Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Trump bị phản ứng vì dọa dùng ‘quyền hạn tuyệt đối’ dừng phong tỏa

Giữa lúc hàng chục nghìn người ở Mỹ tử vong vì virus corona, ông Trump lại có một trong những màn “trút giận” vô lý nhất từng diễn ra trước máy quay, đối với một tổng thống.

Trong buổi họp báo trước các phóng viên Nhà Trắng hôm 13/4, ông Trump đánh mất hoàn toàn sự bình tĩnh của một vị chỉ huy giữa trận chiến. Ông tuyên bố mình có quyền lực “tuyệt đối” để ra lệnh cho các bang của Mỹ phải gỡ bỏ phong tỏa, dù Hiến pháp Mỹ không quy định như vậy.

Ông một mực khẳng định như vậy giữa lúc nhiều bang của Mỹ đang tập hợp để tự tìm cách dần nới lỏng phong tỏa, qua đó thách thức mong muốn mở cửa lại mang tính nóng vội của tổng thống.

trump dung phong toa anh 1

Tổng thống Trump tại cuộc họp báo ngày 13/4 ở Nhà Trắng. Ảnh: New York Times.

Tổng thống và các bang tranh cãi về “quyền lực tuyệt đối”

Trước các phóng viên ở Nhà Trắng, ông Trump phàn nàn rằng báo chí phản ánh không đúng về ông, rằng “mọi thứ chúng tôi làm đều đúng”. Ông trả lời một cách gay gắt, theo phong cách một buổi vận động tranh cử, để tiếp tục phủ nhận mình phản ứng chậm trước dịch bệnh. Ông thậm chí còn yêu cầu tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về chống dịch trong chính quyền, phải rút lại phát ngôn trên CNN có ý chỉ trích tổng thống.

Sau những phát biểu giận dữ, Tổng thống Trump không có thêm hướng dẫn mới nào đối với các vấn đề cốt lõi, như sự thiết hụt thiết bị xét nghiệm, vốn sẽ cản trợ việc mở cửa lại kinh tế. Ông vẫn tuyên bố sẽ khởi động lại kinh tế “sớm hơn kế hoạch”, nhưng không giải thích gì thêm.

Và ông dường như cảnh báo trước là sẽ ra lệnh cho các bang mở cửa lại trường học, cửa tiệm, hàng quán mà các thống đốc bang đã đóng. Nhưng ông không cho biết sẽ thuyết phục công chúng trở lại cuộc sống bình thường như thế nào, liệu họ có cảm thấy an toàn hay không.

“Tổng thống Mỹ có quyền quyết định”, ông Trump nói.

Nhưng sau cuộc họp báo đó, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo, người đã có những buổi họp báo trực tuyến mỗi buổi trưa và được người Mỹ đón xem như truyền hình bom tấn, đã lên tiếng phản bác lại tổng thống.

“Chúng ta không có vua. Chúng ta có một tổng thống do dân bầu lên”, ông Cuomo trả lời CNN. “Sự phân chia giữa quyền hạn của liên bang và tiểu bang là cốt lõi trong Hiến pháp - một trong những cơ chế cân bằng quyền lực tuyệt vời”.

Các vị cha lập quốc của Mỹ “không muốn một vị vua, nếu không chúng ta đã có Vua George Washington rồi”, ông Cuomo nói thêm.

trump dung phong toa anh 2

Tổng thống Trump cho phóng viên xem một video gần giống quảng cáo chính trị, trong buổi họp báo ngày 13/4 ở Nhà Trắng. Ảnh: New York Times.

Màn tranh luận gây sốc của Tổng thống Trump diễn ra giữa lúc đang có những dấu hiệu lạc quan là dịch đạt đỉnh ở một số điểm nóng như New York.

Nhưng cũng có dấu hiệu lo ngại khi phát hiện ca bệnh lây lan trong số các công nhân thiết yếu của các nhà máy chế biến thịt ở South Dakota và Colorado, hay các nhân viên siêu thị - cho thấy cuộc sống bình thường vẫn còn xa vời.

Trong khi đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, vừa ghé thăm Đà Nẵng đầu tháng 3, đã có thủy thủ đầu tiên tử vong, giữa những chỉ trích xoay quanh việc sa thải chỉ huy tàu đã lên tiếng về nguy cơ.

trump dung phong toa anh 3

Một trạm xét nghiệm ở New Jersey tuần trước. Ảnh: New York Times.

Một cuộc khủng hoảng Hiến pháp?

Ngay trước buổi họp báo của ông Trump, một nhóm các bang bờ Đông và một nhóm các bang bờ Tây nước Mỹ đã tập hợp để nghiên cứu lộ trình nới lỏng phong tỏa, mà không để dịch bùng phát trở lại.

Nhiều quan chức đã cảnh báo sẽ cần xét nghiệm Covid-19 và xét nghiệm kháng thể số lượng lớn hơn nhiều - phải lên đến hàng triệu lượt mỗi ngày - trước khi có thể nới lỏng giãn cách xã hội đồng thời cô lập các ca nhiễm.

Yêu cầu của Tổng thống Trump muốn các bang mở cửa ngày 1/5, nếu ông nhất quyết ra lệnh, thậm chí có thể dẫn đến đối đầu lớn về hiến pháp với các thống đốc.

