Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Putin tuyên bố tên lửa 'bất khả xâm phạm' đã sẵn sàng

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard mà ông gọi là “vũ khí bất khả xâm phạm” đối với hệ thống phòng thủ Mỹ sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

Tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin được đưa ra sau vụ thử tên lửa vào ngày 26/12.

“Nga là nước đầu tiên trên thế giới nhận được loại vũ khí chiến lược mới và điều này sẽ đảm bảo an toàn cho an ninh quốc gia và nhân dân chúng ta trong nhiều thập niên tới. Đây là món quà tuyệt vời cho đất nước trong năm mới”, hãng tin TASS dẫn lời Tổng thống Putin.

Tổng thống Putin tuyên bố Avangard là vũ khí “bất khả xâm phạm” đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ đi vào trực chiến trong năm 2019. Tổng thống Putin từng mô tả Avangard là vũ khí “bất khả xâm phạm” trong Thông điệp Liên bang vào tháng 3.

Hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard đã được thử nghiệm tại căn cứ không quân Dombarovsky, ở tây nam nước Nga, theo TASS. Các báo cáo trước đó nói rằng Avangard có tầm bắn liên lục địa và bay ở tốc độ tới Mach 20 (khoảng 24.000 km/h).

Nga thu ten lua sieu thanh Avangard anh 1
Tổng thống Putin và các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga quan sát vụ thử tên lửa siêu thanh Avangard qua truyền hình. Ảnh: CNN.

Khi tiếp cận mục tiêu, đầu đạn sẽ tách khỏi tên lửa và lướt trong không khí với tốc độ chóng mặt. Nó có thể cơ động để điều chỉnh độ cao và hướng để tránh hệ thống phòng thủ của đối phương. Avangard bay đủ thấp để tránh hầu hết tên lửa đánh chặn, TASS cho biết.

Mỹ nửa tin nửa ngờ

Lầu Năm Góc không bình luận ngay về tuyên bố của Tổng thống Putin. Tuy vậy, một quan chức Mỹ bày tỏ sự hoài nghi với CNN về vũ khí mà Tổng thống Putin tuyên bố là “bất khả xâm phạm”. Các nhà phân tích cho rằng Nga thường tự hào thái quá về khả năng quân sự mới, trong khi năng lực của chúng thường không mấy hiệu quả trong thực tế.

“Ngân sách hạn chế và các nguồn lực công nghiệp quốc phòng khiêm tốn đang đe dọa nỗ lực hiện đại hóa quân sự ở cấp chiến lược và chiến thuật của Nga. Vẫn phải chờ xem Kremlin thực sự có thể đưa vũ khí siêu thanh mới vào hoạt động nhanh đến mức nào và ở mức độ ra sao”, Joseph Trevithick, nhà phân tích tại tạp chí An ninh Toàn cầu, nói.

Tuy vậy, tuyên bố của Tổng thống Putin cho thấy Moscow vẫn đang theo đuổi các hệ thống vũ khí khiến Lầu Năm Góc phải suy nghĩ lại về chiến lược đối phó. Tướng John Hyten, chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ, từng cảnh báo rằng vệ tinh và radar phát hiện tên lửa của Mỹ ở hiện tại sẽ không có khả năng phát hiện ra những vũ khí như Avangard.

“Chúng ta sẽ cần hệ thống cảm biến mới để phát hiện mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh”, tướng Hyten nói với CNN vào tháng 3, sau khi Tổng thống Putin đề cập đến tên lửa siêu thanh Avangard trong Thông điệp Liên bang.

Kích hoạt chạy đua vũ trang

Stratfor, tờ báo điện tử chuyên về tình báo và địa chính trị, trong một bài phân tích vào đầu năm mô tả vũ khí siêu thanh sẽ gây bất ổn cho thế giới. “Những tên lửa này sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang mới để nắm ưu thế trong tấn công”, trích bài đăng của Stratfor.

Nga thu ten lua sieu thanh Avangard anh 2
Avangard được cho là có thể trang bị trên tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat. Ảnh: Sputnik.

Vũ khí siêu thanh sẽ khuyến khích các cuộc tấn công đầu tiên vì đối phương sẽ có rất ít thời gian lựa chọn biện pháp đối phó. “Thời gian phản ứng ít hơn và thiếu khả năng phòng thủ đầy đủ sẽ khiến cho các cuộc tấn công phủ đầu trở nên hấp dẫn hơn”, theo Stratfor.

Bên cạnh Nga, Mỹ, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu vũ khí siêu thanh. Bắc Kinh từng cho biết đã thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh vào tháng 8. Phương tiện bay siêu thanh Starry Sky 2 của họ đã đạt tốc độ Mach 6 ( khoảng 7.400 km/h).

Bắc Kinh không cho biết kế hoạch gì khác ngoài ứng dụng công nghệ siêu thanh cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Đầu năm nay, Không quân Mỹ đã trao hợp đồng trị giá 928 triệu USD cho Lockheed Martin để phát triển tên lửa siêu thanh.

Trong khi đó, Michael D. Griffin, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nghiên cứu và Kỹ thuật, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo vào tháng 12, Mỹ có khả năng phòng thủ hiệu quả chống lại vũ khí siêu thanh trong thập niên tới.

Thông báo về tên lửa siêu thanh Avangard được Nga công bố chưa đầy một tháng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong vòng 60 ngày, trừ khi Nga ngừng việc vi phạm hiệp ước.

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF khi thử nghiệm tên lửa đạn đạo 9M729 vào năm 2017. Moscow phủ nhận cáo buộc này. Việc Nga thử nghiệm Avangard sẽ không vi phạm INF nhưng có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước.

Nga thử tên lửa đánh chặn giữa lúc căng thẳng với Ukraine Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video thử nghiệm tên lửa đánh chặn mới, thiết kế để bảo vệ thủ đô Moscow trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương.

Vũ khí bí ẩn của MiG-31 sẽ là cơn ác mộng với vệ tinh của Mỹ

Một nhiếp ảnh gia tình cờ chụp được bức ảnh tiêm kích đánh chặn MiG-31 cất cánh với vũ khí rất lớn dưới bụng, có thể là tên lửa chống vệ tinh.

Nga bắt đầu thử nghiệm cỗ máy răn đe hạt nhân mới nhất

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Knyaz Vladimir, chiếc mới nhất thuộc lớp Borei, đã bắt đầu quá trình thử nghiệm trên biển. Ngoài ra, Moscow đã ra lệnh đóng mới thêm 2 tàu khác.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm