc gia Telewizja Polska (TVP) của Ba Lan hôm 11/1 cho biết công dân Trung Quốc bị bắt giữ có tên "Weijing W", còn được gọi là Stanislaw Wang, và công dân Ba Lan trong nghi án tên là "Piotr D".
AP dẫn lời ông Maciej Wasik, phó giám đốc Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan (ISA), cho biết các nghi can đã được xác định từ lâu và vụ bắt giữ được lên kế hoạch rất cẩn thận. Phát ngôn viên của ISA Stanislaw Zaryn xác nhận hai người bị bắt hôm 8/1.
Lãnh đạo Huawei từng làm ngoại giao
Weijing Wang là giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan, chi nhánh phụ trách khu vực Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu. ISA đã tiến hành khám xét văn phòng và nhà riêng của người này tại Warsaw, thủ đô Ba Lan, tịch thu nhiều tài liệu và dữ liệu điện tử, theo TVP.
Ông Weijing Wang được bổ nhiệm làm giám đốc kinh doanh của chi nhánh Huawei tại Ba Lan vào năm 2017. Ảnh: Wnp.pl.
Cũng theo đài này, Weijing Wang từng học tại một trong những trường tình báo hàng đầu của Trung Quốc và từng làm việc cho lãnh sự quán nước này ở thành phố Gdansk, phía bắc Ba Lan.
Trong khi đó, theo hồ sơ được công khai trên LinkedIn, Weijing Wang tự giới thiệu tốt nghiệp ngành tiếng Ba Lan tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Ông làm việc tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Gdansk từ năm 2006, trước khi bắt đầu làm việc cho Huawei vào năm 2011 với vị trí lãnh đạo bộ phận truyền thông chi nhánh ở Ba Lan. Weijing Wang được bổ nhiệm làm giám đốc kinh doanh của chi nhánh vào năm 2017.
Theo Reuters, nghi can Ba Lan từng là phó lãnh đạo bộ phận an ninh công nghệ thông tin của ISA. Người này được cho là am tường cách vận hành nội bộ của mạng lưới liên lạc mã hóa mà chính phủ Ba Lan sử dụng.
Piotr D đang làm việc tại hãng viễn thông Orange Polska. Đại diện công ty cho hay cơ quan an ninh đã khám xét văn phòng của người này hôm 8/1, tịch thu những tài liệu và đồ dùng liên quan đến nghi can.
Cơ quan công tố Ba Lan cáo buộc hai nghi can tham gia hoạt động gián điệp chống lại đất nước, song không cho biết chi tiết. Mức án tối đa với tội danh này là 10 năm tù. Cả hai đều khẳng định họ vô tội.
Trụ sở của chi nhánh Huawei tại Warsaw, Ba Lan, chịu trách nhiệm khu vực Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu. Ảnh: Huawei.eu.
"Cửa sau" cho tình báo Bắc Kinh
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức bày tỏ "đặc biệt quan ngại" về vụ việc, theo Reuters. Bắc Kinh yêu cầu "quốc gia có liên quan" đảm bảo các quyền hợp pháp của công dân Trung Quốc, xử lý vụ việc một cách công bằng và theo đúng pháp luật.
Theo hãng thông tấn nhà nước Ba Lan PAP, hai nghi phạm sẽ bị tạm giam trong vòng ba tháng để phục vụ điều tra.
Tập đoàn Huawei cho biết đã nhận được thông tin về vụ bắt giữ và đang xem xét sự việc. Hãng công nghệ Trung Quốc từ chối bình luận thêm về nghi án gián điệp tại Ba Lan.
"Huawei tuân thủ mọi điều luật và quy định tại những nước mà công ty hoạt động. Chúng tôi yêu cầu mọi nhân viên tuân thủ đúng pháp luật và những quy định tại các nước sở tại", thông cáo của công ty này nêu.
Công ty Orange Polska bắt đầu hợp tác với Huawei vào năm 2018 để triển khai công nghệ mạng không dây thế hệ thứ năm (mạng 5G) tại Ba Lan. Công ty mẹ của Orange Polska là tập đoàn Orange SA của Pháp. Giám đốc điều hành tập đoàn Stephanie Richard ngày 8/1 đã thông báo chấm dứt hợp tác cùng Huawei ở Pháp.
Theo Bloomberg, hiện chưa rõ công ty con tại Ba Lan sẽ có động thái tương tự hay không. Người phát ngôn của công ty Wojciech Jabczynski từ chối bình luận thêm về thỏa thuận hợp tác với Huawei trong thời gian này. Ông xác nhận công ty đã hợp tác, giao các tài liệu của nghi can cho cơ quan điều tra.
Huawei là tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Nghi án lãnh đạo Huawei hoạt động gián điệp tại Ba Lan có thể làm trầm trọng thêm những chỉ trích của phương Tây nhắm vào tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Mỹ cáo buộc Huawei có liên hệ với chính phủ Trung Quốc trong khi nhiều nước phương Tây lo sợ những thiết bị điện tử của công ty này có thể là "cửa sau" cho tình báo Bắc Kinh.
Washington đang gia tăng sức ép nhắm vào Huawei giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng trong nhiều lĩnh vực từ an ninh đến thương mại. Ngày 1/12, Canada cho bắt tạm giam bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei, theo yêu cầu bắt giữ và dẫn độ của tòa án New York.
Bà Mạnh được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD vào ngày 11/12 và vẫn ở Vancouver trong khi Washington tìm cách dẫn độ bà. Tại Mỹ, bà Mạnh sẽ phải đối mặt với các cáo buộc liên quan đến âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính, với mức án tối đa là 30 năm cho mỗi tội danh.
Trong một động thái được cho là trả đũa, Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất ba công dân Canada với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia.
Hồ sơ công ty và các tài liệu khác cho thấy Huawei, nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, có mối liên hệ chặt chẽ với hai công ty bình phong ở Iran và Syria.
Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc ban hành sắc lệnh vào đầu năm mới nhằm cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do hãng Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương Mỹ dưới thời ông Trump đã tạo nên những mối lo ngại trên thế giới, dẫn đến một viễn cảnh đồng dollar không còn thống trị thị trường dầu mỏ.