Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hỗn loạn bao trùm Nhà Trắng trong ngày đau buồn của nước Mỹ

Không khí hỗn loạn và bối rối bao trùm chính phủ Tổng thống Donald Trump trong ngày buồn nhất của nước Mỹ khi hơn 1.800 bệnh nhân qua đời vì Covid-19.

Tổng thống Donald Trump mở đầu ngày 7/4 bằng cách tái khẳng định hình ảnh nhà lãnh đạo "thời chiến" đối đầu với "kẻ thù vô hình".

"Chúng ta đang có dịch bệnh và bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm", ông lặp lại tuyên bố lạc quan của mình, vào ngày mà nước Mỹ ghi nhận số ca tử vong kỷ lục vì virus corona.

Thay vì trấn an dư luận, những hỗn loạn ngày 7/4 của Nhà Trắng lại mang đậm dấu ấn những thói quen cá nhân và chính trị của Tổng thống Trump, vốn đã trở thành đặc điểm xuyên suốt nhiệm kỳ đầy những rối ren.

Tất cả diễn ra giữa thời điểm nước Mỹ đang đối diện một trong những chương đau thương nhất của lịch sử, thời khắc đòi hỏi tổng thống phải chứng tỏ được tài năng lãnh đạo và sự kiên định.

Hon loan bao trum Nha Trang anh 1

Tổng thống Donald Trump trong buổi họp báo ngày 7/4. Ảnh: Reuters.

Nhà Trắng chìm trong hỗn loạn

Sự hỗn loạn khởi đầu với quyết định sa thải Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Glenn Fine, người đứng đầu Ủy ban Trách nhiệm Ứng phó Đại dịch có nhiệm vụ giám sát gói ngân sách khẩn cấp về virus corona với quy mô 2.000 tỷ USD.

Quyết định được Tổng thống Trump đưa ra chưa đầy một tuần sau khi ông sa thải Tổng thanh tra Cộng đồng Tình báo Michael Atkinson - nhân vật đã báo động cho quốc hội về người tố giác bê bối ngoại giao Ukraine và châm ngòi cuộc điều tra luận tội.

Động thái làm dấy lên lo ngại Tổng thống Trump đang muốn tận dụng cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của nước Mỹ kể từ sau Thế chiến II để tiếp tục làm xói mòn các công cụ kiểm soát quyền lực.

Cùng ngày, Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly đệ đơn từ chức sau bê bối cho thôi việc chỉ huy trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Trước đó, truyền thông đăng tải đoạn ghi âm cựu bộ trưởng gọi cựu chỉ huy tàu là "ngu ngốc", cáo buộc ông rò rỉ tình hình dịch bệnh bùng phát trên tàu cho báo chí để thủy thủ được cách ly trên đất liền.

Tại buổi họp báo 7/4, Tổng thống Trump bị truyền thông chất vấn về một tài liệu bom tấn từ tháng 1 của ông Peter Navarro cảnh báo nguy cơ dịch virus corona bùng phát tại Mỹ. Ông phủ nhận từng đọc qua báo cáo của người trợ lý hàng đầu Nhà Trắng, dù thông tin rò rỉ cho thấy tài liệu được chú thích là "Bản ghi nhớ gửi tổng thống".

Cũng tại buổi họp báo, ông Trump thông báo Mỹ hoãn hỗ trợ ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc "thiên vị cho Trung Quốc". Nhưng vài phút sau, ông lại bác bỏ chính thông báo của mình, nói động thái vẫn đang được cân nhắc.

Nhà Trắng tiếp tục xáo trộn nhân sự khi Thư ký Báo chí Stephanie Grisham bị thuyên chuyển sang Cánh Đông, làm việc cho Đệ nhất Phu nhân Melania Trump. Bà kết thúc chức vụ dù chưa từng tổ chức mội buổi họp báo chính thức nào. Người thay thế Grisham, bà Kayleigh McEnany, trước đó từng tuyên bố nhờ Tổng thống Trump mà người dân Mỹ "sẽ không nhìn thấy dịch bệnh như virus corona xuất hiện".

Cố vấn kinh tế hàng đầu Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, thừa nhận chương trình giải cứu doanh nghiệp nhỏ có "khởi đầu tồi tệ". Đối tượng đăng ký gặp nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn ngân sách hỗ trợ. Trong khi Tổng thống Trump vẫn tuyên bố chương trình thành công vang dội. Ông khẳng định con gái mình, Ivanka Trump, cố vấn Nhà Trắng, đã tự tay tạo ra thêm 15 triệu việc làm.

Ngày hỗn loạn ở Cánh Tây Nhà Trắng kết thúc với màn chỉ trích của Tổng thống Trump nhắm vào chương trình bỏ phiếu qua thư điện tử. Ông cáo buộc chương trình này sẽ dẫn đến gian lận phiếu bầu, dù chính ông cũng sử dụng cách thức bỏ phiếu này không lâu trước đó. Bình luận được Tổng thống Trump đưa ra giữa lúc đảng Cộng hòa chặn quyết định hoãn bầu cử sơ bộ tại bang Wiscosin, gây nhiều bức xúc về nguy cơ cử tri đi nhiễm virus corona.

Hon loan bao trum Nha Trang anh 2

Nhân viên y tế tại Brooklyn, New York, chuyển thi thể một bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Ảnh: Reuters.

