Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TT Duterte thay đổi tính toán với Bắc Kinh, giữ thoả thuận với Mỹ

Việc Philippines tạm hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) với Mỹ cho thấy toan tính địa chính trị của Manila đã thay đổi vì tình hình Biển Đông.

Hồi tháng 2, khi chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ bắt đầu quy trình chấm dứt Thoả thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA), động thái được coi là một bước thụt lùi trong mối quan hệ truyền thống với Mỹ, mặc dù Manila nói rằng điều này là để đất nước tự phát triển khả năng phòng thủ của riêng mình.

Nhưng khi đó Philippines chưa bị tác động nghiêm trọng bởi Covid-19, và Trung Quốc cũng chưa tăng cường các hoạt động gây hấn trên Biển Đông. Nay có vẻ như mọi chuyện đã khác.

Philippines giu thoa thuan cho linh My don tru anh 1

Tàu sân bay Theodore Roosevelt neo đậu tại cảng Manila hồi năm 2018. Ảnh: AP.

Khi ông Duterte quyết định quay đầu

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thông báo trên Twitter rằng "việc bãi bỏ thỏa thuận các lực lượng thăm viếng đã bị hoãn" theo chỉ đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte. Bộ Ngoại giao Philippines nói động thái này dựa trên "diễn biến chính trị và các vấn đề khác trong khu vực".

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2016, ông Duterte đã nhiều lần công khai bày tỏ mong muốn rời xa Washington và ủng hộ một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, nhằm giúp Philippines hưởng lợi từ các khoản đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Ông Richard Javad Heydarian, học giả và tác giả từ Manila, cho rằng việc tổng thống Philippines thay đổi quyết định là không hoàn toàn ngạc nhiên, vì gần đây Trung Quốc đã gia tăng những hành vi gây bất ổn ở Biển Đông, khu vực giàu tài nguyên và là tuyến hàng hải nơi 30% dòng chảy thương mại của thế giới đi qua.

Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động trinh sát bằng máy bay và tác chiến chống ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như tạo ra hai khu hành chính mới có trụ sở ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bắc Kinh cũng được cho là sẽ thiết lập một vùng nhận dạng phòng không phi pháp trên khu vực.

Tàu Trung Quốc đã thực hiện một loạt các sự cố khiêu khích với tàu cá các nước Đông Nam Á trên Biển Đông, dẫn tới những công hàm phản đối của Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia gửi tới Liên Hợp Quốc, chống lại các yêu sách của Bắc Kinh.

Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động tuần tra của họ nhằm đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, điều này làm dấy lên lo ngại về việc căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington sẽ gia tăng, vì hai nước vốn đang đối đầu trong nhiều vấn đề từ thương mại đến Covid-19.

Nhà phân tích an ninh châu Á, ông Lucio Blanco Pitlo cho rằng có lẽ ông Duterte vẫn thấy liên minh với Mỹ là quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của đất nước trước sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, do tương quan sức mạnh bất cân xứng giữa Manila và Bắc Kinh.

Philippines giu thoa thuan cho linh My don tru anh 2

Tổng thống Philippines Rodrio Duterte từng bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Ông Pitlo cho biết các nhà ngoại giao từ Manila và Washington đã cố gắng cứu vãn thoả thuận VFA, dù tồn tại một số bất đồng khó giải quyết giữa hai nước về thoả thuận này, bất chấp mối quan hệ khăng khít về mặt quốc phòng.

Một điểm gây tranh cãi từ lâu là Manila muốn có quyền tài phán với quân nhân Mỹ, nếu có bất cứ ai dính líu đến hoạt động phạm tội gây ra ở Philippines. Theo ông Pitlo, việc hoãn chấm dứt thoả thuận sẽ tạo thêm thời gian cho các cuộc đàm phán.

