Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-36M rời silo phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: Sputnik |
Hãng tin Sputnik ngày 8/5 dẫn nguồn tin kênh truyền hình Zvezda cho biết, quá trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat sẽ bắt đầu từ mùa hè 2016. Đây là loại ICBM mới nhất của Nga được trang bị những công nghệ tinh vi nhất có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Sarmat thuộc loại tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng. Quá trình phát triển RS-28 được bắt đầu từ năm 2009, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018. ICBM Sarmat được thiết kế để thay thế ICBM RS-36M, (NATO định danh SS-18 Satan).
“Sarmat không chỉ trở thành vũ khí kế thừa sức mạnh của Satan, mà ở mức độ nào đó còn quyết định hướng phát triển khả năng răn đe hạt nhân trên thế giới”, Zvezda bình luận. Kênh truyền hình này cho biết thêm, RS-28 có thể tiêu diệt mục tiêu có diện tích tương đương bang Texas, Mỹ hoặc toàn bộ nước Pháp.
Thông số kỹ thuật của tên lửa Sarmat đang được bảo mật, nhưng một số nguồn tin dự đoán, tên lửa có trọng lượng khoảng 100 tấn, tầm bắn ước tính 10.000 km, có thể mang theo tải trọng nặng từ 4-10 tấn. Tên lửa sẽ được phóng từ các silo trong lòng đất.
Sarmat sẽ được trang bị công nghệ nhiều đầu đạn tái nhập khí quyển nhắm mục tiêu độc lập (MIRV). Một số nguồn tin nhận định, RS-28 có thể mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân hạng nặng hoặc 15 đầu đạn hạng nhẹ.
Ngoài ra, ICBM này còn được trang bị các biện pháp đánh lừa radar của hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất hiện nay cho phép đầu đạn “chọc thủng” lá chắn tên lửa của Mỹ.
Người ta còn đồn đoán rằng, Sarmat sẽ có phiên bản mang phương tiện bay siêu thanh để sử dụng như một vũ khí tấn công liên lục địa chính xác cao trong kịch bản chiến tranh phi hạt nhân.
ICBM là viết tắt của cụm từ “Intercontinental Ballistic Missile” (tên lửa đạn đạo liên lục địa). Nó là thuật ngữ dùng để chỉ những tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 5.500 km. Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ sở hữu các tên lửa ICBM.