Nếu vậy, sẽ khắc sâu sự chia rẽ về chính trị ở Mỹ, giữa các thống đốc Dân chủ ở các bang ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, và các lãnh đạo Cộng hòa chỉ muốn làm vừa lòng ông Trump về mặt chính trị.

Màn trút giận của ông Trump có lẽ là kết quả của một cuối tuần nhiều thông tin bê bối trên báo chí, bao gồm bài báo New York Times. Bài báo dựa vào email của các quan chức, cho thấy ông Trump đợi nhiều tuần mới nhận ra nguy cơ từ đại dịch. Nếu nhìn vào các phát ngôn công khai, cũng dễ thấy ông Trump đã “bình chân” trong các tuần trước đây, thậm chí còn nói virus sẽ tự khắc giảm đi.

Buổi họp báo kỳ lạ của tổng thống cũng cho thấy ông vẫn quan tâm tới hình ảnh của mình ra sao ngay cả giữa đại dịch, và ông coi dịch bệnh có thể là vấn đề cốt lõi trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Nhưng lại thiệt cho ông Trump ở chỗ, lời lẽ bực tức của ông lại che phủ đi các thông tin tích cực về dịch bệnh, khi tỷ lệ nhập viện ở New York và các nơi khác đang ổn định, giảm đi. Trong hơn một giờ ông Trump lớn tiếng công kích, các nhà khoa học đứng sau ông - tiến sĩ Fauci và tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên về Covid-19 của Nhà Trắng - không có cơ hội nói về những diễn biến thật của dịch bệnh.

Dù quan điểm của ông Trump trong buổi họp báo là đáng báo động, những báo đài bảo thủ, cực đoan ở Mỹ lại tung hô tổng thống, và hả hê vì tổng thống đã vùi dập các phóng viên báo đài chính thống - càng khắc sâu sự chia rẽ gay gắt mà ông gây ra cho nước Mỹ từ khi đắc cử năm 2016.

“Bài học từ mỗi khi Tổng thống Trump nổi nóng và gây tranh cãi là người ủng hộ ông luôn tin vào lời kể của ông, thay vì kiểm chứng các dữ kiện”, CNN bình luận.

trump dung phong toa anh 4

Một bệnh nhân được đưa đi. Số ca nhập viện mới ở New York đã giảm đi vào tuần trước. Ảnh: New York Times.

Các bang của Mỹ tự tìm cách nới phong tỏa

Trong khi đó, các thống đốc đang hình thành hai nhóm riêng, ở bờ Đông và ở bờ Tây, để tự điều phối lộ trình mở lại hoạt động kinh tế. Họ làm vậy không khác nào gửi thông điệp rằng tổng thống chỉ nói mà không làm, đồng thời khẳng định quyền hạn của mình ngay trước khi tổng thống nói về quyền lực “tuyệt đối”, CNN bình luận.

Sáng 13/4, các thống đốc Dân chủ của New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, Delaware, Rhode Island, kèm theo thống đốc Cộng hòa của bang Massachusetts, tuyên bố đã cử chánh văn phòng mỗi bang, cùng với một quan chức y tế cộng đồng và một quan chức kinh tế mỗi bang, để lập một nhóm công tác toàn khu vực. Nhóm sẽ nghiên cứu, thiết kế kế hoạch mở cửa lại.

Thống đốc New York Andrew Cuomo tin rằng dịch bệnh tại bang New York đã đạt đỉnh và bình ổn, nhưng khẳng định cần có giải pháp khu vực sắp tới. Ông nói cần phải có biện pháp từng bước, rồi đánh giá dữ liệu ở mỗi khúc cua, và phối hợp với nhau, liên tục chia sẻ thông tin, nguồn lực, tin dự báo.

“Việc này phải dựa vào chuyên gia và dữ liệu. Làm một bước, xem có ổn không, rồi đo đạc cho bước tiếp”.

Vài giờ sau đó, ở bờ Tây, Thống đốc California Gavin Newsom tuyên bố sẽ cùng thống đốc các bang Oregon và Washington hợp tác có kế hoạch riêng để vừa nới lỏng giới hạn, vừa “can thiệp đúng chỗ” nhằm giảm lây lan.

Nhóm các bang này cho biết mọi kế hoạch sẽ dựa vào chứng cứ, khoa học, do các chuyên gia y tế cộng đồng dẫn dắt, chứ không dựa vào chính trị. Đồng thời, việc nới lỏng thành công chắc chắn sẽ bao gồm hệ thống xét nghiệm, theo dõi, cách ly mạnh mẽ.

TT Trump tìm người đổ lỗi khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng

Đầu tiên là giới truyền thông, sau đó là các thống đốc Dân chủ, rồi đến Trung Quốc, ông Obama, các cơ quan liên bang và giờ là đến WHO, ông Trump đang chỉ trích tất cả vì Covid-19.

Biden - Trump: Cuộc chiến Nhà Trắng 2020 chính thức định hình

Không còn ai trên đường đua phe Dân chủ, ông Joe Biden nghiễm nhiên trở thành lựa chọn cuối cùng. Song Tổng thống Donald Trump không giống bất cứ đối thủ nào mà ông từng đương đầu.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm