Trong công hàm gửi cho tổng thư ký Liên Hợp Quốc vào tuần trước, Indonesia khẳng định lại quan điểm không tham gia vào bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào ở Biển Đông, và vẫn cho rằng yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển này "rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế".
Cho tới nay, Indonesia là quốc gia duy nhất không có yêu sách ở Đông Nam Á từng gửi công hàm phản đối như vậy đến Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở biển Bắc Natuna nằm liền kề với vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Jakarta cho biết đây không phải là công hàm đầu tiên thể hiện quan điểm phản đối của nước này. Indonesia cũng từng thể hiện quan điểm tương tự vào năm 2009 và 2010 tại Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc.
"Indonesia chỉ nhắc lại quan điểm mà phía Trung Quốc đã biết. Không có gì mới trong quan điểm của Indonesia", Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế của Indonesia, ông Damos Agusman, nói với tờ Jakarta Post hôm 29/5.
Tàu hải cảnh Indonesia ở biển Natuna, gần đảo Riau. Ảnh: Antara News. |
"Liên Hợp Quốc cần phải nắm được quan điểm của Indonesia, vì Trung Quốc cũng muốn thể hiện quan điểm về các yêu sách chủ quyền của nước này, trong đó có cả yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia", Vụ trưởng Damos nói.
Trong công hàm gửi cho Liên Hợp Quốc, Jakarta trích dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, cho rằng bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý quốc tế.
"Phán quyết của tòa án vẫn là phán quyết, dù có hoặc không có sự ủng hộ từ các quốc gia. Nó vẫn là phán quyết ngay cả khi không có chính phủ nào ủng hộ. Vì tòa án được Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) trao thẩm quyền và công ước này đã nhận được sự tán thành từ các nước", ông Damos nói thêm.
Qiu Xinli, Tham tán chính trị của Đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta, cho biết Bắc Kinh cam kết tôn trọng và hành động dựa trên luật pháp quốc tế, nhưng sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông.
"Trung Quốc áp dụng 'cách tiếp cận kép', cụ thể là giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông qua các cuộc đàm phán và trao đổi (song phương) với các nước liên quan dựa trên tinh thần tôn trọng lịch sử và tuân thủ luật pháp quốc tế; và cùng đàm phán với các nước ASEAN, nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông", Tham tán Qiu nói.