Tổng thống Donald Trump đang sử dụng chiến thuật chính trị quen thuộc mà ông từng tung ra nhiều lần: né tránh, phủ nhận và đá quả bóng đến nơi khác.
Nhằm chứng minh Nhà Trắng không liên quan trực tiếp đến con số tử vong ngày càng tăng vì Covid-19, ông Trump đã nhắc danh sách dài những người mà ông cho là có lỗi, đánh lạc hướng những chỉ trích cho rằng chính quyền của ông đã thất bại trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona trên đất Mỹ, theo AP.
Tổng thống Donald Trump trong phòng họp báo James Brady ở Nhà Trắng, nơi diễn ra buổi thông tin hàng ngày về Covid-19. Ảnh: AP. |
Ai cũng có lỗi, trừ tổng thống
Chiến lược này phụ thuộc vào sự ủng hộ của các nhân vật truyền thông cánh hữu và được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng này, khi chỉ còn 7 tháng nữa là các cử tri Mỹ sẽ đi bầu cử.
Danh sách này càng ngày càng dài thêm và cũng thay đổi để phù hợp với tình hình.
Ban đầu, ông Trump chỉ trích các thống đốc phe Dân chủ và cáo buộc họ quản lý yếu kém ở tuyến đầu cuộc khủng hoảng. Trước đó, ông phê bình giới truyền thông vì cố tình gây sợ hãi và chính trị hoá đại dịch, cũng như không ghi nhận xứng đáng những nỗ lực của chính quyền.
Các nhà điều tra liên bang được cho là cố tình làm Nhà Trắng trở nên xấu xí. Trung Quốc ban đầu được khen ngợi vì những nỗ lực chống dịch, nhưng sau đó ông Trump cho rằng Bắc Kinh đã che đậy số liệu thực tế về người nhiễm viurs.
Và bây giờ, đến lượt WHO rơi vào tầm ngắm của ông Trump, khi tổng thống Mỹ đe doạ sẽ ngưng tài trợ cho tổ chức này vì nghiêng về phía Trung Quốc.
Tất cả những điều đó và ông Trump thì không có sai lầm nào.
Tháng trước, khi nước Mỹ bắt đầu bị phong toả, ông Trump tuyên bố "Tôi không chịu trách nhiệm gì cả" về sự thiếu hụt trong việc xét nghiệm Covid-19. Và tuần này, khi được hỏi về việc đã có cảnh báo về sự nghiêm trọng tiềm tàng của đại dịch từ hồi tháng 1, tổng thống trả lời thẳng thừng rằng: "Tôi không thể làm tốt hơn (những gì đã làm)".
Trước những gì được dự đoán về cuộc bầu cử khó lường vào tháng 11 tới, việc tìm ra lỗi của những người khác đã trở thành yêu cầu đối với các đồng minh của tổng thống, theo 4 quan chức Nhà Trắng và những thành viên đảng Cộng hoà ở gần Nhà Trắng.
Họ chia sẻ với AP nhưng muốn giấu tên vì không được phép nói công khai về vấn đề này.
Những chỉ trích của ông Trump, nhắm đến từ Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer cho tới Trung Quốc, đã được nhắc lại bởi các thành viên nội các, chiến dịch tái tranh cử của ông và những nghị sĩ đảng Cộng hoà.
Với tâm trí hướng về cuộc bầu cử, ông Trump nhiều lần đã bày tỏ sự không hài lòng với khuyến cáo của các chuyên gia y tế về việc phong toả đất nước, và kêu gọi nhanh chóng tái khởi động nền kinh tế. Tổng thống cũng nhiều lần nhắm vào đối thủ sắp tới của ông - cựu phó tổng thống Joe Bidden, và cho rằng ông Bidden đã mắc nhiều sai lầm trong quá khứ.
Sau khi ứng viên Bernie Sanders rút khỏi cuộc đua, cựu phó tổng thống Joe Biden gần như chắc chắn trở thành đối thủ duy nhất của ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 này. Ảnh: New York Times. |
Ông Trump đã biến cuộc họp báo hàng ngày của lực lượng đặc biệt ứng phó với Covid-19 của Nhà Trắng thành sân khấu cho những cuộc vận động tranh cử đã bị huỷ bỏ của ông. Ông tranh cãi với các phóng viên, nói ra những điều không đúng sự thật và đôi khi là đặt mình ở ngoài những lời khuyên của chuyên gia y tế.
Ông ca ngợi công dụng của hai loại thuốc chống sốt rét trong điều trị Covid-19, bất chấp việc chưa có bằng chứng khoa học nào công nhận điều đó.
Nhắm tới nhóm cử tri cốt lõi
"Ông George H.W Bush từng nói rằng chẳng có ai muốn nghe tổng thống Mỹ nói 'tôi thật là đáng thương'. Và ông Trump vẫn đặt cược vào điều ngược lại", sử gia chuyên nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ, ông Jon Meacham, nhận xét.
Các đồng minh của ông Trump thì nói rằng những hành động trước đó của ông, - như việc hoãn các chuyến bay với Trung Quốc và châu Âu - đã giúp giữ an toàn cho nước Mỹ, và sự nóng nảy cũng như giọng điệu cấp bách của ông đã giúp tăng tốc phản ứng của chính phủ lẫn khu vực tư nhân.
"Một phần lý do ông Trump được bầu vì là người phá vỡ nhưng trật tự hiện tại, vì những hành động quyết liệt và mạnh mẽ đó. Ông được bầu vì chúng ta trong xã hội 'ngay lúc này' và ông ấy sẽ được cử tri hưởng ứng vì đã làm tất cả để giữ an toàn cho mọi người", Jason Miller, Giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, nhận định.
Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên của đại dịch, chính quyền của ông Trump đã tạo ra khoảng cách lớn giữa Nhà Trắng và những tuyến đầu của trận chiến.
Washington đặt nhiều trách nhiệm lên chính quyền tiểu bang hơn trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng, và tuyên bố rằng kho dự trữ vật tư y tế khẩn cấp của quốc gia chỉ là để dự bị cho những nỗ lực của các bang.
Đã có gần 17 triệu người Mỹ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp từ khi đại dịch bùng phát, điều được cho là sẽ làm thay đổi cục diện của cuộc bầu cử cuối năm nay, khi thế mạnh của ông Trump - một nền kinh tế tăng trưởng với tỷ lệ thất nghiệp thấp - không còn. Ảnh: Reuters. |
Ông Trump ban đầu không chỉ trích Trung Quốc, nhưng sau đó để nhắm tới nhóm những người ủng hộ bảo thủ, theo chủ nghĩa dân tộc của mình, ông đã dùng cụm từ "virus Trung Quốc" để nói về đại dịch, và cũng cáo buộc Bắc Kinh che đậy số liệu thật sự về virus.
Gần nhất, ông nhắm đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cáo buộc cơ quan này đã không cảnh báo đúng mức về đại dịch và đe doạ sẽ cắt viện trợ.
Và cũng như thường lệ, ông Trump công kích các phương tiện truyền thông, tấn công các hãng tin và phóng viên trong nỗ lực nhằm khiến những người ủng hộ ông thêm nghi ngờ về các báo cáo, khi những tiêu đề ngày càng trở nên u ám.