Điều tốt cho khu vực

Có hàng trăm cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines được tổ chức mỗi năm. Trong năm 2019, hai nước đã tổ chức 281 cuộc tập trận, một sự gia tăng so với 261 sự kiện vào năm trước đó. Tuy nhiên, có rất ít cuộc tập trận chung giữa Philippines và Trung Quốc. Cuộc tập trận chung bảo vệ bờ biển được tổ chức tháng 1 năm nay là lần đầu tiên một sự kiện như vậy diễn ra.

Năm 2018, Philippines đã tham gia một cuộc tập trận quân sự khu vực có sự tham gia của Trung Quốc và các nước ASEAN khác, và đó là lần đầu tiên Manila tham gia hoạt động quân sự chung với Bắc Kinh.

Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Rand Corporation, một viện chính sách ở Washington, cho rằng: "Cuối cùng, ông Duterte vẫn có thể chấm dứt VFA. Nhưng đây chắc chắn là một dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy Manila vẫn coi trọng thoả thuận này đủ để giữ nó tồn tại. Điều đó chứng tỏ Philippines tin rằng quan hệ an ninh với Mỹ là điều cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc".

Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng ý định tăng cường năng lực phòng vệ của Manila đã bị ảnh hưởng bởi khoản nợ công phình to và thâm hụt ngân sách do tăng chi tiêu cho các hoạt động ứng phó với Covid-19.

"Điều này có nghĩa là trong tương lai gần, chi tiêu quốc phòng của Philippines sẽ bị ảnh hưởng, và điều này sẽ tác động không chỉ đến các kế hoạch mua sắm và hiện đại hoá quân đội, mà còn cả sự sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang hiện tạ, ông Koh nhận định. Vì vậy việc giữ lại VFA vào lúc này ít nhất sẽ đóng vai trò như việc mua bảo hiểm.

Các nhà phân tích cũng cho rằng nhiều nước trong khu vực có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì quyết định của Philippines, vì điều đó có nghĩa là sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không có tác động bất lợi, ít nhất là vào lúc này.

"Nó cũng gửi một tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh rằng Manila quan tâm đến các vấn đề trên Biển Đông, và nhắc nhở Trung Quốc về việc kiềm chế không leo thang căng thẳng", ông Koh cho hay.

Ông Grossman giải thích với VFA, Mỹ có thể chuyển tiếp quân đội và thiết bị quân sự tại các căn cứ được chỉ định trên Philippines, điều này không cần thiết cho sự thành công của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng không thể phủ nhận sự hữu ích của nó.

Philippines giu thoa thuan cho linh My don tru anh 3

Lính Mỹ bên cạnh các binh sĩ Philippines trong một cuộc tập trận chung giữa 2 nước vào năm 2015. Ảnh: AP.

"Không có Philippines, Mỹ vẫn có thể tiếp cận khu vực từ Okinawa, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia, nhưng Philippines rõ ràng là ở gần Biển Đông nhất, và điều đó cho phép phản ứng nhanh nhất của quân đội Mỹ", ông nhận định.

Nhưng động thái mới nhất của Manila không có nghĩa là Trung Quốc đã thất bại, theo ông Jay Batongbacal, chuyên gia hàng hải Philippines, vì Bắc Kinh luôn coi Philippines là đứng về phía Mỹ.

"Họ (Trung Quốc) biết chiến thuật của ông Duterte, vì họ cũng sử dụng những chiến thuật đó. Ông Duterte là một phần thưởng lớn, nhưng Bắc Kinh biết rằng họ không thể dựa vào ông Duterte sau khi hết nhiệm kỳ", ông Batongbacal nhận định.

Philippines giữ thỏa thuận cho Mỹ đóng quân giữa căng thẳng Biển Đông

Philippines tạm hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) với Mỹ trong tương lai gần, giữa bối cảnh Trung Quốc gia tăng phô trương sức mạnh ở Biển Đông.

TT Philippines phản đối mở cửa trường khi chưa có vaccine Covid-19

Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, cho biết ông không muốn cho học sinh đến trường trở lại khi chưa có vaccine phòng Covid-19.

Sơn Trần

(theo South China Morning Post)

Bạn có thể quan tâm