Ngày đen tối của cuộc chiến

Ngày 7/4, hơn 1.800 ca tử vong vì Covid-19 đã được ghi nhận trên toàn quốc. Trong bài diễn văn được soạn sẵn của mình, Tổng thống Trump vẫn đề cập đến những đau thương mất mát do dịch Covid-19 gây nên cho đất nước.

Thế nhưng, sự hằn học trong chỉ trích mà ông dành cho cánh báo chí, cũng như những tuyên bố thiếu căn cứ được lặp đi lặp lại mỗi buổi họp báo, rõ ràng không hợp chút nào với không khí tang thương ngày hôm đó, CNN bình luận.

Dù đã có những tín hiệu cho thấy cơn sóng thần dịch bệnh bắt đầu giảm tốc độ ở tâm dịch New York, thực tế là nước Mỹ vẫn có số ca nhiễm virus corona cao hơn mọi quốc gia trên thế giới.

Không khí hỗn loạn và những quyết định mâu thuẫn phủ bóng chính phủ Mỹ. Nó không chỉ châm ngòi những hoài nghi về cách Washington đang ứng phó đại dịch, mà còn làm dấy lên lo ngại về giai đoạn hai của chiến lược quốc gia trước Covid-19: Khởi động lại nền kinh tế và ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát thành một làn sóng mới. Giai đoạn này đòi hỏi một sự lãnh đạo tập trung và khéo léo, đủ khả năng vực dậy sự tự tin của cả nước.

Chính phủ và lưỡng viện Mỹ vừa phê duyệt 2.000 tỷ USD để khắc phục các hậu quả kinh tế do Covid-19 gây ra. Trong lịch sử Nhà Trắng qua các thời kỳ, hiếm khi nào một gói kích thích kinh tế với quy mô lớn như thế được thực thi hiệu quả mà không để xảy ra bất cập. "Bản thành tích" của chính phủ Tổng thống Trump khiến không ít người lo ngại những gói giải cứu nền kinh tế Mỹ khó được triển khai trôi chảy.

Động thái mới nhất của nhà lãnh đạo càng khiến những người hoài nghi thêm lý do để lo lắng. Ông quyết định sa thải Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ Glenn Fine, một quan chức giám sát dày dạn kinh nghiệm đã làm việc ở Lầu Năm Góc từ năm 2015. Ông là người được chỉ định lãnh đạo Ủy ban Trách nghiệm Ứng phó Đại dịch, có nhiệm vụ đảm bảo gói 2.000 tỷ USD không bị lạm dụng.

Lý do mà Tổng thống Trump đưa ra đơn giản là ông Glenn Fine được bổ nhiệm bởi Tổng thống Barack Obama. Ông cho rằng cá nhân ông không biết gì về vị tổng thanh tra này và không đưa ra lý giải nào khác, theo Wall Street Journal.

Quyết định thay đổi nhân sự đột ngột khiến phía Dân chủ lên tiếng cảnh báo Tổng thống Trump đang muốn đích thân giám sát số tiền này thông qua nhân sự trung thành với mình. Gói giải cứu kinh tế được thông qua với phụ lục yêu cầu tổng thanh tra đặc biệt báo cáo quốc hội về chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo từ đầu đã cảnh báo ông sẽ ngó lơ quy định này.

Trước đó một ngày, ông còn công kích một tổng thanh tra của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, sau khi người này phát hiện hàng loạt bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 thiếu hụt nghiêm trọng đồ bảo hộ cá nhân. Cuối tuần trước, ông sa thải luôn tổng thanh tra cộng đồng tình báo, người báo tin cho quốc hội về chiến lược gây sức ép ngoại giao lên Ukraine nhằm điều tra đối thủ tranh cử với ông Trump.

Quyết định sa thải ông Glenn Fine là cú tát mới nhất của Tổng thống Trump vào hệ thống của chính quyền Mỹ nhằm đảm bảo người quyền lực nhất đất nước vẫn phải chịu trách nhiệm cho các hành động của mình.

Những lần Tổng thống Trump khẩu chiến với truyền thông về Covid-19 Từng gọi giới truyền thông là "kẻ thù của nhân dân", Tổng thống Trump lại càng tỏ thái độ quyết liệt hơn khi các phóng viên đề cập đến tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ.

Lộ cảnh báo bom tấn từ sớm của cố vấn TT Trump về đại dịch

Cố vấn hàng đầu Nhà Trắng cuối tháng 1 đã cảnh báo chính quyền rằng dịch virus corona có thể khiến Mỹ mất hàng nghìn tỷ đô và hàng triệu người Mỹ có thể mắc bệnh hoặc tử vong.

Người phát ngôn Nhà Trắng bất ngờ từ chức

Thư ký báo chí kiêm người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham đã từ chức trong bối cảnh đội hình của TT Trump đang chấn chỉnh đội ngũ truyền thông.

TT Trump: Dịch sắp đạt đỉnh, Mỹ sẽ 'thấy ánh sáng cuối đường hầm'

Trả lời họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cảnh báo dịch virus corona tại Mỹ trong những ngày tới sẽ "đạt đỉnh" và người dân bắt đầu "thấy ánh sáng cuối đường hầm".

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm