Giải thích về công hàm mà Jakarta gửi lên Liên Hợp Quốc gần đây, ông Retno Marsudi nói: “Yêu sách của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia... Chính phủ Indonesia kiên quyết giữ lập trường của mình”.
Nêu lại phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), công hàm của Indonesia ngày 26/5 cho rằng cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc thiếu căn cứ trong luật quốc tế. Công hàm này cũng bác bỏ cái mà Bắc Kinh gọi là chủ quyền lịch sử trên vùng biển.
Trong công hàm, Indonesia khẳng định lại quan điểm không tham gia vào bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào ở Biển Đông. Indonesia là nước duy nhất không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nhưng vẫn gửi công hàm phản đối “đường 9 đoạn” như vậy.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đứng trên một tàu hải quân nước này. Ảnh: Reuters. |
Tuyên bố chủ quyền của Indonesia không trực tiếp chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna chồng lấn với cái mà Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn” - còn gọi là "đường lưỡi bò". Tàu đánh cá Trung Quốc thường xuyên hoạt động trong khu vực đó, theo Nikkei Asian Review.
Tuyên bố của Indonesia được đưa ra sau các động thái mạnh bạo hơn của Trung Quốc trên Biển Đông, giữa lúc thế giới đang đối phó với virus corona. Bắc Kinh đơn phương lập ra hai quận ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 4, và quân đội Trung Quốc điều tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu khác tới khu vực để diễn tập.
Theo Nikkei Asian Review, dư luận Indonesia đang ngày càng phản ứng mạnh với Trung Quốc. Tháng trước, có thông tin thi thể một số người Indonesia bị ném khỏi tàu đánh cá Trung Quốc giữa biển. Những người này đã chết vì làm việc quá sức.