Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Modi: Nếu cần, quân đội Ấn Độ sẽ dùng vũ lực để bảo vệ biên giới

Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố sẽ bảo vệ biên giới bằng vũ lực nếu cần thiết, sau khi 20 lính nước này thiệt mạng trong vụ đụng độ với lính Trung Quốc ngày 15/6.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói hiện không có lính nước ngoài nào bên trong lãnh thổ Ấn Độ và không phần đất nào bị mất, theo BBC.

Trung Quốc chưa công bố thông tin về thương vong, nhưng Ấn Độ nói hai bên đều bị thương vong trong giao tranh ở vùng biên giới tại thung lũng Galwan, thuộc khu vực Ladakh.

Hai cường quốc hạt nhân đang cáo buộc lẫn nhau là gây sự và xâm phạm đường biên giới còn nhiều tranh cãi.

an do trung quoc anh 1

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters.

Trong tuyên bố được phát trên truyền hình, ông Modi nói lực lượng vũ trang “đã được trao quyền tiến hành mọi bước đi cần thiết” để bảo vệ lãnh thổ Ấn Độ.

“Cả nước đang đau thương và tức giận với những hành động của Trung Quốc”, ông cho biết, và nói thêm: “Ấn Độ muốn hòa bình và hữu nghị, nhưng bảo vệ chủ quyền là quan trọng nhất”.

an do trung quoc anh 2

Lính Ấn Độ được điều đến biên giới. Ảnh: Getty Images.


Ông nói thêm rằng sau các vụ đụng độ, “không có ai bên trong lãnh thổ chúng ta, và không có vị trí nào của ta bị mất”.

Trong vụ đụng độ chết người ngày 15/6, hai bên đánh nhau mà không nổ súng vì một thỏa thuận năm 1996 cấm dùng súng và chất nổ trong khu vực. Còn có ít nhất 76 lính Ấn Độ khác bị thương.

Một bức hình được một quan chức quân đội Ấn Độ ở biên giới gửi BBC cho thấy những cây gậy sắt lắp đầy đinh, mà người này nói là vũ khí được lính Trung Quốc sử dụng.

Bức hình được chia sẻ rộng rãi trên Twitter của Ấn Độ, gây phản ứng mạnh mẽ từ mạng xã hội. Các quan chức cả Ấn Độ và Trung Quốc đều chưa bình luận.

an do trung quoc anh 3

Những cây gậy sắt lắp đầy đinh được cho là vũ khí của lính Trung Quốc hôm 15/6. Ảnh: BBC.

Truyền thông địa phương cũng cho biết lính hai nước cũng đụng độ ở vách đá trên độ cao 4.300 m, một số lính bị rơi xuống dòng sông Galwan chảy siết, trong thời tiết âm độ.

Thung lũng sông Galwan ở khu vực Ladakh, với thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nằm gần với Aksai Chin, một khu vực tranh chấp mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc kiểm soát.

Đây không phải lần đầu xảy ra đụng độ mà không dùng súng giữa hai nước láng giềng đều có vũ khí hạt nhân. Ấn Độ và Trung Quốc có quá khứ mâu thuẫn về các yêu sách chủ quyền chồng lấn, dọc theo hơn 3.440 km đường ranh giới kiểm soát (line of actual control) chưa được phân định rõ giữa hai bên.

an do trung quoc anh 4

Bản đồ của BBC cho thấy đường ranh giới kiểm soát (line of actual control) giữa Ấn Độ và Trung Quốc, và nơi xảy ra đụng độ vừa qua (ghi chú màu xanh). Phần gạch màu xám là Trung Quốc kiểm soát. Đồ họa: BBC.

Lần cuối có nổ súng là năm 1975 khi bốn lính Ấn Độ bị thiệt mạng ở một đèo xa xôi nằm tại bang Arunachal Pradesh phía đông bắc nước này.

Đến năm 1996, thỏa thuận song phương quy định “không bên nào được nổ súng... hay thực hiện các hoạt động nổ hay săn bắn bằng súng hoặc chất nổ bên trong 2 km của ranh giới kiểm soát”.

Cũng đã có các cuộc đụng độ khác gần biên giới trong những tuần qua. Tháng 5, lính Ấn Độ và Trung Quốc đánh nhau ở vùng biên giới gần Hồ Pangong, cũng ở khu vực Ladakh, và lần khác ở bang đông bắc Sikkim, cách đó hàng trăm km về phía đông.

Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc đưa hàng nghìn quân vào Thung lũng Galwan và nói Trung Quốc chiếm 38.000 km2 lãnh thổ của Ấn Độ. Nhiều vòng đàm phán trong ba thập kỷ qua vẫn chưa giải quyết được tranh chấp biên giới.

Ấn Độ, Trung Quốc quan hệ kinh tế ra sao trước vụ đụng độ chết người?

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ chỉ sau Mỹ, trong khi Ấn Độ là nguồn cung quan trọng của các ngành công nghệ và kĩ thuật Trung Quốc.

Trung - Ấn tăng cường hoạt động quân sự tại biên giới tranh chấp

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng cường hiện diện và các hoạt động quân sự tại khu vực biên giới tranh chấp nơi vừa xảy ra cuộc đụng độ hôm 15/6.

Ấn - Trung đụng độ, hàng chục nghìn con dê quý vạ lây ở Himalaya

Vụ đụng độ Ấn - Trung tuần này không chỉ khiến hàng chục người thiệt mạng mà còn đe dọa ngành chăn nuôi cừu quý của người Tây Tạng trên núi Himalaya.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm